Ăn chay - ăn mặn

4/09/2022 11:52
Có người bàn về việc nên ăn chay hay ăn mặn mới phải? Chúng tôi chỉ dẫn điều cơ bản đức Phật dạy đối với mọi thứ hấp dẫn trong đời. Ngài nói, người tu hành nên biết vị ngọt và sự nguy hiểm của ngũ dục để xa lìa, không dính mắc, trói buộc; để không bị khổ đau. Như người vì thèm liếm một chút đường dính trên dao bén mà phải bị cái họa đứt lưỡi. Như con dê thèm mật ngọt, bị người rải mật dẫn dụ vào chuồng và bắt giết.

Nếu chỉ biết thích một điều gì đó thì chúng ta chỉ mới hiểu và quan tâm về “vị ngọt của ngũ dục” mà quên yếu tố thứ hai Phật dạy là “sự nguy hiểm”. Cũng thế, nếu ăn chay mà cảm thọ vị ngon hấp dẫn của thức ăn thì đã bị sai lời Phật dạy. Bởi đã cảm thọ vị ngọt, dính nhiễm, sẽ đưa đến sự nguy hiểm là bị trói buộc trong sanh tử, không được giác ngộ giải thoát. Nếu ăn mặn trong thanh tịnh, không cảm thọ dở và ngon, thiếu nhiều bữa cá thịt, chỉ có tương rau cũng bình thường, không hề dính mắc, không chút gợn tâm thì cũng không sai với ý chỉ của Phật dạy, biết vị ngọt và sự nguy hiểm của nó mang lại, chúng ta không dính nhiễm. Đã suốt tột đến yếu chỉ của đức Phật chỉ dạy như thế rồi thì rõ ràng ở đây, ý nghĩa vượt lên cả chay và mặn, bởi tâm không còn đắm nhiễm, dính mắc. Đã không dính nhiễm thì ai lại đi tìm thịt cá để ăn làm gì?

Trói buộc để rồi sẽ phải bị khổ đau trong sanh tử, hay được tự tại giải thoát đều ở tâm mình, không do bất kỳ điều kiện hay bất kỳ ai bên ngoài giúp đỡ được. Dối lòng lừa gạt người khác có thể được, nhưng không ai tài nào dối gạt được nhân quả và lòng mình. Trực tâm học đạo thì mới cảm nhận được giá trị chân thật. Thử thật thà để soi chiếu, kiểm chứng, nhìn rõ tâm mình xem: “Ăn chay mà có thèm đồ ngon hay không? Thiếu một bữa, hay vài ngày, vài tháng đồ mặn thì có cảm thấy dễ chịu hay không?”. Nếu tâm còn động niệm, lòng có xao xuyến thì đã rơi vào phàm tục rồi, không có Phật pháp nào trong đó để bàn luận nữa. Nếu tâm đã thanh tịnh thực sự thì người này sẽ tự biết chay mặn thế nào. Không phân minh, giải thích. Không bao giờ tự vỗ ngực la to như là một sự tự bào chữa cho những yếu kém của lòng mình.


Thích Tâm Hạnh

Các tin tức khác

Back to top