Đức Phật và vấn đề siêu nhiên huyền bí

20/12/2013 5:52
Những điều mà Đức Phật dạy như nắm lá trong tay chính là giáo pháp của Ngài; còn những điều mà Đức Phật không dạy nhiều như lá trong rừng chính là những gì Ngài chứng, Ngài biết. Đức Phật chỉ dạy cho chúng sinh những gì cần thiết cho đời sống an lạc, hạnh phúc, thoát khỏi những khổ đau, chứ Ngài không dạy những điều vô ích chỉ làm thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ (thích tìm hiểu, thích biết những điều mới lạ), cũng không dạy những gì làm thỏa mãn lòng tham của con người, bởi vì lòng tham của con người là vô tận không thể nào thỏa mãn.

Đức Phật và thần thông, phép mầu

Trong kinh Kevaddha (thuộc Trường Bộ kinh II) có ghi:

Một hôm có người đề nghị với Đức Phật rằng, Ngài hãy cho một vài vị Đại đệ tử biểu diễn các phép thần thông như đi trên nước, bay giữa hư không, xuyên qua vách đá v.v… để thu hút quần chúng và tăng thêm niềm tin cho tín đồ.

Đức Phật bèn hỏi người kia:

- Này cư sĩ, sau khi trông thấy những phép lạ như vậy, một số người có thể tin, nhưng một số người khác có thể bảo rằng: “Nào có gì lạ, có một thứ bùa chú có công hiệu như vậy”. Trường hợp sau có thể xảy ra không?”.

Người kia đáp:

- Bạch Thế Tôn, có thể.

Đức Phật nói:

- Do vậy, thật vô ích khi làm những cuộc biểu diễn ấy.

Sau đó, Đức Phật nói cho người kia biết có ba loại thần thông là: 1. Biến hóa thần thông, năng lực làm các phép lạ như bay lên không trung, đi trên mặt nước, xuyên qua vách đá, biến hình, ẩn thân v.v… 2. Tha tâm thần thông, khả năng biết được tâm niệm, suy nghĩ của người khác. 3. Giáo hóa thần thông, năng lực giáo hóa, đưa con người từ mê đến ngộ, từ kẻ xấu thành người tốt, từ đau khổ đến an lạc, xây dựng con người, xây dựng đời sống tốt, giúp phàm phu trở thành hiền thánh.

Các loại thần thông, phép lạ như Biến hóa thần thông, Tha tâm thần thông chẳng những không mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng mà còn gây ra nhiều tác hại một khi người sử dụng có tâm ý bất chính, lợi dụng thần thông để thỏa mãn lòng tham lam, sân hận của mình, chẳng hạn như hại người cướp của, phục vụ hoặc tiếp tay cho kẻ xấu ác, hay vì thù oán mà gây hại cho người. Đối với người chưa dứt hết phiền não tham, sân, si, mạn (kiêu mạn) hay nói cách khác là còn lục dục, thất tình, thì việc lạm dụng thần thông để thỏa mãn cái tôi, thỏa mãn tư dục là điều rất dễ xảy ra.

Ai cũng biết Đức Phật có rất nhiều khả năng thần thông, phép lạ, vì Ngài đã sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt, điều này trong kinh điển Nguyên thủy còn ghi lại. Nhưng trong nhiều trường hợp, Đức Phật tỏ ra coi thường các phép mầu, thần thông, bởi nó khiến cho người ta si mê mù quáng, điên đảo, nếu bám vào nó sẽ gây trở ngại cho sự giác ngộ chân lý và giải thoát khổ đau, thành tựu Niết-bàn an lạc. Thần thông không thể mang lại an lạc hạnh phúc, không thể giải thoát những khổ đau trong đời sống con người. Thần thông chỉ là kết quả của sự tu luyện tinh thần mà ai cũng có thể làm được kể cả tà ma, ngoại đạo. Thần thông không phải là tiêu chuẩn để đánh giá nhân cách, phẩm hạnh đạo đức của một con người hay mức độ tu hành, giác ngộ của người tu đạo.

Theo Đức Phật, chỉ có từ bi và trí tuệ mới mang lại an lạc hạnh phúc cho con người, và Giáo hóa thần thông mới giúp cho người khác có nhận thức và sự rèn luyện, tu tập để có được từ bi và trí tuệ.

Kinh điển kể rằng, có lần ngoại đạo (người của giáo phái khác, không phải đạo Phật) biểu diễn phép thần thông đi trên mặt nước từ bờ bên đây sang bờ bên kia sông Hằng và thách thức Đức Phật làm như vậy. Đức Phật đã ôn tồn hỏi ngoại đạo sư kia tu luyện được bao lâu mà có được thần thông như thế. Ngoại đạo sư đáp rằng ông ta đã mất ba năm tu luyện mới có được khả năng phi hành trên mặt nước. Đức Phật mỉm cười bảo: “Ta chỉ cần ba xu để đi đò là qua được bên kia sông Hằng”.

