Lòng hiếu kính phải được thể hiện một cách chân thật

29/07/2021 12:13
Chúng ta phải cố gắng giữ năng lượng chánh niệm, hàng ngày tụng kinh niệm Phật, nói năng nhỏ nhẹ, nghĩ và làm những việc tốt đẹp cho cuộc đời rồi hồi hướng công đức này cho người thân của chúng ta vừa qua đời.

Có ba trường hợp xả bỏ báo thân:

Trường hợp 1: Đối với hạng người cực thiện, tức là hạng người thân luôn luôn làm điều thiện, miệng luôn luôn nói thiện, tâm luôn luôn nghĩ thiện. Đối với hạng người này, khi xả bỏ báo thân, tức khắc sinh vào cõi thiện, không qua giai đọan của Trung Ấm thân.

Trường hợp 2: Đối với hạng người cực ác, nghĩa là miệng luôn luôn nói ác, thân họ luôn luôn làm ác, tâm họ luôn luôn nghĩ ác. Đối với hạng người này, khi xả bỏ báo thân, là tâm thức của họ liền rơi vào cảnh giới địa ngục như tên bắn mà không có một lực nào cản nổi.

Trường hợp 3: Đối với hạng người thiện ác xen lẫn, chánh tà không phân minh. Đối với hạng người này, khi xả bỏ báo thân, phải trải qua một giai đọan của Trung ấm thân, tức là tiếp nhận cái thân sau khi chết và trước khi tái sinh. Thân ấy có thể sau ba ngày mới được tái sinh vào cảnh giới mà tùy theo nghiệp thiện ác của mình đã tạo. Hoặc một tuần, ba tuần, hoặc bốn mươi chín ngày, một trăm ngày, hoặc tiểu tường hoặc đại tường. Và có những tâm thức mà thiện ác không rõ ràng thì khi chết có thể năm mươi năm sau, một trăm năm sau vẫn chưa chọn được cảnh giới để tái sinh tương ứng với nghiệp chủng thiện ác.

Đối với ba hạng người xả bỏ báo thân như thế, họ cần nương nhờ vào tâm hiếu kính và tình thương chân thật của con cháu, của bà con nội ngoại, bạn bè, xóm giềng nhất tâm hộ niệm.

Nếu những người cực thiện đã sanh vào những cảnh giới của chư Thiên, hay những cảnh giới tốt đẹp hơn, thì nhờ sự hiếu kính của con cháu, thương tưởng chân thật của bà con nội ngọai, hộ niệm tận tình của xóm giềng, khiến cho tâm thức của người đó đã sanh vào cõi trời, thì từ cõi trời Dục giới mà sanh lên cõi trời Sắc giới hay Vô Sắc giới. Còn nếu đã sanh vào cõi trời Vô sắc giới rồi, nhờ phước báu cầu nguyện của gia quyến mà người đó được sanh về cảnh giới của Bồ Tát hay cảnh giới của chư Phật.

Như vậy đối với hạng người cực thiện, cũng phải nương nhờ sự hiếu kính, sự hộ niệm của con cháu và bà con xóm giềng.

Đối với hạng người cực ác, đã rơi vào cảnh giới của địa ngục rồi, họ rất cần sự hộ niệm, lòng hiếu kính của con cháu. Nhờ sự hộ niệm và tâm hiếu kính ấy, làm cảm động tâm thức của hương linh đang bị đày đọa nơi cảnh giới địa ngục, và làm cảm động những người đang canh giữ những địa ngục ấy, khiến cho tâm thức của họ phát khởi niềm tin Tam bảo, tâm ăn năn, hối cải. Nhờ đó mà thiện căn tăng trưởng, làm lực đẩy cho những người cai tù, ngục tốt cũng phát khởi tâm từ bi, gia trì hộ niệm khiến cho tâm thức của người đó bước ra khỏi cảnh giới của địa ngục, bước lên cảnh giới của chư Thiên. Tùy theo mức hộ niệm của chúng ta, mà năng lượng ấy đẩy tâm thức của người cực ác chuyển qua hướng thiện, rồi đến cực thiện. Cho nên đối với những người cực ác, rất cần sự hộ niệm và lòng hiếu kính của con cháu.

