Diễn viên điện ảnh Hollywood, Tobey Maguire, người thể hiện thành công vai người nhện trong bộ phim Spider- man II, đã chia sẻ tại cuộc phỏng vấn rằng anh thực sự rất sợ hãi khi phải đóng những cảnh bay trên các tòa nhà cao tầng. Cuối cùng giải pháp tối ưu là những cảnh quay mạo hiểm, anh đã được cascadeurs đóng thế.
Như vậy, Tobey đã che đậy sự sợ hãi của anh bằng một vai đóng thế của người khác. Anh ta né tránh sự khủng bố khi phải đóng những thước phim mạo hiểm. Tuy nhiên, nếu không chuyển hóa cơn sợ hãi trong lòng, anh sẽ khó có thể tồn tại một cách an vui hạnh phúc, vì cuộc đời còn nhiều pha mạo hiểm chỉ xảy ra trong tíc tắc. Không có bản lĩnh chống lại nỗi sợ hãi, chúng ta sẽ không bao giờ có được những giá trị của thước phim hay. Đó là không sợ hãi trong đóng phim.
Cuộc đời có hàng trăm ngàn nỗi sợ hãi khác nhau. Biết vượt qua sợ hãi thì con người sẽ đạt an vui, bằng ngược lại thì khổ đau dồn dập.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm kể lại một sự kiện nhân lúc đức Phật và rất nhiều vị Tỳ kheo đi khất thực vào thành thì gặp một người thanh niên cao lớn ôm chặt đầu gào thét thảm thiết “tôi mất đầu, tôi mất đầu, cứu tôi, cứu tôi với”. Anh vừa la hét vừa bỏ chạy mất hút trước sự ngạc nhiên của mọi người. Khi về tăng xá đức Phật gọi các vị tỳ kheo lại và kể. Vì có huệ nhãn nên đức Phật biết sáng nay trước khi vào thành, anh thanh niên này đã soi mình trước gương, bị ảo giác anh thấy gương mặt mình xấu hơn trước, mũi sần, da nhăn nhiều mụn. Đối diện trước những cảnh tượng đó, anh ta cảm thấy giá trị bản thân giảm xuống. Dựa vào hình ảnh phản chiếu trên gương, tất cả những ảo giác, suy luận bắt đầu xuất hiện. Anh sợ hãi nghĩ rằng mình mất đầu nên la thất thanh rồi chạy.
Đức Phật giải thích nguyên nhân sự sợ hãi đó là vì người thanh niên này không có cái nhìn tuệ giác. Giá trị và niềm an vui hạnh phúc con người không nằm trên ngoại hình mà người đó có. Người có ngoại hình xấu xí, có vai trò, vị trí xã hội chẳng là gì nhưng nếu biết sống, người đó vẫn được an vui. Hạnh phúc không liên hệ đến những gì chúng ta có, hoặc không có, mà nó liên hệ đến cách thức, thái độ chúng ta sử dụng cái có và cái không có này như thế nào. Theo nhà Phật, chúng ta nên sống theo chiều kích nội tại nhiều hơn nhìn sự vật, sự việc; lý giải, phân tích sự vật, sự việc đó. Ứng xử trong mọi sự việc một cách khôn ngoan, chúng ta vẫn có được an vui.
Chúng ta có thể phân tích câu chuyện về người thanh niên dưới nhiều góc độ khác nhau. Một trong những góc độ đó là mỗi con người có rất nhiều cái đầu: cái đầu của sân hận, cái đầu của si mê, cái đầu của lòng đố kỵ, mưu toan, v.v.. Cứ mỗi năm tháng con người va chạm với khổ đau. Mỗi lần va chạm là một cái đầu mới xuất hiện. Cần mạnh dạn dùng kiếm trí tuệ chặt đứt những cái đầu không hữu ích được hình thành qua năm tháng và giữ lại một cái đầu “bản lai diện mục” của chính mình. Giữ “bản lai diện mục” đó thì trong mọi cảnh huống chúng ta không bao giờ sợ hãi. Không sợ mất tình yêu, vì ngoại hình mình xấu xí; không sợ bị chối bỏ, cô lập bởi giá trị của con người không lệ thuộc vào những thứ này. Thực tế giới nữ thường đặt nặng giá trị của mình trên phương diện ngoại hình. Vì vậy 80% sản phẩm nhân loại tạo ra để dành cho phụ nữ, quần áo, nước hoa, trang sức, túi xách, mũ nón,… đa dạng phong phú không thể tưởng tượng hết. Cũng nhờ đó mà cuộc sống được vận hành, nền kinh tế được tiến triển dựa vào sự tiêu thụ của phái nữ, hay nói cách khác, dựa vào sự lo sợ bị chê bai rằng mình già nua xấu xí vốn là tâm lý phổ biến của người nữ.
Đối với đạo Phật điều đó không thật cần thiết. Nét đẹp ngoại hình là phương tiện thu hút người khác đến với chúng ta, nhưng cũng mang lại nhiều rắc rối. Quan niệm như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ sợ hãi, mặc cảm, cũng không hãnh diện, tự hào. Giá trị cuộc đời chúng ta không nằm trên lời nhận định, đánh giá của người khác, nên nếu sống theo những thứ đó, chúng ta bị cuốn vào những giá trị ảo không có thật. Một bài thơ hay sẽ không trở thành tuyệt tác xuất chúng nếu không có sự phân tích của một vị giáo sư tiến sĩ văn học nào. Vị giáo sư có thể phân tích rất thuyết phục đến mức đôi khi tác giả bài thơ còn phải ngạc nhiên trước ý nghĩa tác phẩm của chính mình. Ý tưởng tác giả một đàng, người phân tích một nẻo, người nghe lại hiểu theo cách khác và như thế giá trị trong những cái mà chúng ta mặc định thuộc về giá trị ảo.
Chẳng hạn, những kiệt tác của Picasso trong thời gian ông còn sống không đáng đổi một bữa cơm nhưng lại được đấu giá hàng triệu đô sau khi ông qua đời. Thông qua những cuộc đấu giá cò mồi, đôi khi người ta làm giàu trên tác phẩm của ông bằng cách tăng giá trị ảo. Giá trị ảo gia tăng trên những cách thức người ta mặc định cho nó chứ bản chất của nó không có giá trị tuyệt đối, nó chỉ tương đối một phần.
Tóm lại, giá trị hạnh phúc có được từ những cách mà chúng ta nhận định, đánh giá vấn đề và ứng xử trên cách đó khôn ngoan, sáng suốt. Được như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có những nỗi sợ hãi và sẽ được an vui.
St
Các tin tức khác
- Lòng tham ( 1/11/2021 1:09)
- Chăm sóc tâm (31/10/2021 1:23)
- Bệnh dạy cho chúng ta về vô thường (31/10/2021 1:22)
- Tình nguyện viên Phật giáo hoàn thành nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12 (31/10/2021 1:20)
- Phước báo chi phối rất nhiều đến thành bại trong làm ăn (31/10/2021 1:17)
- Để lại cho đời (30/10/2021 8:32)
- Học cách buông xuống (30/10/2021 8:17)
- Kinh Phật dạy về đối trị bệnh tật (30/10/2021 8:12)
- Tìm Pháp ở đâu? (30/10/2021 8:09)
- Câu Chuyện Về Anh Bần Và Anh Cùng (29/10/2021 1:26)