Lần này ông không còn truy cầu những nguyện ước xa xôi, mà chỉ thảnh thơi vào chùa thắp ba nén nhang trước Phật Tổ.
“Thưa Phật Tổ, trước kia con đã nhiều lần đến đây cầu nguyện, nhưng dường như Ngài vẫn chưa nghe thấy lời con. Hôm nay dẫu Ngài không nhận lời, con vẫn xin được bày tỏ tấm lòng thơm thảo với mẹ già.
Cha con mất sớm, mẹ một mình nuôi con khôn lớn. Thời trai trẻ, con có thể tung hoành ngang dọc, vùng vẫy núi sông, ấy là bởi có mẹ hiền chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ. Giờ mẹ con tuổi đã gần đất xa trời, con chỉ mong sao bà có thể sống bình yên vô sự, an hưởng tuổi già suốt quãng đời còn lại. Chỉ một điều này thôi, con không cầu mong gì hơn nữa”.
Chú tiểu ngày nào nay đã trở thành hòa thượng, còn sư phụ của ông cũng già yếu lắm rồi. Lúc này “chú tiểu” không còn thắc mắc nhiều như trước nữa, ông chỉ nhìn vị thí chủ lão niên mà bồi hồi xúc động. Đứng bên cạnh ông, sư phụ mỉm cười gật đầu, dường như đôi mắt ông muốn nói rằng: “Phật Tổ đã nghe thấy tâm nguyện của thí chủ rồi đó”.
Người lão niên kính cẩn bước ra khỏi chùa, khi ông chưa về đến nhà thì tin mừng đã từ xa truyền lại: Hai người con trai của ông cùng đỗ thứ hạng nhất nhì trên bảng vàng, hơn nữa triều đình còn ban bố chiếu thư rửa sạch nỗi oan cho ông, không những khôi phục chức quan mà còn thăng ông lên ba bậc nữa.
Nhưng cuối cùng người lão niên đã không nhận lệnh. Ông một mực khước từ để được sớm tối chăm lo cho mẹ già suốt quãng đời còn lại.
Lời bàn:
Con người cả đời đứng trước tượng Phật chỉ lo cầu khẩn cho những lợi ích và danh vọng của bản thân mình mà không biết rằng: Chí nguyện không thành, ấy là bởi “vẫn còn thiếu một nén nhang”.
Vậy “nén nhang” ấy là gì ?
Người ta nói rằng ‘Phật từ bi độ nhân’. Nhưng có phải vì mâm cao cỗ đầy, vì chút hoa quả cúng dường, hay vì vài ba nén nhang và dăm ba lần quỳ lạy mà Phật phải thực hiện những gì con người đang đeo đuổi? Nếu ôm giữ cách nghĩ như vậy, rất có thể chúng ta đang bất kính với Thần Phật mà không hề hay biết.
Vậy người như thế nào mới được Thần Phật phù hộ độ trì? Phật gia có câu: “Phật tính nhất xuất, chấn động thập phương thế giới”. “Phật tính” ấy là khi trong tâm thực sự thuần thiện, thuần chính, không màng tư lợi, hoàn toàn suy nghĩ cho người khác, thì mới có thể động đến tâm niệm của Phật Đà. Vậy cũng nói, con người coi trọng danh lợi, tiền tài, địa vị, nhưng Thần Phật thì chỉ xét một chữ “Tâm” này mà thôi.
Bởi vậy mà, khi con người có thể buông bỏ mọi dục vọng, buông bỏ mọi truy cầu, chỉ chú trọng nâng cao đạo đức và tâm tính của bản thân, thì một cách tự nhiên sẽ không cầu mà tự đắc…!!!