Khi bạn vừa mở mắt thức dậy và có chánh niệm, hãy thực hành niệm hơi thở (anapana) ngay lập tức. Bạn hít thở thật sâu để cơ thể nhận được nhiều ôxy hơn. Não của chúng ta cần rất nhiều ôxy, vì vậy khi bạn vừa tỉnh giấc, còn cảm thấy mơ màng buồn ngủ, hãy hít thở vài hơi thật sâu, nó sẽ làm cho não bạn trở nên tươi mới và sáng suốt. Hơn nữa, việc bạn chú tâm vào hơi thở sẽ kéo chánh niệm quay lại và nó sẽ làm tâm bạn thêm tỉnh thức. Làm như vậy, bạn thu được cả hai lợi ích cùng một lúc.
Hành thiền một chút trong tư thế nằm rồi ngồi dậy và tiếp tục ngồi thiền ngay tại chỗ, ở trên giường. Bạn có thể vệ sinh thân thể sau. Ngay khi vừa tỉnh dậy là ngay khi đó bạn hãy chánh niệm, ghi nhận, tự biết mình.
Khi đã duy trì được đà chánh niệm liên tục và thành công trong một thời gian nào đó, thì một nội tâm trong sáng, thuần tịnh, an lạc và tĩnh lặng sẽ bắt đầu đến với bạn.
Bắt đầu một ngày mới bằng một tâm thiện, một tâm thiền, đó quả là một điều phúc lạc thực sự, quả là chân hạnh phúc cho đời. Bạn chưa rửa mặt ư, cũng chẳng sao cả. Cái tâm còn quan trọng hơn việc ấy nhiều.
Sau khi đã ngồi thiền tại chỗ như vậy một lúc rồi (nếu bạn ngủ trên một chiếc giường), hãy nhẹ nhàng nhấc chân ra khỏi giường và tiếp tục chánh niệm ghi nhận các cảm giác xúc chạm của bàn chân với sàn nhà. Rồi giữ chánh niệm khi bạn đi rửa mặt, biết rõ các cử động của mình, các cảm giác xúc chạm, hay biết cả sự chánh niệm của mình và tất cả. Hay biết mọi thứ khi bạn đang làm - bạn cũng không cần phải dùng đến ngôn từ để niệm thầm hay ghi nhớ các hành động đó. Mọi sự xúc chạm - không cần thiết phải niệm câu gì hay tụng đọc cái gì cả - chỉ cần hay biết nó. Cái "hay biết và ghi nhận mọi sự xúc chạm" này chính là cái tôi muốn các bạn thực hành.
Ngay cả khi sự thực hành của bạn đã tiến bộ, Niệm và Định của bạn đã có thể bắt được những đề mục vi tế hơn, bạn cũng không nên bỏ niệm hơi thở và chánh niệm đối với các xúc chạm như là một nền tảng thực hành căn bản của mình.
Sau đó, bạn có thể tụng kinh một chút, rải tâm từ một chút rồi ngồi xuống hành thiền. Sau thời tọa thiền, bạn phải đi ăn sáng, làm việc nhà và hãy cố gắng giữ chánh niệm càng nhiều càng tốt khi làm những công việc ấy. Đừng lo khi chánh niệm của bạn còn hời hợt; ngay cả chỉ một chút xíu chánh niệm thôi cũng có lợi ích rất lớn cho bạn rồi.
Nếu bạn cố gắng thực hành như thế, dù chỉ để duy trì được một chút chánh niệm trong suốt cả ngày, bạn sẽ dần dần nhận thấy sức mạnh của tâm mình ngày càng tăng trưởng theo thời gian. Khi năng lực của tâm đã vững vàng, bạn sẽ thấy rằng khi bạn buông lỏng, thư giãn thoải mái và ngồi xuống hành thiền, chỉ trong vòng 5 phút tâm bạn đã được định tĩnh và tập trung - định tâm đến thật dễ dàng.
Sau bữa ăn sáng và các công việc khác sẽ là những việc bạn cần làm - đến cơ quan hay làm công chuyện, thực hiện những trách nhiệm, bổn phận khác của mình. Nếu bạn tự lái xe, hãy chánh niệm biết rõ khi mở cửa xe, khi ngồi xuống, đóng cửa, tra chìa khoá điện, mở máy, hay biết tiếng động cơ xe khi khởi động, hay biết động cơ đang rung lên nhè nhẹ khi bạn lái xe đi. Hãy cố gắng hay biết và ghi nhận tất cả những điều này khi bạn đang làm - dù chỉ là biết một chút chút thôi cũng được. Nó không khó lắm đâu, bạn cứ thử xem. Trên đường đi, hãy chánh niệm hay biết tất cả những gì xảy ra. Lái xe một cách thật kiên nhẫn. Khi bạn đợi đèn xanh đèn đỏ, hãy giữ một cái tâm thật mát mẻ và thư giãn, thoải mái.
