Kể từ năm ngoái, khi các ca nhiễm Covid-19 tăng vọt, các bệnh viện đã nỗ lực để đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu những vấn đề về sức khỏe tinh thần đang len lỏi trong đội ngũ nhân viên của bệnh viện. Trong đó, phổ biến và hiệu quả nhất là phương pháp chánh niệm và thiền định.
Với đặc thù công việc, các nhân viên y tế, đặc biệt là các y bác sĩ tham gia chống dịch đã chứng kiến những hệ lụy của đại dịch một cách trực tiếp và rõ ràng nhất. Lượng công việc nặng nề, căng thẳng về mặt tâm lý, thiếu trang bị cá nhân, nguy cơ lây nhiễm cao và việc giữ khoảng cách đối với gia đình, người thân và xã hội,… đã khiến tình trạng tinh thần giảm sút trầm trọng.
Đội ngũ nhân viên y tế phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, tinh thần nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 |
Theo một cuộc điều tra được tiến hành ở Pháp vào năm ngoái, 50,4% nhân viên chăm sóc sức khỏe trong bệnh viện cảm thấy lo âu và sợ hãi, khoảng một phần ba (30,4%) đã trải qua các triệu chứng của trầm cảm. Vào tháng 5 vừa qua, Mỹ cũng đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát đối với 20.000 nhân viên, kết quả một lần nữa cho thấy gần một nửa trong số họ đang bị kiệt sức và 38% mắc chứng lo âu, trầm cảm và gặp vấn đề về tâm lý. Các con số này chứng tỏ mức độ tổn thương tinh thần mà đại dịch đã gây ra là vô cùng lớn.
Đứng trước những đe dọa tinh thần lớn lao từ đại dịch như thế, các bệnh viện đã chọn thiền chánh niệm để áp dụng trong môi trường y khoa, nhằm trị liệu tâm lý, xoa dịu tinh thần và cân bằng cuộc sống cho đội ngũ nhân viên y tế. Mới đây, 5 bệnh viện ở New England đã tổ chức một chương trình xuyên quốc gia với chủ đề “Heal the healers now” (tạm dịch: Chữa lành người chữa bệnh ngay bây giờ) với khoản tài trợ khoảng 2 triệu đô-la nhằm hướng dẫn và giảng dạy phương pháp thiền chánh niệm cho các bác sĩ, y tá và các chuyên gia y tế, đặc biệt là những người đã bị kiệt sức, tổn thương và lo lắng trong đại dịch Covid-19.
Thiền trở thành liệu pháp tinh thần cho các nhân viên y tế trong đại dịch |
Nader, một bác sĩ y khoa được đào tạo tại Harvard và MIT, nhấn mạnh rằng các chuyên gia y tế hiện đang phải đối mặt với căng thẳng lớn bởi vì họ đưa tất cả những gì họ thấy vào trong tâm. Bao nhiêu đau đớn và chết chóc, họ đều giữ hết trong tâm mình. Chính những điều đó bào mòn tâm trí của họ.
Collins, một bác sĩ tại Bệnh viện Miriam ở Providence, Rhoden Island cho biết: “Mỗi ngày, tôi dành ra 20 phút để hành thiền, việc đó thực sự khiến tôi tăng khả năng tập trung. Tâm trí tôi giống như một cái xô lúc nào cũng đầy tràn, và thiền đã giúp tôi làm rỗng cái xô đó”.
Bệnh viện Miriam hiện nay có 5-6 phòng dành riêng cho nhân viên để thực hành thiền bất cứ lúc nào. Ngoài ra, sau khi cảm nhận được kết quả khả quan của thiền tập, họ đã truyền bá phương pháp này cho các đồng nghiệp như một “nét văn hóa” để tự chăm sóc bản thân mình trên phương diện tinh thần.
Collins cũng phải công nhận rằng: “Tôi thực sự đã ngủ ngon hơn và tràn đầy năng lượng mỗi ngày. Tôi có thể sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ ở bệnh viện và làm thêm những công việc ở nhà. Tính cách của tôi cũng đã tốt lên rất nhiều và có đủ sức mạnh để ứng phó với những tác nhân gây căng thẳng khi chúng xuất hiện”.
Y tá John Shepard của ICU hướng dẫn các buổi “Yoga in Scrubs” ở khuôn viên bệnh viện |
Ở một nơi khác, Bệnh viện Giám định y tế Đại học Indiana, một cơ sở y tế lớn nhất của bang Indiana, Hoa Kỳ, y tá John Shepard đã sử dụng thiền chánh niệm để tự giải quyết các vấn đề căng thẳng của bản thân và hướng dẫn các bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đồng thời, ông cũng giúp đỡ các đồng nghiệp ở tuyến đầu giảm bớt lo âu, sợ hãi bằng phương pháp này.
Ông đã bắt đầu thực tập thiền từ sáu năm trước, khi còn làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt. “Lúc đó, tôi đã mang công việc về nhà và suy nghĩ rất nhiều về chúng, vì vậy nên khó có thể ngủ được. Tôi nhận ra mình cần phải làm gì đó để giải quyết tình trạng này”, John Shepard cho biết.
John Shepard bắt đầu thực tập thiền để giải quyết tình trạng căng thẳng của chính mình. Sau đó, phương pháp hiệu nghiệm này đã được ông đưa vào bệnh viện để giúp những đồng nghiệp của mình giảm bớt lo âu trong công việc. Rất nhiều y tá, bác sĩ và nhân viên chăm sóc sức khỏe tại đây đã tham gia những buổi thiền tập do ông hướng dẫn. Với những hiệu quả to lớn của thiền đối với y bác sĩ, một trung tâm thiền chánh niệm đã được thành lập ngay tại bệnh viện giúp cho nhân viên và bệnh nhân có cơ hội tiếp cận, học hỏi và thực hành thiền định nhằm giải quyết các vấn đề của bản thân.
Như vậy, đối với nhân viên y tế, những người đóng vai trò chủ đạo trong việc điều trị, giúp đỡ và hỗ trợ cộng đồng trong đại dịch, thiền chánh niệm đã trở thành một phương thuốc tinh thần hữu hiệu cho những vấn đề bất ổn của tâm lý. Cần kết hợp thiền với các phương hướng khác như các chính sách hỗ trợ vật chất để cuộc sống của đội ngũ y, bác sĩ dần đi vào ổn định.
Các tin tức khác
- Nhận ra giá trị chân thật chính mình (23/11/2021 1:05)
- Kiên nhẫn và khoan hồng (23/11/2021 1:03)
- Trí tuệ là sự nghiệp (22/11/2021 12:52)
- Cục đá cột chân người tu: Thiện ít - Ác nhiều (22/11/2021 12:50)
- Tu tâm giống như trèo lên một ngọn núi (22/11/2021 12:45)
- Trên núi há tìm non (21/11/2021 1:12)
- Không nên phung phí thì giờ (21/11/2021 12:55)
- Khiêm tốn (21/11/2021 12:54)
- Thái độ của chúng ta với cố gắng là quan trọng (20/11/2021 12:45)
- Hãy hành động khôn ngoan (20/11/2021 12:32)