Quán chiếu cảm thọ

21/10/2021 8:12
Hôm nay là ngày mùng 9 tháng giêng năm 1994, chúng ta ở tại Xóm Hạ và học tiếp về chánh niệm. Chúng ta đang chiêm nghiệm về Kinh Quán Niệm Hơi Thở và Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm, tức là thân, thọ, tâm, và pháp.

Lĩnh vực quán chiếu thứ hai cảm thọ. Chúng ta phải tập quán chiếu cảm thọ trong những lúc bình thường, khi cường độ cảm thọ chưa mạnh quá. Có như vậy, lúc gặp cảm xúc mạnh, ta mới có khả năng quán chiếu thành công. Nếu không, khi những cảm thọ có cường độ mạnh nổi lên, ta sẽ không đủ sức và có thể bị tràn ngập, áp đảo và tê liệt.

Quán chiếu cảm thọ phải biết dùng hơi thở. Quán niệm bằng hơi thở phải trở thành một thói quen. Muốn thuần thục, ta phải thực tập ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác. Cho nên không thể đợi khi có một cảm xúc mạnh ta mới bắt đầu sử dụng phép quán niệm. Nhờ thực tập, phép quán niệm hơi thở trở thành một vốn liếng có sẵn, nhờ kinh nghiệm tu tập mà thành.

Biết áp dụng hơi thở chánh niệm chưa đủ. Ngoài ra ta còn phải biết cách quán niệm tư thế của thân thể. Trong đời sống hàng ngày, ta luyện cách đi, cách đứng, cách nằm, cách ngồi. Thân thể là một đối tượng để quán chiếu, nhờ đó ta có thể chăm sóc và điều phục được các cảm thọ. Hơn nữa, ngoài cơ thể mà ta gọi là nhục thân, ta còn có một thân khác cần phải chăm sóc và quán chiếu, đó là tăng thân, nghĩa là đoàn thể tu học của ta. Đó cũng là thân ta.

Nhưng tăng thân không phải tự nhiên mà có, tăng thân là do chúng ta xây dựng nên. Trong đời sống hàng ngày, ta phải bồi dưỡng tăng thân ta. Mỗi lời nói, mỗi hành động ta, mỗi cái nhìn và mỗi nụ cười của ta đều có thể được sử dụng để xây dựng tăng thân. Xây dựng tăng thân tức là xây dựng bản thân. Người nào cũng có những lúc gặp khó khăn. Tăng thân là một cái lưới cứu ta khỏi chết đuối trong những lúc khó khăn nhất. Cho nên ‘‘Con về nương tựa Tăng’’ là một phép thực tập quan trọng. Không cần đó là một thánh Tăng; tăng thân ta nếu chỉ là phàm Tăng thì cũng đủ quý giá rồi. Nhờ có sự thực tập chánh niệm, nên Bụt và Pháp có mặt trong Tăng, để Tăng có thể được xứng đáng gọi là Tăng bảo.

Quán chiếu hơi thở, quán chiếu thân thể, sử dụng những phương pháp như đi thiền, ngồi thiền, nằm thiền (total relaxation), tất cả đều có tác dụng đối trị các cảm thọ mạnh. Và nhất là phải biết sống với tăng thân. Nếu ta sống trong tăng thân mà không hòa hợp được, nếu ta hành xử như một giọt dầu trong một bát nước, thì tăng thân không có nghĩa gì. Do đó Kinh và Luật luôn luôn nói tới hình ảnh tăng thân như nước với sơưa hòa hợp. Nước với sơưa chứ không phải là nước với dầu. Hòa hợp tăng có nghĩa là một tăng thân đích thực mà bản chất là sự hòa hợp.


HT. Thích Nhất Hạnh

Các tin tức khác

Back to top