Con người hiện đại ngày nay quá bận rộn, đến nỗi ngay khoảnh khắc vừa mở mắt thức dậy, họ đã bị cuốn vào guồng xáo động ngay lập tức. Họ không có được một giây phút bình an - tâm họ lúc nào cũng đầy căng thẳng. Tình trạng căng thẳng này rất đáng báo động. Điều cần làm là phải luôn luôn tự ý thức, hay biết sự căng thẳng này và thư giãn, buông xả nó ra. Có những sự căng thẳng có thể làm cho bạn trở nên kiệt sức.
Đến nơi làm việc một cách chánh niệm, bất cứ việc gì bạn phải làm trong công việc cũng làm trong chánh niệm; thậm chí chỉ trong vòng 5 giây - cũng cứ hãy chánh niệm. Mọi người thường nghĩ rằng chỉ một chút xíu như vậy chẳng thể mang lại sự khác biệt nào, chẳng có lợi ích gì và họ ngừng lại không làm nữa. Điều đó là không đúng. Bạn phải thử nghiệm nó. Sau một thời gian dài bạn sẽ bắt đầu nhận thấy rằng - thậm chí chỉ một khoảnh khắc chánh niệm ngắn ngủi thôi cũng đủ đem lại một sự bình an nào đó cho tâm hồn, đem lại một sự cân bằng và hòa hợp cho tâm mình.
Trong khi làm việc, nếu có điều gì đó không được trôi chảy và bạn bực mình, cáu giận, hãy chánh niệm ghi nhận ngay điều đó. Nếu đã có được chút ít chánh niệm, thì ngay lúc bạn trở nên giận dữ, bạn sẽ hay biết được nó liền. Bạn sẽ không để nó đến mức phải bùng nổ.
Bản chất của sự giận dữ là khi nó xảy ra lần đầu tiên (bạn tức giận lần đầu), nó chưa bùng nổ ra ngay- bạn vẫn còn có thể kiềm chế được. Nếu lại có một điều gì đó không vừa ý xảy đến, nỗi giận tăng thêm một ít - song bạn vẫn còn kiểm soát được. Một điều gì đó lại xảy ra và nỗi giận lại tăng thêm chút nữa và bạn lại phải cố kiềm chế nó. Nhưng rồi cuối cùng một sự việc dường như rất nhỏ nhặt và không quan trọng nào đó sẽ đột ngột gây nên một sự bùng nổ ghê gớm, không thể kiểm soát được, bạn không thể chịu đựng thêm một chút nào nữa.
Như vậy khi có sự tích tụ những điều bất mãn, không vừa ý này (được gọi là sân tàn dư), thì mỗi khi có một việc gì đó xảy ra, cái kho sân hận tiềm tàng còn ẩn giấu này sẽ lại được nhân lên. Nếu bạn ý thức được quá trình tích tụ những điều bất mãn (domanassa - ưu não) và luôn chánh niệm quan sát hay ý thức được nó, nó sẽ bị hóa giải. Bản chất của sân hận là: nếu bạn hiểu rõ nguyên nhân của nó một cách thật cặn kẽ, khi đó nó không thể mặc sức hoành hoành, phô trương sức mạnh của mình được nữa.
Nếu có thể xử lý được những việc nho nhỏ hàng ngày hay làm bạn khó chịu theo cách ấy, thì hầu hết những cáu kỉnh, khó chịu đó sẽ không bao giờ lên tới mức của một cơn giận bộc phát. Bạn sẽ thấy nhẹ nhõm, trút bỏ được rất nhiều chỉ từ mỗi việc là mình không còn bị bùng nổ trong cơn giận nữa. Những người xung quanh cũng không còn phải chịu đựng những hành động giận dữ của bạn. Và khi làm việc, bạn sẽ làm với một nội tâm bình an, với chánh niệm và trí tuệ, khi đó những phẩm chất tốt đẹp nhất của bạn sẽ bắt đầu được khai mở, thăng hoa và mọi việc đều hoàn thành tốt đẹp hơn xưa.
Có thể nói rằng người nào cố gắng chánh niệm được suốt cả ngày là người đang sống trong chính ngôi nhà của họ, đó là ngôi nhà chánh niệm. Đó là lý do tại sao bạn chỉ có thể hiểu được ý nghĩa của câu kệ "Tôi lấy chánh niệm làm ngôi nhà của mình", khi chính bạn phải tự mình thực hành. Hiểu biết tâm mình sẽ mang lại cho bạn muôn vàn lợi ích.
Tác giả: Sayādaw U Jotika
Dịch giả: Tâm pháp