Giữ miệng và phòng tâm

25/04/2021 8:28
Trong đời sống tu tập, mỗi hành giả cần trang bị cho bản thân một kĩ năng sống cần thiết, hợp với đời sống thiền môn. Việc giữ lời nói cho đúng chánh pháp và luôn phòng hộ nơi tâm là một vấn đề cần thiết của mỗi hành giả trên tiến trình giải thoát.

Ý nghĩ của hành giả nếu tính kể ra thì không cùng tận, từ niệm thiện xen lẫn niệm ác, cho nên hành giả cần phải thận trọng, từng giờ từng khắc lưu tâm, đâu đâu cũng phải chú ý trong ngoài như một. Phần lớn nhìn bề ngoài thì hành động tốt thậm chí là rất tốt, nhưng bên trong thì đầy dẫy vọng tưởng, làm sao để không vọng tưởng. Có nhiều hành giả trong tâm thì đầy vọng tưởng, nghĩ người ngoài không ai biết, rồi cứ vậy ngày ngày vọng tưởng, vọng tưởng đến nỗi bị đọa lạc lúc nào cũng không biết tại sao bị đọa.

Chúng ta là người tu phải giữ gìn khẩu nghiệp, đại chúng ở chung một nơi phải đề phòng chuyện thị phi không nên đụng đâu nói đó, tránh rước chuyện phiền phức về mình. Xin được trích bốn chữ “Độc tọa phòng tâm”, nghĩa là khi ngồi một mình chúng ta phải đề phòng tâm ý chớ chạy theo vọng tưởng, nhất là tâm dâm dục. Người xuất gia chúng ta càng phải đặc biệt chú ý, không cho những tư tưởng vô ích đến quấy nhiễu. Vọng tưởng thì ai ai cũng có, khi khởi vọng tưởng rất khó trực tiếp loại bỏ nó nên vậy phải dùng phương tiện để khống chế, không cho nó khuấy động, như chúng ta có thể đọc kinh điển, niệm Phật, nghe pháp, xem phim Phật giáo, tọa thiền,… thì mới có cơ may ngăn được vọng tưởng.

Học đạo, mình cần phải có con mắt chọn pháp, nếu hợp với đạo lý thì học, ngược lại không hợp thì rút lui, chọn điều thiện mà theo, bất thiện thì cố gắng sửa đổi, có thể nói đây là quan điểm hết sức căn bản của người tu.

Rất nhiều trường hợp có người biết rõ lỗi của mình mà không sửa, biết mà vẫn làm sai nghĩ rằng nó không ảnh hưởng gì mấy. Có câu “Đừng nghĩ một việc thiện nhỏ mà không làm, một việc ác nhỏ mà làm”. Là người tu dù chỉ một việc thiện nhỏ chúng ta cũng phải làm, một việc ác nhỏ phải kiên quyết không làm, vì việc thiện lớn cũng từ việc thiện nhỏ, việc ác lớn cũng từ việc ác nhỏ, giọt nước lâu ngày cũng đầy lu, cho nên không thể nào khinh thường được.

Việc tu học không thể ngày một, ngày hai mà cần phải cả một quá trình sửa đổi cũng như hành trì các pháp của Đức Phật. Vì vậy, mỗi hành giả ngay lúc này, cần phải tinh tấn, chuyên tâm tu học Giới - Định - Tuệ và hằng ngày luôn trong trạng thái chánh niệm từ thân, khẩu và ý. Và đó là con đường đưa hành giả đến với sự giác ngộ Vô thượng Bồ đề.



Các tin tức khác

Back to top