Khéo quán sát nội tâm

30/07/2022 5:10
Thực hành chỉ và quán (thiền chỉ và thiền quán) hay thiền định và thiền tuệ chính là nội dung tu tập tâm để thành tựu Chánh định.

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nếu có Tỳ-kheo không thiện xảo quán tâm người khác, hãy thiện xảo tự quán sát tâm của chính mình. Nên học như vậy.

- Thế nào gọi là Tỳ-kheo thiện xảo quán tự tâm? Tỳ-kheo nếu có quán này, chắc chắn được nhiều lợi ích. ‘Phải chăng ta được chỉ của nội tâm, nhưng chưa được quán pháp bằng tối thượng tuệ? Phải chăng ta được quán pháp tối thượng tuệ, nhưng chưa được chỉ nội tâm? Phải chăng ta chưa được chỉ nội tâm, cũng chưa được quán pháp tối thượng tuệ? Phải chăng ta được chỉ nội tâm, cũng được quán pháp tối thượng tuệ?’.

- Nếu Tỳ-kheo sau khi quán, liền biết rằng: ‘Ta được chỉ nội tâm, chưa được quán pháp tối thượng tuệ’. Tỳ-kheo ấy được chỉ nội tâm rồi, hãy nên mong cầu quán pháp tối thượng tuệ. Vị ấy sau đó được chỉ nội tâm và cũng được quán pháp tối thượng tuệ.

- Nếu Tỳ-kheo sau khi quán liền biết rằng: ‘Ta được quán pháp tối thượng tuệ, chưa được chỉ nội tâm’. Tỳ-kheo ấy trụ nơi quán pháp tối thượng tuệ rồi, hãy nên mong cầu nội chỉ tâm tĩnh chỉ. Vị ấy sau đó được quán pháp tối thượng tuệ và cũng được chỉ nội tâm.

- Nếu Tỳ-kheo sau khi quán liền biết rằng: ‘Ta chưa được chỉ nội tâm cũng chưa được tối thượng tuệ’. Như vậy Tỳ-kheo chưa được pháp thiện này; vì muốn được nên phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm, chánh trí, kham nhẫn, đừng để bị thoái chuyển. Ví như người bị lửa đốt cháy đầu, đốt cháy áo, phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện cứu đầu, cứu áo. Cũng vậy, Tỳ-kheo chưa được pháp thiện này, vì muốn được nên phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm chánh trí, đừng để bị thoái chuyển. Vị ấy sau đó liền được chỉ nội tâm và cũng được quán pháp tối thượng tuệ.

- Nếu Tỳ-kheo sau khi quán tâm, liền biết rằng: ‘Ta được chỉ nội tâm, cũng được quán pháp tối thượng tuệ’. Tỳ-kheo ấy tạm trú nơi pháp thiện này rồi, hãy nên mong cầu tự thân chứng ngộ Lậu tận trí thông. 

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Lâm, kinh Tự quán tâm, số 109 [trích])

Thực hành chỉ và quán (thiền chỉ và thiền quán) hay thiền định và thiền tuệ chính là nội dung tu tập tâm để thành tựu Chánh định. Chỉ là dừng, trú tâm vững chắc vào một đề mục Chánh pháp. Thiền chỉ sâu sắc dẫn đến định cận hành hoặc an chỉ nhờ vượt thoát năm triền cái (tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, nghi ngờ). Quán là thấy biết rõ ràng sự sinh diệt của các pháp trong mỗi phút giây. Thường biết về khổ, vô thường, vô ngã chính là thiền quán hay thiền tuệ.

Chỉ và quán bổ sung cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển năm thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) nhằm vượt thắng năm triền cái để thành tựu Chánh định. Tùy duyên nghiệp và cách dụng công của mỗi người mà có sự an tịnh nội tâm nhờ chỉ trước, quán sau hay quán trước, chỉ sau hoặc chỉ quán song hành.

Trong trường hợp chưa được cả chỉ lẫn quán thì hãy “Nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm, chánh trí, kham nhẫn, đừng để bị thoái chuyển”. Phương tiện ở đây là siêng năng thực hành chánh niệm, tỉnh giác (chánh trí) và kham nhẫn. Cần gấp rút tu tập như cứu lửa cháy đầu cho đến khi nào thành tựu chỉ và quán.

Đoạn kinh “Tỳ-kheo sau khi quán tâm, liền biết rằng: ‘Ta được chỉ nội tâm, cũng được quán pháp tối thượng tuệ’. Tỳ-kheo ấy tạm trú nơi pháp thiện này rồi, hãy nên mong cầu tự thân chứng ngộ Lậu tận trí thông” có ý nghĩa quan trọng. Trên nền tảng Chánh định, hành giả cần phát huy tuệ giác để quét sạch mười kiết sử, thành tựu Tứ Thánh quả, Tam minh và Lục thông. Lậu tận trí thông chính là phẩm vị của bậc Thánh A-la-hán hoàn toàn giải thoát.

Trên nền tảng chánh định, phát huy tuệ giác cao độ sẽ lần lượt phá tan mười kiết sử (thân kiến, giới cấm thủ, nghi ngờ, tham dục, sân hận, hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo hối, vô minh) để chứng đắc các Thánh quả. 

Các tin tức khác

Back to top