Bỏ ra ba mươi năm tu luyện cực khổ chỉ để qua sông không cần thuyền, trong khi chỉ cần vài đồng xu thì có thể làm được điều đó, thật không đáng chút nào! Quả đúng phép mầu, thần thông không bằng trí tuệ. Phép mầu thần thông có thể làm cho người ta ham thích, say mê mù quáng.

Vài trường hợp đặc biệt cần thiết Đức Phật sử dụng thần thông

Trong Đại phẩm của Luật tạng – Mahavagga (of Vin) có ghi sự kiện Đức Phật hóa độ ba anh em ông Kassapa vốn là những nhà tu khổ hạnh sùng bái thần lửa.

Một hôm trên đường đến Uruvela, ngang qua chỗ ở của ông Kassapa thì trời đã tối, Đức Phật bèn đến nhà ông Kassapa và xin nghỉ nhờ qua đêm. Kassapa đưa Đức Phật đến một hang núi phía sau đền thờ lửa của ông và cho biết trong hang có một con rắn độc khổng lồ, ông hỏi Đức Phật có dám vào ở tạm hay không (có lẽ ngoại đạo Kassapa muốn thử thách Đức Phật). Đức Phật không tỏ ra lo sợ, Ngài bảo với Kassapa rằng Ngài có thể vào ở tạm trong đó.

Đêm đến, khi con rắn độc bò ra tấn công Đức Phật, Ngài đã dùng thần thông hàng phục nó. Ngài hóa ra ánh sáng và lửa để đẩy lùi con rắn, rồi thu nhỏ nó và bắt bỏ vào bình bát của Ngài. Kinh gọi phép thần thông mà Ngài sử dụng có tên là Hỏa quang tam muội, tức là định lực phát ra lửa và ánh sáng. Thường thì các phép thần thông có được là do công phu tu tập thiền định (thiền chỉ) và thiền quán, thường hay gọi chung là thiền định.

Vào năm thứ 20 sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài giáo hóa và thu phục Angulimàla, một tướng cướp khét tiếng ở xứ Kosala. Trong lần giáo hóa này, Đức Phật đã sử dụng thần thông để ngăn chặn hành vi tội ác của Angulimàla.

Sở dĩ tên cướp có tên là Angulimàla (người đeo vòng ngón tay) là vì trên cổ y đeo một vòng chuỗi làm bằng đầu ngón tay của những người bị y giết. Khi gặp Đức Phật, Angulimàla cầm gươm đuổi theo định sát hại Ngài, nhưng dù đã cố hết sức, y vẫn không tài nào đuổi kịp.

Thấy Đức Phật vẫn đi khoan thai chậm rãi mà không sao tiếp cận được Ngài, Angulimàla hết sức ngạc nhiên, mồ hôi ướt đẫm cả áo, y vừa thở hổn hển vừa gọi là:

 - Này Sa-môn, hãy dừng lại!

Đức Phật từ tốn đáp:

- Mặc dù Ta đang đi, nhưng Ta đã dừng lại. Còn ngươi, Angulimàla, hãy dừng lại đi.

Angulimàla càng ngạc nhiên hơn, y không hiểu lời Đức Phật. Rõ ràng là y đã dừng lại trong khi Đức Phật vẫn còn tiếp bước, cớ sao Đức Phật lại nói là Ngài đã dừng và cho rằng y còn đang tiếp bước. Angulimàla thắc mắc kêu to:

- Này ông Sa-môn, ông còn đi, chính tôi đã dừng. Ông lại nói rằng tôi không dừng, còn ông thì đã dừng, như thế là sao? Ông muốn nói gì?

Đức Phật đáp:

- Đúng vậy, Angulimàla, Ta đã dừng mãi mãi. Ta không còn dùng bạo lực đối với chúng sinh, không còn hành hung, gây tổn thương cho một sinh vật nào. Còn chính ngươi không dừng lại bàn tay đẫm máu, vẫn sát hại đồng loại. Vì vậy mà Ta nói rằng Ta đã dừng, và bảo ngươi cũng hãy dừng lại.

Angulimàla bừng tỉnh, Đức Phật đã đánh thức lương tâm y. Y biết chắc chắn vị Sa-môn này không ai khác hơn là Đức Phật Gotama, vì lòng từ mẫn muốn cứu y ra khỏi vòng tội lỗi. Y vứt gươm xuống đất và quỳ xuống xin Đức Phật cho y được xuất gia làm đệ tử (Kinh Trung Bộ số 86, Angulimàla).

Một trường hợp khác Đức Phật sử dụng thần thông được ghi lại trong kinh Tương Ưng I, phẩm Chư Thiên: Một lần Phạm thiên cho rằng không có một Sa-môn, Bà-la-môn nào đến được Phạm thiên giới (cõi trời Phạm thiên). Đức Phật biết được, liền dùng thần thông hiện ra nơi cõi trời Phạm thiên, Ngài ngồi kiết-già giữa hư không, toàn thân phun lửa. Sự xuất hiện của Đức Phật giúp cho vị Phạm thiên kia không còn tâm kiêu mạn và thay đổi nhận thức sai lầm.

