Vì giới luật giống như hàng rào cản, không cho những giặc dục lạc bên ngoài xâm nhập vào, lấy đi những của báo vô giá mà người xuất gia có được từ đức Như Lai.
Chính vì do vô minh che lắp, thiếu phước nên không được gặp Phật mà phải sinh ra trong thời mạt pháp - cái thời mà tràn đầy những phiền não, dục lạc. Người tu thì đông, nhưng người giải thoát lại rất ít. Hành giả xuất gia nên luôn đặt giới luật làm nền tảng để suy xét, chiêm nghiệm cho những hành động, việc làm, suy nghĩ của bản thân, vì nếu một phút sẩy chân là liền rơi ngay vào biển chết.
Cần tập cho mình lối sống “thiểu dục tri túc”, để không bị những dục lạc của thế gian ảnh hưởng, làm mất đi tâm bồ đề ngay từ lúc đầu vào đạo. Nếu không giữ giới một cách nghiêm chỉnh, khi gặp nghịch cảnh ta sẽ dẽ bị lung lay, có khi đánh mất lý tưởng giải thoát. Điều này giống như trong một khu vườn đất tơi xốp sẽ có nhiều cây sinh sống, nhưng rễ không ăn sâu vào lòng đất, khi gió bão đến sẽ dễ dàng bị tróc gốc; trái lại, những nơi đất đai khô cằn, khi rễ cây đã ăn sâu vào lòng đất thì không hề bị lay chuyển trước bão giông.
Vấn đề giữ giới không những làm cho thân tâm được thanh tịnh, huynh đệ trong bổn tự được hòa hợp, mà còn tạo được cái nhìn đẹp khách quan từ bên ngoài, vì đã có không ít Phật tử không còn lòng tín tâm đối với Tăng già khi nhìn thấy một số Tăng Ni ăn mặc sang trọng, lòe loẹt, nói năng không khiêm nhã, đi đứng không oai nghi. Phá giới là tội nặng, nhưng tội phá kiến lại càng nặng hơn. Vì sao? Vì khi phá kiến sẽ làm cho người khác có cái nhìn sai lệch về chánh pháp, dần dần khiến cho người Phật tử xa rời chánh pháp. Như vậy, tội lỗi này sao có thể gánh nổi?
Trong kinh có dạy: “nhất thiết duy tâm tạo”. Nên nếu tâm ta khởi lên một niệm ác, thì ta sẽ hành động ác. Ngược lại, nếu khởi niệm thiện thì hành động thiện. Nên tôi luôn lấy giới luật để kiểm soát tâm.
“Buộc tâm lấy giới làm dây
Vững tâm lấy định mà xây đạo tràng.”
Đối với người tu thì trí tuệ là tài sản lớn nhất. “Duy tuệ thị nghiệp”, nên muốn được trí tuệ thì phải giữ giới cho thanh tịnh, khi giới đã giữ vững chắc thì sẽ sanh định và từ định sẽ sinh ra tuệ. Do đó, tuệ có được phát sáng hay không cũng nhờ vào việc giữ giới. Trong Luật cũng có ghi: “Giới Luật là nền tảng của trí tuệ, là ngọc pha lê để trang nghiêm cho pháp thân, là chiếc thuyền bè vượt qua biển sanh tử, là một kho tàng của công đức”.
Phát Bồ Đề Tâm Văn cũng có nói phạm một tội đột kiết la đã đọa vào địa ngục chịu khổ 500 năm, bằng với tuổi thọ của Tứ Thiên Vương, đã phạm một lỗi nhỏ mà còn bị đọa như vậy thì huống hồ gì là lỗi lớn. Chúng sanh đã trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi biết bao kiếp, thế giờ được làm người đã là khó, lại được nghe pháp của Phật càng khó hơn. Hai đều khó chúng ta đã được vậy luôn cố gắng giữ giới để khỏi phải quay trở về con đường mà từ vô thủy mà chúng ta đã đi, đó là sáu nẻo luân hồi.
Do đó, là một hành giả tu tập chúng ta luôn nhắc nhở bản thân phải nương nhờ vào giới là người Thầy để hướng dẫn chỉ đường cho bản thân đi đúng con đường mà mình đã chọn. Như trong kinh Di Giáo Phật dạy: “Sau khi Ta diệt độ, các Thầy phải trân trọng cung kính tịnh giới như mù tối mà được mắt sáng, như nghèo nàn mà được vàng ngọc, phải biết tịnh giới là đức Thầy cao cả của các Thầy. Nếu Ta ở đời cũng không khác gì tịnh giới vậy”.
Thích Tâm Năng