Cho cần câu hay con cá

7/06/2022 1:02
Ngày xưa tại một làng chài nọ, có một thanh niên chuyên nghề đi câu cá kiếm sống để nuôi vợ con, trên đường về thấy một người ăn xin hình như đã đói khát năm ba ngày, với vẻ mặt tiều tụy khốn khổ. Chàng thanh niên thương tình, bắt trong giỏ cá của mình vừa đi câu về, cho người ăn xin một con cá.

Người ăn xin đã nướng ăn và tạm thời qua cơn đói khát. Chàng thanh niên về đến đầu xóm vui vẻ kể lại câu chuyện mình đã làm được một việc thiện ích để cứu một người hoạn nạn. Khi nghe nói như thế, anh bạn hàng xóm lắc đầu và nói rằng, việc làm của anh như vậy chưa chắc là đã giúp cho người kia sống tốt hơn. Cho con cá chỉ là bước đầu để giúp người kia qua cơn đói khát, đó là điều tốt, nhưng cậu hãy nên cho người ăn xin cái cần câu, để ông ta tự mình đi câu kiếm sống hằng ngày mới được. 


Ngày hôm sau chàng thanh niên đó rủ thêm anh bạn hàng xóm cùng đi câu cho vui để có người tâm sự chuyện trò. Khi trở về, hai người gặp lại người ăn xin kia đang nằm chèo queo bên vệ đường với vẻ mặt hốc hác. Chàng thanh niên thấy thế tội nghiệp quá, liền cho người ăn xin cá và anh hàng xóm thì cho người ăn xin cái cần câu.


Cả hai trên đường đi về nhà trong tâm trạng hân hoan vui vẻ vì đã làm được một việc thiện ích. Trong lúc hai người đang hào hứng bàn tán sôi nổi về việc nên cho con cá hay cái cần câu, thì họ lại gặp một người đi đường khác, liền kể sự việc cho người đó nghe và mong rằng anh ta góp ý dùm. Anh bạn này lại lắc đầu nói như thế là không được hoàn mỹ cho lắm.


Các cậu làm như vậy vẫn chưa là giải pháp tốt nhất. Cho người ăn xin con cá hoài thì họ sẽ ỷ lại mà không chịu siêng năng làm việc? Còn cho họ cái cần câu rồi mà không chỉ cho ông ta, cách câu như thế nào để ông ta câu được nhiều cá. Nếu như vậy sẽ không giúp người đó thể hiện lòng tự trọng và tích cực siêng năng làm việc để kiếm miếng ăn.


Cuối cùng ba người cùng kết bạn với nhau và ngày hôm sau cả ba người cùng tiếp tục đi câu cá. Khi trở về, ba người vẫn gặp người ăn xin đang nằm cheo queo, bỏ chiếc cần câu nằm kế bên. Chàng thanh niên trẻ nhất, lại tiếp tục cho người ăn xin cá, còn anh bạn hàng xóm sửa lại cái cần câu, anh bạn mới thì nói về phương pháp câu cá một cách chi tiết và tỉ mỉ, từ mắc mồi câu cho đến phương pháp câu từng loại cá….


Lần này có khác hơn, cả ba trở về trong tâm trạng đầy phấn khởi lạc quan, tin chắc rằng từ nay trở về sau người ăn xin sẽ không còn sợ bị chết đói nữa. Trên đường đi về ba người lại gặp ông già thông thái, một người từng trải nghiệm và đã gắn bó cả cuộc đời với nghề đi câu, cả ba hào hứng kể lại câu chuyện người ăn xin.


Nhà thông thái ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu nói: “Các cậu đã làm những việc như thế rất hợp đạo làm người, thế nhưng ta vẫn nghĩ người ăn xin kia vẫn bị đói khát như thường, vì quan niệm sống của họ quá thiển cận và bi quan. Và chắc chắn người ăn xin đó vẫn chịu đói khát bởi thói quen chấp nhận số phận đã an bài. Các cậu biết nguyên nhân vì sao không?


