Bạn có biết mộng du là gì không? Đó là một căn bệnh về tâm lý. Người bệnh thức giấc lúc nữa đêm, đi ra ngoài, làm một việc gì đó. Sáng hôm sau, bạn hỏi xem họ đã làm gì đêm qua? Họ trả lời là họ không biết, họ không làm gì cả. Tương tự như thế, có người lại sử dụng một từ khác: chế độ lái tự động (automatic pilot mode).
Bạn có biết chế độ lái tự động nghĩa là gì không? Ngày nay, việc điều khiển máy bay có thể được đảm trách bởi hệ thống máy tính một cách tự động. Bạn thiết lập các con số: độ cao, tốc độ, hướng đi và để máy bay tự bay. Bạn không cần điều khiển gì cả. Hầu hết chúng ta đều sống trong chế độ lái tự động như vậy. Chúng ta không thực sự điều khiển. Chúng ta làm nhiều việc, nhưng chúng ta lại chẳng biết. Chúng ta ăn một cách tự động, chúng ta bước đi một cách tự động mà tâm trí chúng ta không thực sự ở đó. Nếu bạn không thực sự ở đó, có thực sự bạn đang sống không?
Một tác giả, người đã viết nhiều cuốn sách về thiền tập, viết rằng khi bạn lột vỏ một trái cam, nếu bạn không làm điều đó một cách chánh niệm, tại thời khắc đó cả bạn và trái cam đều không tồn tại. Bạn có thấy được ý nghĩa của điều này không? Nếu bạn làm một việc gì đó không chánh niệm, nếu bạn không chú ý vào việc bạn đang làm, bạn đang lột vỏ cam nhưng lại mải suy nghĩ về một việc khác, không chánh niệm, không nhận biết, vào thời khắc đó cả bạn và trái cam đều không tồn tại. Như vậy, nếu chúng ta chánh niệm, đó mới là thời gian chúng ta thực sự sống. Khi chúng ta thất niệm, chúng ta không thực sự sống. Nếu bạn thực sự muốn cảm thấy mình đang sống, bạn cần phải chánh niệm.
Khi bạn chánh niệm, đó là thời gian mà bạn có được để sống. Khi bạn không chánh niệm, bạn đánh mất thời gian đó. Chúng ta đều muốn sống lâu. Bạn muốn sống được bao lâu? Vâng, một số người nói rằng họ muốn sống đến 100 tuổi. Tôi cũng muốn sống đến 100 tuổi. Nhưng nếu bạn sống đến 100 tuổi mà không có chánh niệm, sống một cách tự động, liệu điều đó có ý nghĩa không? Liệu bạn có hài lòng không? Không, chẳng có ý nghĩa gì hết cả.
Nhưng nếu bạn chỉ cần sống được một ngày trong chánh niệm, đó là điều hài lòng lớn nhất. Đó là điều mà Đức Phật đã dạy: hiểu được Pháp và sống trong chánh niệm kể cả chỉ một ngày cũng tốt hơn sống cả 100 năm mà không hiểu Pháp và không sống trong chánh niệm. Điều này là rất nghiêm túc, rất quan trọng. Chúng ta muốn sống lâu, sống thọ. Nhưng nếu bạn phung phí thời gian của bạn, kể cả nếu bạn sống được thật lâu, điều đó vẫn không làm bạn hài lòng, cuộc sống của bạn không có ý nghĩa. Đó là một cuộc sống không có giá trị, không có ý nghĩa. Như vậy, nếu chúng ta muốn sống một cách trọn vẹn nhất, chúng ta cần chánh niệm.
Chúng ta đều muốn sống một cách trọn vẹn nhất. Tôi muốn được sống trong mọi giây phút. Theo một cách nào đó, tôi cũng rất tham lam. Tôi có kế hoạch để sống trong thời gian của một cuộc đời nhưng lại như sống được tới hai cuộc đời. Tôi có thể làm cho cuộc sống của tôi hiệu quả hơn. Nếu hiệu quả của tôi được tăng lên gấp đôi, điều đó có nghĩa rằng tôi sống được nhiều gấp đôi. Do đó, tôi cố gắng sử dụng thời gian của tôi một cách tốt nhất. Tôi cố gắng làm cho cuộc sống của tôi hiệu quả hơn.
Sống chánh niệm làm cho cuộc sống bạn hiệu quả hơn. Bạn học hỏi được nhiều hơn, bạn thấy được nhiều thứ hơn, bạn trải nghiệm được nhiều hơn. Bạn có thể làm được nhiều việc hơn nhiều, nếu bạn chánh niệm.
TS Sayadaw U Jotika