Nhưng tại sao tu cũng không khó!? Nếu ai đó hiểu được ngọn ngành “chân hạnh phúc” và lợi lạc của việc xuất gia cầu đạo. Họ sẽ có một tình thương yêu rộng khắp, họ sẽ đặt hạnh phúc chúng sinh trên hạnh phúc cá nhân, tinh tấn tu hành chắc chắn sẽ “giác ngộ” đem lại hạnh phúc cho mình và mọi người.
Ngoài những pháp hữu hình kể trên, còn những pháp vô hình mà bằng mắt phàm chúng ta không thấy được, nó là một chuỗi vô số những nguyên nhân, kết quả ở kiếp quá khứ tạo thành những tăng thượng duyên đẩy chúng sinh vào con đường mà nghiệp quả định sẵn.
Xuất gia tu học là một hành động tích cực. Người đó đã có sự chuyển biến về ý thức ,tư tưởng, và tình cảm. Người ấy sẽ có được môi trường thuận lợi, gặp được thầy đức cao học rộng, bạn tu giỏi, hiền. Kinh sách đủ đầy. Không vướng bận những chuyện muộn phiền thế gian. Công phu, tinh tấn sẽ thoát khỏi khổ đau phiền não.
Ngoài việc xuất gia tu học. Chúng ta cũng có thể làm cư sĩ tại gia. Tuy hai nơi rất khác nhau về điều kiện, môi trường, nhưng cư sĩ tại gia cũng có thể sở chứng được những quả vị cao như những vị xuất gia vậy. Muốn vậy cư sĩ tại gia cũng thành lập cho mình một lớp bạn tu, là những thiện trí thức. Chọn vị lão sư đức cao vọng trọng làm chỗ dựa tâm linh, để tháo gỡ những thắc mắc trong khi tu học.
Tìm đọc những kinh sách chính thống Phật giáo để bồi dưỡng sở học. Trí dũng tu hành. Như thế chúng ta cũng sẽ đi trên con đường hạnh phúc, an lạc.
Sở dĩ các vị tổ thầy xưa nói “Tu là cội phúc” là muốn chỉ những vị xuất gia tu hành đắc đạo, dứt bặt phiền não, không còn trôi lăn trong tam đồ lục đạo, thoát sinh tử luân hồi, đạt được chân hạnh phúc.
Rồi đi giáo hóa chúng sinh thoát khỏi mê lầm. Để họ cũng đạt được hạnh phúc viên mãn. Có như thế chúng ta mới đi đúng con đường mà Đức Phật đã đi. Có như vậy tu mới thật là cội phúc.