Đức Phật và vấn đề bí ẩn của muôn loài, bí ẩn thế giới và bí ẩn vũ trụ

 Trong kinh Trung Bộ (Majjhima Nikàya) có ghi lại trường hợp một vị Tỳ-kheo tên Màlunkyaputta thắc mắc hỏi Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, cho đến nay Đức Thế Tôn chưa hề giải rõ, Ngài đã gác qua một bên và đã loại bỏ những lý thuyết đề cập đến quan điểm: Thế gian này có trường tồn vĩnh cửu không? Thế gian này giới hạn hay là vô hạn? Sinh lực (năng lực sự sống) là một với cơ thể vật chất này, hay sinh lực và cơ thể vật chất là hai cái khác nhau; Sau khi chết, Đức Như Lai (Phật) sẽ còn tồn tại hay không còn tồn tại? Hay sẽ vừa còn, vừa không còn tồn tại?

Đức Phật đã trả lời:

- Cũng như người kia bị một mũi tên tẩm độc đâm sâu vào mình, và khi lương y muốn nhổ mũi tên ra để điều trị thì người đó vội ngăn cản lại và nói: “Tôi sẽ không để cho ai nhổ mũi tên này ra trước khi biết rõ ràng và đầy đủ chi tiết về người bắn tôi, về tính chất của mũi tên…”. Người này sẽ chết trước khi biết được những điều ấy. Cũng vậy, các ngươi sẽ chết trước khi thắc mắc của mình được giải đáp.

Theo Đức Phật thì không cần phải thắc mắc, tìm hiểu vẩn vơ những điều không cần thiết. Điều cần thiết là làm thế nào để đem lại an vui hạnh phúc cho chính mình, cho cộng đồng, xã hội và nhân loại, chúng sinh.

Hơn nữa, có những điều không phải nói ra thì ai cũng hiểu, ai cũng biết, ai cũng tin. Cũng như học sinh lớp 1, lớp 2 thì không thể nào hiểu nổi hình học không gian hay đại số, tích phân, dù cho giáo sư toán học có giảng dạy cách nào cũng không hiểu được, chỉ có cách là học dần dần lên, từ thấp đến cao, mỗi ngày mở mang sự thấy biết. Hoặc một người bình thường không có kiến thức khoa học, không có trình độ tâm linh thì không tin được ngoài thế giới này (trái đất) còn có vô số thế giới khác (các hành tinh, định tinh, thiên thể, vật thể trong vũ trụ) và sự sống dưới nhiều hình thái trong vũ trụ mênh mông; hoặc không tin được các hạt vi mô (những hạt cơ bản cấu tạo vật chất) vừa có tính chất sóng, lại vừa có tính chất hạt (đây được gọi là lưỡng tính sóng hạt của vật chất), và chúng ta không thể xác định chính xác các quỹ đạo chuyển động của chúng (các hạt vi mô), dù nhà khoa học có giải thích, chứng minh thế nào cũng khó làm cho họ tin điều đó (khó có thể tin tính chất bất định của các hạt vi mô).

 Về con người, thế giới và vũ trụ còn biết bao điều bí ẩn. Lịch sử loài người trải qua mấy triệu năm mới có được những hiểu biết (tri thức) ít ỏi như ngày hôm nay, đời người chỉ vài mươi năm mà muốn biết tất cả, muôn vạn điều về vũ trụ vạn hữu bằng khả năng giới hạn của mình là chuyện không thể được. Nếu cứ ngồi đó mà tìm cách giải đáp những thắc mắc, tò mò của mình mà không chịu học tập, thực hành, thì uổng phí cả cuộc đời cũng chưa chắc gì giải tỏa hết nghi vấn, thắc mắc. Đó là chưa nói đến những thắc mắc vu vơ, không thích đáng (đúng, hợp), do tưởng tượng mà ra, không có thật, không gần với chân lý; do suy viễn, phán đoán sai lầm.

Đức Phật đã từng nói: “Này các Tỳ-kheo, những điều mà Như Lai dạy các con có thể sánh với nắm lá này, còn những điều mà Như Lai không dạy cũng như tất cả lá trong rừng” (Kinh Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikàya). Và trong kinh Udàna, Đức Phật tuyên bố: “Này hỡi các Tỳ-kheo, cũng như nước của đại dương chỉ có một vị là vị mặn của muối, giáo pháp chỉ có một vị là giải khổ”.

Những điều mà Đức Phật dạy như nắm lá trong tay chính là giáo pháp của Ngài; còn những điều mà Đức Phật không dạy nhiều như lá trong rừng chính là những gì Ngài chứng, Ngài biết. Đức Phật chỉ dạy cho chúng sinh những gì cần thiết cho đời sống an lạc, hạnh phúc, thoát khỏi những khổ đau, chứ Ngài không dạy những điều vô ích chỉ làm thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ (thích tìm hiểu, thích biết những điều mới lạ), cũng không dạy những gì làm thỏa mãn lòng tham của con người, bởi vì lòng tham của con người là vô tận không thể nào thỏa mãn.

 

Phan Minh Đức (Theo Đại Bi)

Các tin tức khác

Back to top