Hãy cùng đọc và tư duy Ngài đã bỏ và được những gì?
Cung vàng điện ngọc, quyền uy tối thượng, nhung lụa cao sang, kẻ hầu người hạ, cao lương mỹ vị, gia tộc sung túc... những thứ này ắt hẳn đã, đang và sẽ là mục tiêu tìm cầu của không ít người. Mưu cầu ấy biến thành động lực tiếp sức cho lớp lớp người chạy đua để đoạt lấy. Có người tiếp cận nó bằng sự nỗ lực tự thân, nhưng cũng có người nắm lấy nó bằng sự biến hoá đủ màu. Và khi có nó trong tay mấy ai là người thoả mãn, mấy ai là người biết đủ, mấy ai là người biết buông xuống?
Phải chăng những chiêu trò trong cuộc đua mưu cầu sự sung túc ấy bị dẫn dắt bởi lòng tham mà tham thì vô đáy. Nếu chẳng thế thì sao con gái nuôi của Lý Tịnh - vị tướng tài của Ngọc Hoàng Thượng Đế phải trú thật sâu trong hang động dưới đáy giếng, dùng tà thuật để bẫy và dụ dẫn Đường Tam Tạng vào cuộc thoả mãn ái dục? Chưa dừng lại ở đó, khi sự thèm khát biến thể thành sự chiếm hữu cho nô lệ xác thân thì cách ăn thịt Đường Tăng là giải pháp cuối cùng.
Vậy là rõ, Đức Phật không phải đơn thuần từ bỏ những nhu cầu căn bản cuộc sống của một vị Thái tử mà Ngài muốn bỏ “lòng tham ích kỷ” của chính mình. Bởi hơn ai hết, Ngài hiểu rằng “sự thấp hèn, đê tiện, xấu xa được tạo ra bởi chất liệu của lòng tham”. Ai bị lòng tham chi phối người đó đã đánh mất tự do.
Và đó cũng chính là câu trả lời “Ngài đã được tất cả”. Tất cả ở đây là “tự do”. Một ai đó đã từng chỉ ra rằng “muốn có hạnh phúc phải có tự do, muốn đạt được tự do thì phải độc lập”.
Ở góc hẹp của một con người độc lập là sự tự chủ. Nghĩa là tự chủ về ngôn ngữ, hành vi và tư duy. Có tự chủ mới có tự do. Nghĩa là không còn bị bó buộc vào đối tượng và chủ thể nhận thức. Sự tự tại đó bao gồm nội hàm của tuệ giác làm chủ những xúc cảm tiêu cực, chuyển hoá tham, sân và vô minh. Do có tự chủ, người ấy được tự tại và như vậy hạnh phúc sẽ luôn có mặt trong mỗi phút giây.
Tóm lại, xuất phát điểm Đức Phật cũng là một con người, nhưng con người sinh ra ở vạch đích. Đó là một sự mất tự do. Hơn nữa, Ngài bị đóng khung trong vỏ bọc hoàng gia, mọi hành vi, phát ngôn cho đến ý nghĩ đều phải đặt dưới sự áp đặt. Đó là không có độc lập. Và như vậy Ngài không có hạnh phúc dù được trang hoàng, cung phụng bằng tất cả những thứ quý giá trên cuộc đời.
Do đó, Ngài đã bỏ. Nói đúng hơn Ngài đã bỏ sự trói buộc, sự áp đặt, sự nô lệ...để đạt được trạng thái độc lập, tự do và hạnh phúc. Đó là tất cả.
Vậy người có được độc lập, tự do và hạnh phúc người ấy xứng đáng là hạt giống, là sự tiếp nối của Đức Thế Tôn.
Mùa Phật đản năm Tân Sửu,
PL: 2565- DL: 2021
Vô Trí - Tâm Hòa
Theo GHPGVN
Các tin tức khác
- Duy ngã độc tôn có nghĩa là gì? (14/05/2021 12:42)
- Phổ Hiền Bồ Tát khuyến phát (14/05/2021 12:38)
- Ý nghĩa lễ tắm Phật (13/05/2021 12:54)
- Ấm ma và thiền định (13/05/2021 12:51)
- Cuộc sống không còn trống trải vô nghĩa (13/05/2021 12:49)
- Nguyện vọng của con người (12/05/2021 12:51)
- Do nghiệp duyên nào mà con cái đến với cha mẹ trong kiếp này? (12/05/2021 12:49)
- Từ bi và bạo lực (12/05/2021 12:47)
- Chuyện thầy trò (11/05/2021 1:16)
- Vì sao rất khó để nhận biết phiền não vi tế? (11/05/2021 1:14)