Mùa xuân không đến riêng cho bất cứ ai, mà là cái chung của mọi tâm hồn khi biết hoà nhập vào vũ trụ bao la của khí trời ấm áp, thanh thoát của trời xuân. Ý niệm này đã được người xưa ghi nhận:
“Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn, phước mãn đường”.
Người Việt nói riêng, phương Đông nói chung có một tín ngưỡng và cũng là thú vui đó là đi chùa hái lộc đầu xuân. Khi đi chùa, mọi người đều trang điểm rất tươm tất, tao nhã, nét mặt vui tươi, thanh thoát để hoà quyện vào không khí trang nghiêm của giây phút cầu nguyện an lành trong ngày đầu năm. Đón xuân trong nhà Thiền, gọi là mừng xuân Di Lặc, đó là nụ cười xuân. Đạo Phật lấy mùng 1 Tết làm ngày vía Phật Di Lặc (vị Phật tương lai). Chúng ta đi chùa cầu nguyện và hái lộc đầu năm là chiêm ngưỡng hình ảnh nụ cười của Phật Di Lặc, để ước nguyện cho một tương lai đầy hạnh phúc. Bước vào chùa, chúng ta sẽ có một ấn tượng đầy lạc quan qua hình ảnh của Đức Phật Di Lặc, Ngài có một nụ cười đầy hoan hỷ với sáu em bé bu quanh. Một nụ cười mà ta có cảm nhận không còn một chút ưu phiền nào ngự trị trong lòng, một nụ cười của tâm thức vô ưu, vô tham, vô sân, vô si. Nụ cười này có được trên gương mặt của Ngài là nhờ sự chiến thắng mọi dục vọng của cuộc đời mà hình ảnh sáu em bé bu quanh biểu tượng cho lục trần (sắc, thỉnh, hương, vị, xúc, pháp). Nghĩa là khi lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) tiếp xúc với lục trần không bị lôi cuốn, chìm đắm thì chúng ta sẽ hưởng một mùa xuân đầy an lạc.
Trong nhân gian, nụ cười đã được xem là thần dược: “Nụ cười bằng mười thang thuốc”. Trong quan niệm phương Tây, nụ cười cũng rất quan trọng. Thackeray nói: “Một nụ cười tươi là ánh mặt trời ở trong nhà”, hơn thế nữa Greville – một triết gia phương Tây nói: “Con người là loài duy nhất mà trời đã phú cho cái quyền lực của tiếng cười”. Vui xuân ta có quyền hưởng xuân. Mùa xuân miên viễn của nhà thiền là mùa xuân bất tận, khi chúng ta đã chiến thắng với chính mình. Điều này đã được Ngài Hoàng Bá diễn tả:
“Trần lao quýnh thoát sự phi thường
Hệ bã thằng đầu tổ nhất trường
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
Tranh đắc hoa mai phốc tỷ hương”.
Thoát trần việc ấy rất phi thường/ Đầu dây nắm chặt giữ lập trường/ Chẳng phải một phen xương lạnh buốt/ Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương. Ý nghĩa này đã được văn hào Cao Bá Quát – một tài tử phong lưu bày tỏ qua câu:
“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái hoa mai”
(Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ cúi đầu vái lạy trước hoa mai).
Vì vậy, mà hình ảnh và nụ cười của Phật Di Lặc trong nhà chùa đã để lại cho chúng ta cái đẹp. Cái đẹp của sự lắng đọng tâm thức, cái đẹp của sự chiến thắng trần cảnh và cuối cùng đạt đến niềm vui miên viễn. Nếu một người cười, một gia đình cười, một đất nước cười, một thế giới cười thì nhân loại dứt khoát sẽ thoát khỏi cảnh đau thương. Như vậy, mùa xuân sẽ tràn ngập muôn phương. Xuân đến, chúng ta hãy vui cười, cười cho đến mãi cuộc đời. Chúng ta hãy vui xuân trong ý niệm trọn lành và mùa xuân miên viễn sẽ mãi mãi nơi ta trong nụ cười bất diệt.
Đón xuân Nhâm Dần, một năm với nhiều Phật sự quan trọng, đó là tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo các tỉnh/thành phố, tiến tới Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022 – 2027. Kỳ đại hội mở ra nhiều triển vọng trong tương lai, giữa thời đại hội nhập toàn cầu với công nghệ 4.0. Điều đó luôn nhắc nhở chúng ta hãy dùng trí tuệ để tận dụng những mặt tích cực của thời đại khoa học công nghệ và thực hành kỷ cương, giới luật để chuyển hóa nghiệp lực, khắc phục những mặt tiêu cực, nhằm xây dựng Giáo hội xương minh, phát triển bền vững. Trên tinh thần:
“Bảo kiếm phong tòng ma lệ xuất
Mai hoa hương tự khổ hàn lai”.
(Bảo kiếm nhờ mài nên mới nhọn,
Hoa mai chọn rét toả mùi thơm).