Thật ra, vô thường có nhắc đến hay không thì nó vẫn là chân lý. Ngài Raṭṭhapāla (phiên âm Hán là Lại Tra Hòa La) chứng minh cho vua Koravya thấy được “thế giới là vô thường, đi đến hoại diệt” qua chính hai câu trả lời của vua:
“- Thưa Tôn giả Ratthapala, khi tôi được 20 hay 25 tuổi, tôi thiện nghệ về voi, tôi thiện nghệ về ngựa, thiện nghệ về xe, thiện nghệ về cung, thiện nghệ về kiếm, bắp vế mạnh, và cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ trong nghề đánh giặc. Có đôi lúc, thưa Tôn giả Ratthapala, tôi cảm thấy có thần lực và xem không ai có thể bằng tôi về sức mạnh”.
“- Thưa Tôn giả Ratthapala, nay tôi đã già, niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung, gần 80 tuổi thọ. Có đôi lúc, thưa Tôn giả Ratthapala, tôi nghĩ: "Ở đây, ta sẽ bước chân", nhưng tôi lại bước chân tại chỗ khác”.
Để đọc đầy đủ hơn, xin mời mọi người vào thẳng Kinh Trung Bộ II, bài kinh số 82.
Chính già, chết là minh chứng mạnh mẽ nhất để chúng sinh thấy được tính chất vô thường ngay nơi bản thân. Vô thường, hoại diệt đúng nghĩa diễn ra trong từng sát-na (khanika), là đơn vị diễn tả tính nhỏ nhiệm, nhanh chóng, không thể tính lường được, như lời thầy Chân Tính:
“Đời người ngắn ngủi vô thường
Chỉ trong giây phút, chỉ từng sát-na
Thở vào mà chẳng thở ra
Thân người lại hóa thân ma không hồn …”
Thật kinh khủng cho sự vô thường đang tới từng ngày cho thân xác này. Nhưng chưa đâu! Tâm ta vô thường còn ghê gớm hơn nữa. Có lẽ ai cũng phải ngậm ngùi cho tấn đời trớ trêu, ngang trái: hãm hại cả người yêu mình chỉ vì người mình yêu!
Vì phải lòng tên tướng cướp mà nàng ta đành đoạn kêu hắn giết chồng mình, vốn là vị ẩn sĩ từng cứu cô ta lúc chết đuối. Đó là chuyện tiền thân 63, Hiền sĩ Chà la (Takka), phẩm Nữ nhân, thuộc kinh Tiểu Bộ 4.
"Này nghe đây, rồi người sẽ hiểu rõ. Trước kia ta là ẩn sĩ độc cư trong rừng hoang, đã chứng đắc Thiền định Thắng trí. Sau đó, ta cứu người đàn bà này ra khỏi sông Hằng và giúp đỡ nó đủ mọi nhu cầu, song đã bị nó quyến rủ nên mất hết Thắng trí. Rồi ta từ bỏ rừng sâu, đem nó về làng sinh sống, từ đó nó bị cướp mang đi. Nó lại nhắn tin cho ta là nó đang chịu khổ sở và xin ta đến giải cứu nó. Nay nó đưa ta vào tay ngươi, vì vậy ta cứ kêu lên như thế đó”.
Tưởng chừng đâu, mong rằng sẽ có một ai đó yêu thương mình hết mực, hy sinh vì mình hết mực, sẵn sàng cùng mình vượt nghìn thử thách chông gai. Thế nhưng, người xưa đã nói: “Quen biết đầy thiên hạ, tri kỷ được mấy người?”, là vì lẽ, lòng người luôn đổi thay, khi vỗ về, khi bội bạc. Một khi “hết thương, cạn nhớ” thì đừng trách sao người lại vô tâm, bỏ mặc ta giữa dòng đời hư ảo. Thật sự, tình cảm cũng giống như những viên kim cương lấp lánh đằng xa, chỉ vậy thôi thì đẹp; nhưng thực tế, đến gần lại hóa nghìn giọt lệ đau thương.
Ta đâu chỉ có 1 tâm. Nó vô thường, xoay vần cả đời trong 89 tâm vương và 52 tâm sở (tìm hiểu thêm về chương I & II Vi diệu pháp toát yếu –Abhidhammatthasaṅgaha). Rồi mai kia mốt nọ, chắc chắn rằng không thay đổi chăng? Tâm này cũng sinh diệt vô cùng như sắc thân tứ đại, thử hỏi cái gì bền chắc trong sự lung lay?
“Đừng tin tâm của ông khi ông chưa đạt thành Thánh quả A La Hán”
(Kinh Tứ Thập Nhị Chương, chương 28)
Tâm Cung
Các tin tức khác
- Nhân quả XẤU – ĐẸP, SANG – HÈN của người phụ nữ ( 1/01/2022 1:15)
- Bốn hạng phụ nữ ( 1/01/2022 1:12)
- Rong chơi ( 1/01/2022 1:08)
- Câu chuyện về đại dịch thời Phật tại thế (31/12/2021 1:08)
- Vì sao Bồ Tát có tên “Quán Thế Âm” và sao gọi là Phổ Môn? (31/12/2021 1:06)
- Học cách quý trọng bản thân (30/12/2021 12:19)
- Người không cô đơn (30/12/2021 12:17)
- Giúp đỡ người khác tức là đang giúp chính mình! (30/12/2021 12:13)
- Nghiệp báo hành hạ súc vật (29/12/2021 1:02)
- 3 điều không nên làm (29/12/2021 12:59)