Cả ba chàng thanh niên đều ngơ ngác, mong nhà thông thái giải thích cho tường tận dùm. Nhà thông thái vừa cười, vừa nói: Thứ nhất là người ăn xin quen sống với nghề này nhiều năm, nó đã ngấm vào xương máu và tủy của ông ta, đó là thói quen thâm căn cố đế của một số người quan niệm rằng số mình như vậy, nên không cần phải siêng năng làm lụng, bươn chải để kiếm miếng ăn. Chính vì vậy, ta phải hướng dẫn cho ông ta cách suy nghĩ về quan niệm sống bằng cách tin sâu nhân quả, tin chính mình quyết định cuộc đời?


Thứ hai là, ai cũng có thể biết không phải cứ thả mồi xuống là đã có cá liền, đôi khi phải kiễn nhẫn câu cả tiếng, cả buổi…có khi cả ngày không được con nào. Muốn câu được cá, người đó phải kiên trì bền bỉ để đạt được mục đích.


Thứ ba là có một yếu tố cực kỳ quan trọng, tại sao cả đời ông ta chỉ đi ăn xin, đó chính là niềm tin mù quáng của ông ta đối với số phận của mình. Có lần tôi hỏi anh ta. Sức khỏe của ông vẫn dồi dào như vậy, tại sao không học một nghề gì đó để kiếm sống hoặc có thể đi câu cá cùng với mọi người?


Ông ta không cần suy nghĩ liền trả lời ngay: “Ông và người khác giỏi, tôi không thể nào theo ông được, tôi sinh ra là đã mang thân phận của kẻ ăn xin rồi, cha mẹ tôi ngày trước cũng làm nghề cái bang, số tôi khổ từ trong bụng mẹ, tôi đành chấp nhận số phận đã an bài!


Câu chuyện được dừng lại nơi đây, để mọi người cùng suy nghĩ mà tìm ra giải pháp giúp đỡ người ăn xin kia thay đổi quan niệm sống. Thái độ sống phải được rèn luyện thường xuyên nhờ sự định hướng đúng đắn, bởi tác động của gia đình người thân, nhà trường và xã hội, không thể ngày một ngày hai mà có được, và tự thân mỗi người phải kiên trì bền bỉ theo đuổi mục đích cho đến khi thành công viên mãn.


Qua câu chuyện trên, chúng ta rút ra một bài học quý báu về cuộc đời, mỗi người tuy theo sự huân tập mà có quan điểm sống khác nhau. Hạng người thứ nhất quá bi quan nên chấp nhận số phận đã an bài, chính vì vậy họ không siêng năng tích cực làm việc, bởi họ nghĩ rằng số họ đã nghèo, có cố gắng cho mấy cũng lại nghèo thôi.


Nếu chúng ta nói số phận con người là cố định, không thể thay đổi được thì người giàu sẽ ỷ lại, họ sẽ hưởng thụ ăn chơi sa đọa đến khi phước hết, họa đến làm sao trở tay cho kịp, rồi than phân trách phận, oán trời trách đất, đổ thừa tại bị thì là... Còn người nghèo thì lại nghĩ rằng, dù có siêng năng, tinh cần cũng mất công vô ích cho nên chẳng cần phấn đấu vươn lên làm mới lại chính mình, cuối cùng nghèo lại càng nghèo thêm.


Nếu như ai sống mà chấp nhận số phận đã an bài thì khó lòng mà vươn lên làm mới lại chính mình. Như bản thân chúng tôi nếu không có ý chí và nghị lực làm lại cuộc đời, thì tôi đã rũ xương trong lao tù nghiện ngập vì thói quen đam mê dính mắc trong mê muội. Những người chấp nhận số phận đã an bài, là do thấy biết sai lầm không chịu tích cực tư duy, trước ai làm sao thì mình bắt chước làm vậy, đành chấp nhận cuộc đời trong tối tăm mờ mịt.