Còn đối với hạng người mà thiện ác xen lẫn, chánh tà không phân minh, tâm thức họ sau khi xả bỏ báo thân, bơ vơ lạc lõng, chưa chọn được cảnh giới tương ứng để tái sinh, chưa rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, của chư Thiên, loài người… Đối với những tâm thức này, rất cần sự gia hộ, cứu vớt, hiếu kính, tình thương của con cháu. Nếu quý vị biết bố thí, phóng sanh, cúng dường Tam bảo và thiết lễ trai Tăng cúng dường, rồi đem công đức đó hồi hướng cho người thân của mình vừa qua đời. Nhờ vậy mà họ có năng lượng để chọn ra được cảnh giới tái sinh.

Để cứu vớt ba hạng người xả bỏ báo thân như vậy, quý vị phải thực hiện được bốn điều sau đây:

Điều 1: Phải học đạo, hiểu đạo để hộ trì cho người thân yêu của mình trong giờ phút sắp sửa qua đời. Bởi vì người đời, nếu không biết tu hành thì sẽ sợ hãi, lo lắng trong giờ phút lâm chung. Nên những người thân trong gia đình có người sắp mất phải giữ năng lượng chánh niệm, tỉnh giác. Đối với những người được người sắp mất, thương yêu, quý mến hay không ưa, không thích thì khi đó, họ phải đứng cách xa người sắp mất ba thước.

Tại sao như vậy?

Đối với người được thương yêu, quý mến, người sắp mất sẽ khởi lên tâm ái nghiệp, khiến cho họ không thể giải thóat, mà trôi lăn trong lục đạo luân hồi.

Còn đối với người bị ghét bỏ, không ưa thích, thì người sắp mất sẽ khởi lên tâm sân hận, khiến họ bị rơi vào cảnh giới địa ngục.

Trong giờ phút lâm chung đó, con cháu phải giữ tâm thanh tịnh, tâm từ bi, cầu nguyện cho người sắp mất được siêu thóat.

Điều 2: Sau khi người người thân của mình đã qua đời, mình phải hiểu rõ chết không phải là hết, chỉ chuyển từ hình hài này sang hình hài khác, còn tâm thức tùy theo nghiệp thiện ác để tái sinh. Một khi xả bỏ thân này rồi, tâm thức của họ rất linh. Cho nên con cháu phải thể hiện lòng hiếu kính hết lòng hết dạ. Chúng ta có thể nói dối với người sống nhưng người chết thì không thể được. Người chết sống bằng tâm thức rất linh thiêng, bức tường cũng không thể cản trở họ được. Chỉ cần chúng ta khởi niệm là tâm thức của người chết biết rồi. Nếu chúng ta đem tâm giả dối để đối đãi với người chết thì giữa mình và họ sẽ gây ra óan kết trong gia đình chúng ta.

Do đó chúng ta phải cố gắng giữ năng lượng chánh niệm, hàng ngày tụng kinh niệm Phật, nói năng nhỏ nhẹ, nghĩ và làm những việc tốt đẹp cho cuộc đời rồi hồi hướng công đức này cho người thân của chúng ta vừa qua đời.

Từ ngày có tang lễ đến bốn mươi chín ngày, chúng ta phải dâng cúng những thực phẩm tinh khiết, hương hoa, đèn, trầm… Nhờ tiếp xúc với những mùi hương hoa đó, tâm thức của người qua đời khởi lên tâm hoan hỷ, tâm sung sướng.

Không nên bày cúng thực phẩm thô như cá, thịt vì sẽ làm cho tâm thức người mất đi khởi lên sân hận, oán thù…

Điều 3: Những tài vật của người qua đời, ví như quần áo, nhà cửa, xe cộ… phải được phân minh rõ ràng, không được tùy tiện sử dụng. Muốn sử dụng phải đợi sau hai năm kể từ ngày người thân qua đời và phải đến trước bàn thờ của họ để khấn vái và xin. Nếu không làm như vậy, do tính chấp ngã sở hữu, người qua đời sẽ khởi lên tâm sân hận, nên không thể sanh vào cảnh giới của chư Thiên, và người sống cũng mất hết phước báu của mình, đồng thời gây oan nghiệp cho đời này và đời sau.

Điều 4: Lòng hiếu kính phải được thể hiện một cách chân thật. Chúng ta phải kế thừa đức hạnh của ông bà tổ tiên chúng ta bằng sự nghiệp tinh thần. Cha mẹ đã chọn đạo Phật làm đạo của mình thì chúng ta phải làm được như vậy. Do đó cha mẹ thông minh, không phải để lại cho con cháu nhiều tài sản, mà phải chỉ ra cho con cháu con đường sáng, một lý tưởng để thực tập, phụng thờ. Như vậy dòng chảy phước đức mới vô tận từ đời này sang đời khác.



Các tin tức khác

Back to top