Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức cũng du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Ám lâm; đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm đều học tập không ngủ, tinh cần chánh trụ, tu tập đạo phẩm.
Khi ấy Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức sống một mình nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ: ‘Nếu có đệ tử nào của Đức Thế Tôn tinh cần học tập pháp luật chân chánh thì ta là người bậc nhất, thế mà tâm vẫn chưa giải thoát được các lậu. Nhà cha mẹ ta cực kỳ phú quý, có nhiều tiền của, nay ta có nên xả giới, bỏ đạo hạnh, chuyên việc bố thí, tu tập các phước nghiệp chăng?’.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bằng tha tâm trí biết rõ tâm niệm của Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức, liền bảo một Tỳ-kheo:
- Ngươi hãy đi đến chỗ kia, gọi Sa-môn Nhị Thập Ức về đây.
Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức nghe Tỳ-kheo ấy nói, liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi ngồi một bên. Đức Thế Tôn nói:
- Sa-môn, phải chăng vừa rồi ngươi sống một mình nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ: ‘Nếu có đệ tử nào của Đức Thế Tôn tinh cần học tập pháp luật chân chánh thì ta là người bậc nhất, thế mà tâm vẫn chưa giải thoát được các lậu. Nhà cha mẹ ta cực kỳ phú quý, có nhiều tiền của, nay ta có nên xả giới, bỏ đạo hạnh, chuyên việc bố thí, tu tập các phước nghiệp chăng?’.
- Bạch Thế Tôn, quả thật vậy.
- Khi ngươi sống tại gia, giỏi đánh đàn cầm nên tiếng đàn hòa điệu với lời ca, lời ca ăn khớp với tiếng đàn, có phải vậy chăng?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
- Ý ngươi nghĩ sao, nếu dây đàn căng quá thì tiếng hòa âm có đáng ưa không?
- Bạch Thế Tôn, không.
- Ý ngươi nghĩ sao, nếu dây đàn chùng quá thì tiếng hòa âm có đáng ưa chăng?
- Bạch Thế Tôn, không.
- Ý ngươi nghĩ sao, nếu dây đàn vừa phải, không căng quá, cũng không chùng quá thì tiếng đàn có đáng ưa không?
Bạch Thế Tôn, đáng ưa.
- Cũng vậy, này Sa-môn, quá sức tinh tấn sẽ khiến tâm rối loạn, nhưng chẳng tinh tấn thì tâm sẽ biếng lười. Vì vậy ngươi hãy phân biệt thời gian nào nên quán sát tướng nào, chớ nên buông lung.
Tôn giả Sa-môn Nhị Thập Ức vâng lời Phật dạy, (sau đó)… chứng quả A-la-hán”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Sa-môn Nhị thập ức, số 123 [trích, lược])
Tu tập mà giải đãi, biếng nhác thì không tiến đạo, bị mọi người quở trách, động viên nên tinh tấn. Ấy vậy mà tinh tấn quá mức cũng không nên, bị Phật rầy. Bởi cố gắng quá mức thì căng thẳng, ức chế thân tâm, bất mãn và thất vọng, sinh ra thối thất là điều đương nhiên.
Trong khi an vui, hỷ lạc là chất liệu của thiền định, từ định Sơ thiền cho đến Tam thiền, hành giả sống trong hỷ lạc sung mãn. Tứ thiền thì xả hỷ lạc, nhất tâm, an tịnh tuyệt vời. Hạnh phúc của hỷ lạc vi diệu, thù thắng hơn hạnh phúc hưởng thọ ngũ dục của thế gian rất nhiều lần nên người tu thường vui trong nếp sống kham khổ, độc cư.
Cần lưu tâm đến lời Phật dạy “hãy phân biệt thời gian nào nên quán sát tướng nào”. Đây là kinh nghiệm quý giá khi hành thiền đồng thời là một tuệ giác lớn của trạch pháp. Cần linh động, điều chỉnh đề mục thiền sao cho sự dụng công tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác luôn đem đến an tịnh và hỷ lạc.
Tu tập cần trung đạo, cân bằng giữa tinh tấn và buông lung, cố gắng và giải đãi nhằm an trú tâm vào đề mục để thành tựu định. Tuy vậy, cốt lõi thiền Phật giáo là tuệ giác chứ không phải an định. Định tâm và hỷ lạc là chất liệu quan trọng để nuôi dưỡng thân tâm nhằm phát triển thiền tuệ; thấy biết thường trực về khổ-không-vô thường-vô ngã, chiếu phá mười kiết sử để chứng đắc bốn Thánh quả.