Trong Kinh Người Biết Sống Một Mình, Đức Thế Tôn đã dạy rằng:
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã qua rồi
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Sống chơn thật hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi
Phải tinh tiến hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm
Thì Mâu Ni gọi là
Người biết sống một mình."
Như vậy Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta một con đường sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại.
Hãy quay ngay về với phút giây hiện tại, không lo âu phiền muộn hoặc nuối tiếc những gì đã qua; không mơ tưởng những gì chưa đến, chỉ cần biết những việc cần phải làm trong hiện tại, thế là hạnh phúc, thế là giải thoát được hai phần ba những phiền trược của cuộc đời nầy rồi vậy.
Đức Phật đã từng dạy rằng nhà cao cửa rộng, quyền quý cao sang, công hầu khanh tướng… chỉ là những con đường dẫn ta vào lo âu phiền muộn và đau buồn khổ sở. Những thứ đó nếu có được cũng chỉ là chờ mất hoặc hoại diệt, chứ đâu có vĩnh hằng? Khi bỏ thân tứ đại nầy, chúng ta có mang theo được gì đâu? Đời người như hoa nở chờ tàn, như trẻ chờ già, như khỏe mạnh chờ đau yếu bịnh hoạn… Mang thân làm chúng sanh, chúng ta cứ chờ và chờ mãi với những đau ốm, già yếu và bệnh hoạn cho đến lúc đi vào cửa tử. Thế mà nào có được yên đâu? Hễ thân nầy già yếu, bịnh hoạn và hoại diệt, lại phải chịu mang thân khác, và cứ thế mà loanh quanh lẩn quẩn trong vô lượng kiếp khổ sở não phiền. Chỉ có sự giải thoát rốt ráo mới là con đường hạnh phúc vĩnh hằng.
Chúng ta như bướm dại hoa, như ong dại mật, cứ bưng tai bịt mắt đi vào con đường vô định của luân hồi sanh tử. Chúng ta như những kẻ túy sanh mộng tử, nghĩa là sống say chết mộng, chứ nào hay rằng mưa vô thường vẫn rơi, gió vô thường vẫn thổi, và lửa vô thường vẫn ngày đêm thiêu đốt chúng ta.
Đạo Phật dạy chúng ta biết quay trở về với chính mình để biết xả bỏ tất cả, để biết không tham trước, không sân hận, không si mê, không mạn nghi ác kiến. Đạo Phật là thực tiễn như vậy đó, chứ không huyền hoặc xa mờ. Đạo Phật phải được đem áp dụng vào cuộc sống của chính mình, chứ không nhằm thỏa mãn cái hiểu biết của thường tình thế tục. Đạo Phật không nói suông chuyển mê thành ngộ, mà đạo Phật chuyển mê thành ngộ bằng cách sống cách tu mỗi ngày. Đạo Phật không nói bố thí suông, mà người con Phật đi vào đời làm bố thí. Thấy ai đói mà mình có ăn, thì mình giúp cho họ cũng có ăn. Thấy ai khát mà mình có uống, thì mình bèn giúp cho họ được uống. Thấy ai buồn mà mình có thể khuyên lơn, an ủi, vỗ về được, bèn khuyên lơn, an ủi, vỗ về…
Đạo Phật quả là thực tiễn và đơn giản: cứu khổ, ban vui, làm lành, lánh ác… Tuy nhiên, mục đích tối hậu của đạo Phật vẫn là giác ngộ và giải thoát.
St
Các tin tức khác
- Thế nào là an vui tự tại trong đạo Phật? (16/11/2021 12:20)
- Người Phật tử tu tập hàng ngày (15/11/2021 12:27)
- Hiểu về Nghiệp (15/11/2021 12:25)
- Hãy hiểu khổ đế như những nỗi khổ đau có thực của chính bản thân và thời đại (15/11/2021 12:23)
- Nhận diện và chuyển hóa khổ đau (15/11/2021 12:20)
- Gửi người kỳ vọng một cách sống tuyệt đối (14/11/2021 12:17)
- Gửi người không biết việc hành thiền của mình có ích lợi gì không (14/11/2021 12:15)
- Sống để yêu thương (13/11/2021 12:27)
- Câu chuyện về người phụ nữ tham lam (13/11/2021 12:25)
- Gửi người mà suốt đời chỉ biết có tiền và tiền (13/11/2021 12:19)