Mười pháp quán niệm sẽ làm giảm bệnh ngay lập tức

9/07/2021 12:32
Thế nào là mười? Tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng nguy hại, tưởng đoạn tận, tưởng từ bỏ, tưởng đoạn diệt, tưởng nhàm chán đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường trong tất cả hành, tưởng niệm hơi thở vô hơi thở ra.

Trong Kinh AN 10.60, Đức Phật dạy rằng đối với người bệnh nặng, khổ đau (có thể hiểu là khi bệnh, thân tâm đều không bình thường, thân tâm dễ dao động) có 10 pháp quán niệm có thể làm “thuyên giảm ngay lập tức” – nghĩa là, Phật pháp có uy lực, có thể sẽ công hiệu nhanh chóng, hơn là phải uống thuốc đời thường trong nhiều ngày. Trong Kinh AN 10.60, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích như sau.

“Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn: —Tôn giả Girimànanda, bạch Thế Tôn, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Lành thay, nếu Thế Tôn đi đến Tôn giả Girimànanda, vì lòng từ mẫn.

- Này Ananda, nếu Thầy đi đến Tỷ-kheo Girimànanda và đọc lên mười tưởng, thời sự kiện này có thể xảy ra: Tỷ-kheo Girimànanda sau khi được nghe mười tưởng, bệnh của vị ấy có thể được thuyên giảm ngay lập tức! Thế nào là mười? Tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng nguy hại, tưởng đoạn tận, tưởng từ bỏ, tưởng đoạn diệt, tưởng nhàm chán đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường trong tất cả hành, tưởng niệm hơi thở vô hơi thở ra.” (1)

Trong mười pháp vừa dẫn, chỉ cần tu một pháp là đủ. Trong rất nhiều Kinh, Đức Phật có khi chỉ dạy một pháp là vô thường, hoặc vô ngã. Khởi đầu Đức Phật thường hỏi có phải mắt là vô thường, có phải nhãn thức (cái được thấy) là vô thường, rồi có phải tai là vô thường, có phải nhĩ thức (cái được nghe) là vô thường… suốt cho tới mũi, lưỡi, thân, ý. Nếu liên tục thấy vô thường nơi 6 căn, 6 thức thì nhận ra vô ngã, và sẽ xả ly, đoạn diệt.

Chỗ này cũng nên ghi nhận. Chữ "tưởng đoạn tận" dùng từ Hán Việt nghe khó hiểu, nhưng chỉ có nghĩa là "buông bỏ" hay "xả ly" --  Bản dịch ngài Sujato là "giving up" và ngài Bodhi dịch là "the perception of abandoning" -- tức là các chữ quen thuộc trong Phật giáo Việt Nam.

Tương tự, chữ "tưởng từ bỏ" trong bản dịch của Thầy Minh Châu, trong bản Sujato là "fading away" và trong bản Bodhi là "the perception of dispassion" và Piyadassi dịch là detachment-- đơn giản có nghĩa là xa lìa, xa rời, không mê đắm. Cũng là các chữ quen thuộc trong Phật giáo Việt Nam.

Tương tự, chữ "tưởng đoạn diệt" trong bản dịch của Thầy Minh Châu, trong bản Sujato là "cessation" và trong bản Bodhi là "the perception of cessation" --- có nghĩa là làm cho biến mất, làm cho tịch diệt.

Trong Kinh này, có một pháp quán niệm ít được chú ý trong truyền thống Phật Giáo VN chú ý: đó là tưởng nguy hại (the perception of danger). Do vậy, xin trích từ Kinh AN 10.60 về quán niệm về tưởng nguy hại:

“Và này Ananda, thế nào là tưởng nguy hại? Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau: “Nhiều khổ là thân này, nhiều sự nguy hại. Như vậy trong thân này, nhiều loại bệnh khởi lên. Ví như bệnh đau mắt, bệnh đau về tai, bệnh đau mũi, bệnh đau lưỡi, bệnh đau thân, bệnh đau đầu, bệnh đau vành tai, bệnh đau miệng, bệnh đau răng, bệnh ho, bệnh suyễn, bệnh sổ mũi, bệnh sốt, bệnh già yếu, bệnh đau yếu, bệnh đau bụng, bất tỉnh, kiết lỵ, bệnh đau bụng quặn, bệnh thổ tả, bệnh hủi, bệnh ung nhọt, bệnh ghẻ lở, bệnh ho lao, bệnh trúng gió, bệnh da, bệnh ngứa, bệnh da đóng vảy, bệnh hắc lào lang ben, bệnh ghẻ, bệnh huyết đảm (mật trong máu), bệnh đái đường, bệnh trĩ, bệnh mụt nhọt, bệnh ung nhọt ung loét, các bệnh khởi lên do mật, bệnh khởi lên từ đàm, niêm dịch, các bệnh khởi lên từ gió; bệnh do hòa hợp các thể dịch sinh ra; các bệnh do thời tiết sinh ra, các bệnh do làm việc quá độ sanh, các bệnh do sự trùng hợp các sự kiêng; các bệnh do nghiệp thuần thục, lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện”. Như vậy, vị ấy sống, quán sự nguy hại trong thân này. Này Ananda, đây gọi là các tưởng nguy hại.” (1)

Chú thích:

(1) Kinh AN 10.60: https://suttacentral.net/an10.60/vi/minh_chau



Các tin tức khác

Back to top