Nghèo khổ thiếu thốn khó khăn là do nhiều đời trước không biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia hoặc hay gian tham trộm cướp lường gạt của người khác, làm ít mà muốn hưởng thụ nhiều tiêu xài hoang phí. Đa số người nghèo khổ thiếu thốn khó khăn dễ sinh ra những tư tưởng mông lung, mơ ước hảo huyền lúc nào cũng mong cầu thần linh hay đấng quyền năng nào đó giúp đỡ, ban cho sự sống tốt đẹp mà tự đánh mất chính mình.


Từ cuộc sống thiếu thốn nghèo hèn, con người thường hay ước mơ những điều viễn vông, huyền hoặc, mà không biết rằng mọi sự nên hư, thành bại trong cuộc đời đều do mình tạo lấy, mình siêng năng làm việc và gieo trồng phước báo thì cuộc sống sẽ ấm no đầy đủ.


Đây là tư tưởng và thái độ tiêu cực của một số người thiếu hiểu biết và không tin sâu nhân quả, thích ăn không ngồi rồi, muốn không làm mà vẫn có ăn, từ đó sinh tâm biếng nhác, bê tha, hậu quả là mình và gia đình người thân, phải chịu thiếu thốn khó khăn.


Đạo Phật là một tôn giáo có chất liệu rất thực tế trong đời sống con người. Đạo Phật có mặt trong cuộc đời là để phục vụ cho lợi ích nhân loại và muôn loài. Đạo Phật luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần nhân quả và khả năng giác ngộ của con người, bởi vì không ai có đủ quyền năng để ban phước giáng họa cho ta cả, mà chính ta là chủ nhân của bao điều họa phúc.


Ta muốn làm ra của cải vật chất thì phải biết kết hợp nhiều nguyên nhân, trước tiên con người phải siêng năng, cần cù lao động, biết áp dụng nhân quả vào trong đời sống hằng ngày. Thí dụ, như muốn có trái xoài, trước tiên ta phải có miếng đất trống để trồng và phải có hạt xoài, hay cây xoài giống rồi phải ra công chăm sóc tưới tẩm, bón phân trải qua ít nhất hai ba năm trở lên mới có được kết quả.


Theo quan niệm của một số người thời xa xưa, họ cho rằng đời sống con người là do đấng tạo hóa hay thần linh thượng đế hoặc ông trời tạo ra và sắp đặt theo số phận. Ai tin và chịu theo các Ngài thì được hưởng ân sủng tối cao, ngược lại, ai không tin, không làm theo ý các ngài thì sẽ bị đọa vào chỗ khốn cùng. Họ cho rằng con người sinh ra đều có số mệnh định sẵn, đã có sự an bài, con người khó có khả năng vươn lên vượt qua số phận tối tăm để làm mới lại chính mình. Chính vì vậy một số người thường nói số trời đã định nên họ phó mặc cho cuộc đời, không chịu phấn đấu vươn lên để sống đời an vui, hạnh phúc.


Nếu chúng ta nói rằng sống trên cuộc đời này giàu nghèo, sang hèn như thế nào đều do số mệnh đã định sẵn thì con người đều bất lực, xuôi tay phải chấp nhận sống theo mệnh lệnh của một người nào đó mà ta không hề biết họ là gì, ở đâu?


Thật tế có phải vậy không? Trong khi đó thế giới lúc nào cũng hỗn loạn, chiến tranh, binh đao, con người đối xử độc ác với nhau, lại thêm nạn thiên tai, lũ lụt, sóng thần, động đất, nghèo đói, dịch bệnh, chết chóc đau thương hàng loạt… chẳng lẽ đấng tối cao cũng tạo ra những điều đau khổ và sự bất công ấy hay sao?


Nếu con người và muôn loài đều do một đấng thần linh thượng đế quyền năng tạo ra, tại sao lại có sự sai biệt quá lớn trong thế gian này nhiều đến như vậy? Kẻ sang người hèn, kẻ giàu người nghèo, kẻ trắng người đen, kẻ cao người thấp, kẻ sống lâu, người chết yểu, kẻ thông minh, người dốt nát.v.v…


Nhờ tu chứng dưới cội Bồ-đề, đức Phật đã thấy rõ mọi sự sai biệt trong cuộc đời này đều do nhiều nhân duyên hòa hợp lại mà hình thành. Trong bầu vũ trụ bao la này, không có cái gì do một nhân mà thành để bảo tồn sự sống. Nếu nói cái gì cũng do trời quyết định thì tại sao có sự bất đồng và sự sai biệt trên thế gian này, không ai giống ai. Nếu thượng đế có khả năng ban phước giáng họa, thì tại sao không ban phước lành đến cho tất cả muôn loài?


