Kinh dạy: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ Tát sợ gặp ác quả nên đoạn trừ sẵn ác nhân. Do vậy, tội chướng tiêu diệt, công đức viên mãn, mãi cho đến khi thành Phật mới thôi. Chúng sanh thường gây nhân ác, muốn tránh quả ác, như dưới mặt trời toan trốn bóng, uổng công nhọc nhằn rong ruổi! Thường thấy kẻ ngu vô tri vừa làm chút điều lành nhỏ nhoi bèn mong phước to, vừa gặp nghịch cảnh bèn nói làm thiện mắc họa, không có nhân quả. Từ đó, lui hối cái tâm ban đầu, quay ngược lại phỉ báng Phật pháp, nào biết ý chỉ sâu huyền “báo thông ba đời, chuyển biến do tâm”!
“Báo thông ba đời” có nghĩa là đời này làm thiện, làm ác; ngay đời này được phước, mắc họa, đó gọi là Hiện Báo. Đời này làm thiện, làm ác, ngay trong đời sau hưởng phước, mắc họa, đó gọi là Sanh Báo. Đời này làm thiện, làm ác, đến đời thứ ba, hoặc đời thứ tư, hoặc mười, trăm, ngàn vạn đời, hoặc đến vô lượng vô biên kiếp sau mới hưởng phước, mắc họa, đó gọi là Hậu Báo. Hậu Báo sớm – trễ không nhất định. Hễ gây nghiệp quyết định không thể không thọ báo.
“Chuyển biến do tâm” là ví như có người tạo ác nghiệp, sẽ vĩnh viễn đọa địa ngục, chịu khổ bao kiếp dài lâu. Về sau, người ấy sanh lòng hổ thẹn lớn lao, phát đại Bồ Đề tâm, cải ác tu thiện, tụng kinh niệm Phật, tự hành dạy người, cầu sanh Tây Phương. Do vậy, đời này hoặc bị người khác khinh rẻ, hoặc bị chút bệnh khổ, hoặc bị bần cùng đôi chút, hoặc gặp hết thảy chuyện chẳng như ý, cái nghiệp vĩnh viễn đọa địa ngục bao kiếp chịu khổ dài lâu đã trót tạo trước kia nay liền tiêu diệt, lại còn có thể liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh.
Kinh Kim Cang dạy: “Nếu có người thọ trì kinh này, bị người khác khinh rẻ là do tội nghiệp đời trước của người ấy đáng lẽ đọa ác đạo, vì đời này bị người khác khinh rẻ nên tội nghiệp đời trước bèn tiêu diệt, sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Đấy chính là ý nghĩa “chuyển biến do tâm” vậy.
Người đời vừa gặp chút tai ương, nếu không oán trời thì cũng trách người, trọn chẳng có ý tưởng trả nợ, sanh lòng hối tội. Phải biết: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Trồng cỏ dại chẳng thể được hạt thóc ngon, trồng gai góc mong chi thóc nếp! Làm ác mà được phước là do đời trước tài bồi sâu xa. Nếu không làm ác, phước còn lớn hơn nữa! Ví như con cháu nhà giàu có, ăn uống phung phí, xài vàng như đất, nhưng không đến nỗi đói rét là do vàng nhiều.
Nếu cứ ngày ngày như thế, dẫu giàu có đến trăm vạn, chẳng mấy năm sẽ nhà tan người chết, hết sạch sành sanh! Làm lành mắc họa là do tội nghiệp đời trước sâu dày. Nếu không làm lành, tai ương càng lớn hơn. Ví như kẻ phạm tội nặng, chưa kịp xử phạt, lại lập công nhỏ; do công nhỏ nên chưa được tha hoàn toàn, đổi tội nặng thành tội nhẹ.
Nếu có thể ngày ngày lập công, do công nhiều thành lớn nên tội hết, được tha miễn. Lại còn được phong hầu bái tướng, thế tập tước vị {được kế thừa tước vị cha ông truyền lại}, tồn tại mãi cùng đất nước.
Trích từ sách “Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên”