Chúng ta đang lăng lăng lộn lộn trong cuộc thị phi nầy có khác gì loài trâu hoang kia đâu. Bởi vậy Đức Từ Phụ đã nói đi tu cũng giống như đi chăn trâu vậy. Nghĩa là đi tu là kéo cái tâm thị phi điên đảo kia về với cái chơn tâm của từ bi hỷ xả; cái chơn tâm trong sáng, phẳng lặng; cái chơn tâm bất sanh bất diệt. Nếu Đức Từ Phụ đã ví chuyện tu như chuyện chăn trâu thì chuyện tu đâu có khổ. Việc gì cũng vậy, đều do thói quen. Chăn trâu mà hễ thấy trâu vừa xoay mặt thì ta biết ngay trâu muốn làm gì để mà chăn cho nó kịp thời, thì việc tu cũng vậy, hễ tâm vừa gợn lên vọng niệm là ta biết đấy là vọng niệm mà đừng theo.
Con trâu hoang, với toàn thân bao phủ một màu đen, không người chăn giữ, có thể gây thiệt hại cho mùa màng chẳng những của chủ trâu mà còn cho bá tánh nữa. Như vậy phải làm sao? Muốn tránh cảnh trâu dậm đạp lúa mạ thì phải có những mục đồng giỏi, biết cách và có thể điều khiển được trâu. Trâu ở đây là gì? Trâu ở đây chính là cái tâm lăng xăng của chúng ta đấy. Toàn thân màu đen ở đây ám chỉ nghiệp đen tối, hung ác, tội lỗi của chúng sanh. Còn mục đồng ở đây là ai? Mục đồng ở đây có thể là một Bồ Tát, hay một chơn tăng, xông vào trần tục để cứu độ chúng sanh thoát vòng khổ não.
Nhìn hình ảnh chú mục đồng nhỏ thó mà con trâu đen huyền đang lồng lộn, ta thấy quả là khó khăn cho chú mục đồng. Tuy nhiên, mạnh dùng sức, yếu dùng chước, và rồi lúc nào phần thắng cũng nghiêng về bên trí huệ. Cũng giống như theo đạo Phật là lội ngược dòng đời, thế mà nhờ đuốc từ bi của Phật Tổ mà biết bao nhiêu vị tổ đã đắc quả.
Muốn chăn dẫn trâu hoang cho thành thuần thục thì việc trước tiên là ta phải tìm cho được trâu, xem coi nó ở đâu. Phàm phu thì cứ tưởng là đã mất trâu, mà mãi mê tìm kiếm. Thật sự thì trâu có mất đâu. Trâu vẫn còn đấy, cũng như tâm ta vẫn còn đấy. Thế mà ta cứ bị những giác quan nó dẫn dắt ta đến nỗi ta lạc mất tâm ta. Trớ trêu thay, ta đang êm đềm cỡi trâu mà ta nào có hay. Nghĩa là nhứt thiết chúng sanh đều có chơn tâm, Phật tánh đầy đủ. Thế mà ta cứ hướng ngoại để tìm tâm. Mặc dù ta đã nhiều lần thay đổi hình dạng trong đường lục đạo, nhưng chơn tâm ấy vẫn là chơn tâm. Nó chỉ bị ẩn khuất mà thôi.
Đã biết chơn tâm vẫn thường hằng ở trong ta, nhưng làm sao để thấy được nó đây? Một khi đã biết được chỗ ẩn náo của trâu và quyết tâm chăn cho được nó, tuy chưa bắt được nó, nhưng việc chăn nó cũng không là nan sự. Một khi ta đã biết cái chơn tâm kiến tánh nó nằm ở ngay trong ta, thì vấn đề chỉ là ta có muốn đạt cho được nó hay không thôi. Nếu muốn đạt cho được nó thì ta phải tu.
Con đường tu tập tuy rất dài và rất khó, nhưng không phải không làm được.
Người chăn trâu, sau khi đã thấy trâu rồi, cũng giống như khi ta đã nhận ra chính cái vọng tâm là giặc ở trong ta, đã tạo ra các điều hung ác và sanh khởi ra các niệm không lành làm cho Phật tánh của ta bị lu mờ. Ấy chính là cái duyên cho chơn tâm ẩn khuất. Nhận thức được như vậy mà nhứt định một vọng niệm cũng không khởi, thì cái chuyện ngộ được chơn tâm chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Cái cảnh chú mục đồng bắt được trâu có khác chi người học đạo biết áp dụng tứ nhiếp pháp mà tu tập, hoặc tham thiền nhập định mà câu thúc vọng tâm.
Người mục đồng, tuy thả cho trâu đi ăn cỏ, nhưng luôn xỏ mũi trâu, vì vẫn còn sợ trâu sút chạy thì khó lòng bắt lại; cũng giống như người Phật tử phải luôn luôn giữ gìn giới luật cho nghiêm trang, vì tâm mình thường hay dối gạt mình lắm. Cho nên chưa chứng được quả A-la-hán thì chưa tin được tâm mình đâu.
Cái cảnh mục đồng ngồi thong dong tự tại trên lưng trâu và cỡi về nhà cũng giống như người tu hành, sau khi giữ giới và hành trì những gì Như Lai đã chỉ dạy thì có quyền ung dung tự tại đi vào nhà Như Lai. Trong Kinh Pháp hoa nói: "Vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai." Nhà Như Lai ở đây có nghĩa là từ bi, áo Như Lai ở đây có nghĩa là nhu hòa nhẫn nhục, Toà Như Lai ở đây có nghĩa là các pháp không: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không tham, không sân, không si.
Chăn cho tới lúc nào đó không thấy trâu đâu, mà chỉ còn lại vỏn vẹn có chú mục đồng. Con trâu tượng trưng cho những thú tánh tàn ác, còn chú mục đồng tượng trưng cho cái Phật tánh. Thú tánh không có thực thể, nên chi chúng sanh biết cải tà qui chánh thì tự nhiên tất cả các thú tánh tội lỗi đều tan biến và tự nhiên cái Phật tánh nó hiển lộ ra.
Lúc nầy thì cả trâu lẫn người đều không còn. Trâu tu luyện lâu rồi thì trí huệ cũng sẽ như chú mục đồng kia. Ý nói khi người Phật tử đã có trí huệ như Phật, nhận rõ thân người, thân chúng sanh và thân các pháp đều vô ngã, tức là đã ngộ được chân không và pháp không rồi vậy.
Chân tâm vốn thanh tịnh và bất động thì làm gì có đi có đến, có ra có về. Cái chơn tâm nơi Phật và cái chơn tâm nơi chúng sanh không bao giờ sai biệt, không lớn hơn, mà cũng không nhỏ hơn. Chỉ vì vọng tưởng bấy lâu nay mà chấp trước, mà xa lìa nó, mà không thể thấy được nó. Nếu xa lìa vọng tưởng chấp trước thì Thanh tịnh trí, Tự nhiên trí, Vô sư trí tự nhiên hiện tiền như gương đã được lau sạch hoàn toàn.
Khi gương đã sạch bụi rồi, cũng như trâu và người đã không còn thì cũng giống như vạn duyên đà dứt sạch. Lúc ấy người Phật tử cứ thẳng đường vào nhà Như Lai thái bình, thanh tịnh.
Thiện Phúc