Thiền sư Thích Nhất Hạnh - sư ông Làng Mai - đã dùng tiếng chuông chánh niệm để giúp những ai tiếp xúc với thầy có thể thấy “đây là Tịnh độ/ Tịnh độ là đây”.
Theo thầy, Tịnh độ ở ngay dưới bàn chân mình, chỉ cần chúng ta bước đi “như hôn vào đất mẹ”. Đó là những bước đi có chánh niệm.
Cách đây 17 năm, trong không gian tu viện Bát Nhã (Lâm Đồng) tôi được có duyên lành tập đi như hôn vào đất mẹ dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy và Tăng thân Làng Mai.
Đó cũng là lần đầu tiên thầy về Việt Nam hoằng pháp sau gần 40 năm hành đạo xa quê. thầy dạy, “lâu nay quý vị đi như bị ma đuổi, đi mà không biết mình đang đi, nay hãy đi trong sự tỉnh thức”.
Nói và cùng đi với đại chúng, thầy đã bước thảnh thơi, để mỗi bước chân xúc chạm vào đất một cách mầu nhiệm: đã về/ đã tới/ bây giờ/ ở đây.
Những từ khóa thầy trao là một thiền ngữ để mỗi người thực tập có thể thấy rõ, làm và nhận về ngay lập tức kết quả an lành ở hiện tại. Hoa trái của sự tu học đối với pháp môn Thiền Chánh niệm của Làng Mai chính là ngay bây giờ và ở đây chứ không phải đợi sau khi xả báo thân tứ đại mới thấy được.
Sự mầu nhiệm trong thực tập theo thầy chính là, hành giả có thể chuyển hóa nỗi khổ niềm đau ngay khi thở vào biết mình đang khổ, thở ra thấy nỗi khổ cũng vô thường (nhẹ, khỏe, buông thư).
Có rất nhiều người đã đổ vỡ niềm tin và đánh mất hạnh phúc vì không thể hóa giải được ách tắc trong lòng đã được thầy khai thị bằng “tiếng chuông chánh niệm”.
thầy dạy mọi người đừng sợ khổ đau mà hãy mời khổ đau có mặt với mình ngay hiện tại. Hãy gọi khổ đau bằng ái ngữ, là em, chứ không phải sợ hãi rồi né tránh, chạy trốn. “Mời em ngồi chơi với anh/ với chị”, thầy đề nghị.
Và thầy bảo, hãy nói chuyện, làm việc với khổ đau cũng như hãy mời người thân người thương của mình ngồi xuống để có thể lắng nghe nhau, giãi bày cùng nhau những hiểu lầm, bày tỏ mong ước và cảm ơn nhau vì đã có mặt cho nhau.
Phương pháp “làm mới” của thầy đã cứu rất nhiều mối quan hệ đang bên bờ vực thẳm chỉ vì không hiểu nhau, vì cái tôi quá lớn mà hai người cứ thế làm khổ nhau đến mức không còn muốn nhìn thấy mặt, dù trước đó họ là người thân, người thương.
Theo thầy, “tri giác sai lầm” là bệnh chung của con người. Càng thiếu lắng nghe con người càng hiểu không đúng về người thương; càng giận hờn, trách móc, con người càng đẩy người thương đi xa mình.
Vậy đó, nhưng họ cứ nghĩ, trách móc, hờn giận chính là yêu thương. Tiếng chuông của thầy đã được điểm giữa đại chúng mà ai cũng thấy xốn xang vì mình với người ít nhiều đồng bệnh.
Học thầy, thiết nghĩ nhiều người sẽ cởi trói mình khỏi những lý luận, trách móc mang tính tập khí lâu dài mà lâu nay mình vẫn hay mắc. Cho người thân thương cơ hội giãi bày cũng là cho mình cơ hội được lắng nghe, và đó là cho cả hai cơ hội để cùng đi trên đường vui.
Có lẽ chưa bao giờ những vụ ly hôn nhiều như hiện nay, một phần vì con người ít chịu đựng và phần vì ít lắng nghe nhau. Ai cũng có lý lẽ để cho mình đúng và rồi không thể ngồi lại được với nhau, không thể ăn cơm chung với nhau.
Nếu họ có thực tập theo phương pháp “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương” của thầy Nhất Hạnh thì chắc đã có thêm thời gian và cơ hội cho nhau để không phải đứng trước tòa chia con và chia tài sản.
Ai cũng có nỗi khổ riêng và cần được người thương hiểu, giúp đỡ, chia sẻ để hoàn thiện và vượt qua. Thông điệp trong nhiều bài giảng của thầy chính là hòa giải, là hàn gắn để sống an lành, hạnh phúc cùng nhau trong cõi người ngắn ngủi vốn nhiều niềm đau nỗi khổ này.
Di sản về sự thực tập hạnh phúc mà thầy để lại có lẽ là quý giá nhất vì đó như chiếc chìa khóa để ai có duyên và thương kính thầy có thể tiếp nối, đóng góp bình an cho tự thân, gia đình và thế giới mình đang hiện hữu.
Kính lễ thầy với lòng biết ơn sâu vì thầy đã đến đi thong dong…