Con người ta đến với đạo Phật vì trong lòng luôn ấp ủ một mong muốn an lạc, thoát khổ, hết phiền. Ban đầu đa phần ai cũng vậy. Nhưng dần dà, người ta có thể rời sân ga này để đến bến đỗ khác, âu cũng do duyên số. Cùng là đạo Phật, như kinh luận hay đề cập, có đến 84.000 pháp môn – cũng chính là 84.000 sân ga, bến đỗ. Nếu ai hiểu được những gì Phật, Tổ từng nói và tốt hơn nữa là làm theo đúng như cái hiểu đó, thì mỗi sân ga, bến đỗ đều là bến đỗ bình yên, sân ga hạnh phúc.
Nhân sinh là tổng hợp của hàng tỷ tâm tính khác nhau, tạm tựu lại thành 6 nhóm lớn là: tham, sân, si, tín, tầm, giác. Có người nặng về tham, nhẹ về sân; cũng có người ngược lại. Anh có thể thuộc tính tham và tầm, còn tôi thì tính sân, tính giác…v.v... Hai người cùng nặng về tính tham, nhưng cái tham của anh A và cái tham của anh B cũng không giống, nói chi những tính khác. Vì căn tính, nghiệp lực vận hành và ba – la – mật mỗi người mỗi sai biệt, thì chuyện hai người tìm hai “bến đỗ” (pháp môn) khác nhau cũng chẳng có gì lạ.
Chắp tay ta lạy chính mình
Xin đừng oan trái, lụy tình tha nhân
(Tâm Cung)
Dù là pháp môn, phương tiện nào đi nữa cũng dẫn con người ta đến chỗ xả ly chấp trước, nếu đó là pháp môn chân chính. Đức Phật cũng từng dạy trong kinh văn rằng, để vào tầng thiền đầu tiên cũng đi từ điều kiện ly tham, ly dục (ly sanh hỷ lạc).
Hình ảnh Phật giáo Việt Nam trong mấy mươi năm qua quả thật đã có nhiều khởi sắc, đóng góp vào ngôi nhà chung của Phật giáo đại đồng những thành tựu đáng kể: Một Làng Mai ra đời vào thập niên 80 của thế kỷ trước để rồi hôm nay, những hình ảnh Xóm Thượng Xóm Hạ, Pháp Vân với chiếc áo tràng nâu và nón lá đã đi vào lòng người bản địa Tây phương; những Trúc Lâm thiền viện có mặt trên khắp mảnh đất hình chữ S đã khôi phục lại tinh thần thiền học dân tộc tưởng chừng như đã bị lãng quên nhiều thế kỷ; một tông môn Hoằng Pháp uy nghi với sự hội nhập Phật giáo trên tinh thần “tùy duyên bất biến” đã làm nơi nương tựa cho hàng trăm nghìn tín đồ Phật tử trên khắp cả nước về tham dự các khóa tu học Phật pháp dành cho mọi lứa tuổi… Bấy nhiêu thôi cũng khiến ta thấy được những nỗ lực thầm lặng phục hồi và chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới của những vị thầy khả kính.
Dù bạn là ai và đến từ đâu, nhưng khi đã thực tập pháp môn chân chính của đạo Phật một cách nghiêm túc, bạn cũng sẽ có được ít nhiều sự “giải thoát”. Vì sao? Vì bạn đã “từng trải” như đầu bài viết đề cập. Sự “từng trải” (thực tập) của Phật giáo là sự trải nghiệm của bản thân ngay nơi cuộc sống hiện thực trước mắt: dù khó khăn hay thuận lợi cũng đều nên ghi nhận như nó đang là. Và sự “giải thoát” chính là thành quả đến từ sự buông xuống thái độ chấp trước của bản ngã vào ta và cái của ta. Buông bao nhiêu thì giải thoát bấy nhiêu, buông cái gì thì giải thoát cái đó.
Chúng ta ai rồi cũng phải đi qua những chặng đường sai biệt để về với một bến đỗ riêng mình. Bến đỗ đó có an toàn hay không là do ta chọn lựa từ lúc ra đi. Sống hệ lụy thế nhân với bao danh lợi, tiền tài, sắc đẹp, ăn ngon, ngủ kỹ hay thong dong tự tại như một cánh chim trời, đều do ta quyết định từ buổi ban đầu.
Mai sau ta có bỏ mình
Cũng xin từ tạ muôn nghìn truân chuyên
Hoa rơi cửa Phật tùy duyên
Trên trang kinh khép lại triền hư vô
(Tâm Cung)
Tâm Cung
Các tin tức khác
- Chuyện cô lái đò đưa nhà Sư qua sông (27/12/2021 8:12)
- Chiến thắng lòng ganh ghét và tính vị kỷ (26/12/2021 1:23)
- Chấm dứt sự gia trưởng của nam nữ trong gia đình (26/12/2021 1:14)
- Đoạn kinh văn đức Phật tán thán ngài Địa Tạng (25/12/2021 1:09)
- Thân bệnh, tâm bệnh và nghiệp bệnh nên chữa như thế nào? (25/12/2021 1:07)
- Thân bệnh nhưng tâm không bệnh (25/12/2021 1:05)
- Chạm vào hạnh phúc (24/12/2021 12:53)
- Hãy cho nhau (24/12/2021 12:51)
- Còn gặp nhau (24/12/2021 12:49)
- Tâm nóng giận làm hại đời chúng ta (23/12/2021 1:12)