Nếu số mệnh đã được sắp đặt sẵn, định sẵn thì thật là tai hại vô cùng, ai lỡ làm những việc xấu ác thì đổ thừa số phận tôi như thế, sẽ không cố gắng phấn đấu vượt qua lầm lỗi của mình. Đạo Phật không chấp nhận số phận đã an bài, con người khi làm được việc gì thành công thì nói nhờ trời, còn khi thất bại thì đổ thừa tại trời, nói như vậy là oan cho trời quá. Người nào có quan niệm như thế thì vô tình đánh mất chính mình, làm ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Trong khi đó, mỗi con người chúng ta đều có khả năng tư duy,  nhận xét, suy luận, quán chiếu và có thể vận dụng sự hiểu biết của mình mà áp dụng vào trong cuộc sống, để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc.


Phật nói: “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Tất cả mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này đều dựa trên nền tảng nhân quả nghiệp báo mà có sự sai khác nên không ai giống ai về hình tướng và quan niệm  sống. Tất cả đều do duyên tốt hay xấu của mình đã tạo ra trong quá khứ mà cho ra kết quả trong hiện tại.


Đức Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn, giàu lòng từ bi, đầy đủ trí tuệ, Ngài luôn thương tưởng với tất cả chúng sinh làm sao giúp cho mọi người tin sâu nhân quả, tự tin chính mình, làm lành lánh dữ và sống có ích cho tha nhân. Sự ra đời của đạo Phật đã giúp cho mọi người biết cách làm chủ bản thân, đem lại giá trị hạnh phúc thật sự cho tất cả chúng sinh. Mọi sự tốt đẹp, phải quấy, nên hư, thành bại đều do chính mình tạo lấy, không ai có quyền ban phước, giáng họa hay sắp đặt số phận con người.


Từ xa xưa một số người họ lợi dụng quyền thế của mình, nên tuyên truyền con người và vạn vật sinh ra trong cõi đời này đều do một đấng thần linh thượng đế tạo ra, ai không chấp nhận tu tập theo sự hướng dẫn của họ sẽ bị đọa lạc vào chỗ khốn cùng. Còn ai chịu nghe lời thần linh, thượng đế thì sẽ hưởng được quả báo tốt đẹp, nhưng có mấy được như thế.


Đức Phật dạy rằng, trong mỗi người chúng ta, ai cũng có khả năng giác ngộ, khả năng giải thoát, chỉ vì chúng ta không chịu thừa nhận, không chịu suy xét thấu đáo cho nên đã tạo ra những nỗi khổ niềm đau mà làm tổn hại cho nhau.


Quan niệm số phận đã an bài dẫn đến ỷ lại và lười biếng, là căn bệnh trầm kha của một số người ăn không ngồi rồi, làm ít mà muốn hưởng nhiều nên dễ đi vào con đường tội lỗi. Ngày nay, trên đà phát triển quá nhanh, con người bị kích động bằng nhiều hình thức hấp dẫn. Phòng trà, bia ôm, vũ trường, quán nhậu làng nướng, mọc lên như nấm. Phim ảnh, sách báo đồi trị công khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức để thu hút, hấp dẫn con người.


Thói quen lười biếng, muốn hưởng thụ nhiều đã dễ dàng đưa con người ta vào vòng tội lỗi, đây là một vấn nạn lớn mà các nhà chức trách đang đau đầu vì sự quản lý chưa chặt chẽ bởi nhiều hình thức trá hình. Nhu cầu phát triển ngày càng cao về văn minh vật chất cũng dễ kéo theo những tệ nạn xã hội.




Thích Đạt Ma Phổ Giác

Các tin tức khác

Back to top