Nhẫn nhục

17/03/2022 11:48

Nhẫn nhục, lời hòa nhã,

Yết kiến các Sa-môn,

Đúng thời, đàm luận pháp,

Là điềm lành tối thượng.

Theo cách nghĩ thông thường của thế gian, nhẫn nhục là chịu đựng trước những việc không vừa lòng, không phản ứng lại để cầu được yên thân. Nếu hiểu theo nghĩa của chữ nhẫn thì rất nguy hiểm. Bởi nếu cơn giận không được hóa giải, ấp ủ tích chứa trong lòng lâu ngày thì đến một lúc nào đó sẽ bùng phát và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo Phật giáo, nhẫn nhục là chấm dứt sân hận bằng tình thương và trí tuệ mà không dùng đến bạo lực. Nhẫn nhục gồm thân nhẫn, khẩu nhẫn và ý nhẫn. Thân nhẫn là sự chịu đựng của thân trước các hoàn cảnh không vừa ý như nóng lạnh, bệnh tật, đói khát hoặc bị chửi mắng, hành hạ, đánh đập. Khẩu nhẫn là chế phục khẩu nghiệp, dù bị người khác nói đâm thọc, nói ác khẩu, nhưng ta vẫn giữ thái độ bình tĩnh, chỉ từ tốn giải thích trong ôn hòa. Ý nhẫn là tâm nhẫn nhục trước nghịch cảnh mang đến cho thân và trước những lời nói trái tai mà giữ tâm buông xả, không có ý nghĩ tức giận, thù oán. Một đời sống có sự nhẫn nhục về thân, khẩu, ý chính là cách ứng xử đầy khôn ngoan, nhân văn và trí tuệ. Gần đây, nhiều trường hợp lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội khiến lòng người quặn thắt như một hành vi thô lỗ, một lời nói giễu cợt, hay một cái liếc nhìn thoáng qua cũng khiến lấy đi một mạng người. Vì vậy, hơn bao giờ hết, con người cần phải tỉnh táo để nhận ra thực trạng đau lòng này mà thực hành hạnh nhẫn nhục để gặt hái điềm lành cho bản thân.

Sa-môn ở đây được hiểu là hàng xuất gia đệ tử Phật. Trách nhiệm của Tăng Ni là giúp Phật tử tháo gỡ khuất mắc trong đời sống tinh thần, nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Các Sa-môn là người đại diện cho sự tu tập, trí tuệ và tình thương, nên khi ta gần gũi cũng sẽ nhận được nhiều năng lượng tích cực từ những vị ấy. Mục đích yết kiến các Sa-môn là để đàm luận về chánh pháp. Bởi sau điềm lành “Đúng thời, nghe chánh pháp” thì việc đàm luận về chánh pháp là dịp để Phật tử có cơ hội giãi bày những khó khăn, nghi hoặc trên bước đường tu tập nếu có kiến giải gì cũng trình lên vị Sa-môn để được giải đáp. Như vậy, qua việc yết kiến các Sa-môn và đàm luận chánh pháp đúng thời điểm sẽ giúp người Phật tử củng cố niềm tin vào Tam Bảo, tinh tấn hơn trên bước đường tu học.


Thông Bảo


Các tin tức khác

Back to top