Xa xa có tiếng xe cộ vọng lại, ì ào, lao xao rồi chấm dứt, nơi đây cách khá xa đường phố, nhưng chính sự không tồn tại những âm thanh lớn, đã khiến thật nhiều thanh âm nhỏ lại trở nên nghe thấy được. Sự không tồn tại của những vật to lớn, làm cản tầm mắt, đã khiến những vật nhỏ nhiệm được nhìn thấy. Tương tự như thế, với tâm này, khi tham ái, sân hận, trạo cử, dao động, nghi ngờ, buồn ngủ dã dượi không hiện khởi cũng là lúc những phiền não vi tế chưa từng thấy, chưa từng biết trước đây, được phát hiện ra, được nhận thấy.
Sự tĩnh lặng, sự nhất tâm, sự chuyên chú đem đến cái thấy, cái biết rõ ràng và chi tiết. Quả thật là vậy. Khi bạn không có chăm chú quan sát một vật, bạn sẽ không bao giờ thấy rõ, cũng là vậy với tâm này, khi còn đang mãi suy tư đến những việc khác, không có sự tập trung, chúng ta cũng không thể có sự nhận biết toàn hảo với đối tượng đang nằm nơi giác quan.
Muốn có cái thấy, biết chính xác, rõ ràng, không còn có cách nào khác hơn là thực hiện các yếu tố khiến tâm an trú trong sự tĩnh lặng, nhất tâm và liên tục duy trì trạng thái đó.
Sở dĩ, còn có sự đau khổ là vì còn có sự chấp thủ, vì có sự nhìn nhận sai lầm về bản chất của thân, tâm, cảm thọ lạc, cảm thọ khổ nên có sự chấp thủ. Chính bởi thế, sự chấm hoàn toàn khổ đau chỉ có khi tâm thấy thật, biết thật về bản chất thân, tâm và các cảm thọ.
Thực tế khi tâm đã tĩnh lặng, thì chỉ có một việc duy nhất cần phải làm là quan sát, cảm nhận mọi thứ đang diễn ra, tất cả những suy đoán, hay kết luận ở đây đều là cản trở, vì chúng không có thật, chúng chỉ là ngôn ngữ chế định, sản phẩm của ảo ảnh. Vậy thì hãy hay biết, quan sát ảo ảnh, chúng ta sẽ nhận ra ảnh thật. Đừng chối bỏ hay bực bội với aỏ ảnh, vì đó là những tâm bất thiện.
Một trong những yếu tố quan trọng đem lại tĩnh lặng cho tâm, trước tiên chính là sự buông xả, nghỉ ngơi, thư giãn. Hễ khi nào tâm còn có những thứ phải lo toan, tính toán, nghĩ ngợi, nó sẽ nhanh chóng bị mệt mỏi và đương nhiên là không bao giờ bao giờ đạt đến trạng thái chuyên chú, nhất như.
Không chỉ có vậy, tâm tĩnh lặng chỉ là để thấy biết như thật, không phải để dính mắc. Trên thực tế, sự dính mắc vào ngũ dục, vào sự an tịnh, vào Tuệ Giác hay Niết Bàn cũng đều có sự đau khổ như nhau. Vì mọi pháp đều chịu sự biến đổi, hoại diệt, nhưng khi có sự dính mắc, là có tác ý muốn cái gì đó trường cửu, vĩnh hằng, đó là một mong muốn sai pháp, và như thế không bao giờ có thể thành tựu được.
Tất cả pháp nào mang lại an lạc, tất cả các pháp ấy đều có tính chất viễn ly, từ bỏ, không chấp thủ. Từ bỏ ít sẽ có an lạc ít, từ bỏ nhiều sẽ có an lạc nhiều, từ bỏ hoàn toàn và tuyệt đối, có an lạc hoàn toàn và tuyệt đối.
Bố thí là sự từ bỏ dính mắc vào sở hữu ngũ dục.
Giữ giới cũng là sự từ bỏ các hành động bất thiện.
Xuất ly là từ bỏ sự thọ hưởng ngũ dục.
Kham nhẫn là sự từ bỏ không dính mắc vào các cảm thọ lạc.
Tâm xả là sự từ bỏ với tất cả các loại cảm thọ.
Tinh Tấn, Trí Tuệ, Nguyện Lực, Chân Thật, Tâm Từ đều là các pháp hỗ trợ cho năm pháp từ bỏ đã nêu trên đi đến hoàn toàn, đạt đến từ bỏ không còn dư sót.
Mọi sự không từ bỏ đều đem đến sự phụ thuộc, mọi sự phụ thuộc đều nguy hại, bởi vì từ trong bản chất mọi thứ đều mong manh, không bền vững, tan hoại, do đó ở đây bất kỳ ai có sự phụ thuộc vào cái gì đó, người ấy bám vứu vào sự hoại diệt, chắc chắn phải chịu cách ách nạn, các hiểm nạn, là đau khổ, buồn rầu, tiếc nuối.
Quả thật chỉ đến khi buông xuống hoàn toàn các tầm tư, các tạo tác, chúng ta mới có một nội tâm vắng lặng.
Trong sự tĩnh lặng mới có sự thấy biết như thật.
Thấy biết như thật mới dẫn đến nhàm chán.
Có nhàm chán mới dẫn đến ly tham.
Có ly tham mới có an tịnh, vắng lặng, tịch tịch.
Khi cái ái đoạn tuyệt hoàn toàn chính là nơi không còn nắm giữ.
Không còn nắm giữ sẽ không có lưu chuyển.
Không có lưu chuyển sẽ là thanh lương, mát mẻ, lắng dịu hoàn toàn mọi cảm giác.
Và không còn có gì cần phải làm thêm nữa.
Thật sự là vậy, thật sự là như vậy.
Im lặng chỉ để lắng nghe.
Theo: Nơi bình yên tĩnh lặng
Các tin tức khác
- Pháp Phật là thuốc trị tâm bệnh cho chúng sanh (24/12/2013 3:01)
- Si mê (24/12/2013 3:00)
- Trái tim bình yên (23/12/2013 2:20)
- Bần cùng và giàu có (23/12/2013 1:57)
- Suy ngẫm về câu chuyện Đức Phật và hạt cải (20/12/2013 5:59)
- Đức Phật và vấn đề siêu nhiên huyền bí (20/12/2013 5:52)
- Vì bạo ác nổi mụn nhọt (20/12/2013 3:31)
- Một cành hoa trắng thiên thu (20/12/2013 2:19)
- Điều khó nhất trên đời (20/12/2013 2:01)
- Chiếc khăn sạch (18/12/2013 10:26)