Tôi có một người bạn đồng học hiện là giáo sư tại một trường đại học ở Hoa Kỳ, cũng là một nhà khoa học về thực phẩm nổi tiếng trên thế giới. Khi anh còn đang học trung học, bỗng nhiên mắc phải một cơn bệnh nặng. Cha mẹ đưa đi bác sĩ khắp nơi, làm rất nhiều xét nghiệm cực khổ.
Một hôm, tại Tổng Y Viện Vinh Dân, kết quả xét nghiệm tìm thấy trong phim chụp X Quang phần ngực của anh có một vết đen lạ. Nhưng lúc đó bác sĩ cũng chưa có kết quả chẩn đoán chính xác.
Người bạn học này của tôi vì chịu rất nhiều đau khổ nên khởi tâm từ bi, rất cảm thông với nỗi đau khổ của người khác.
Lúc học lên đến bậc đại học, anh bắt đầu học Phật pháp, lại còn phát tâm thọ trì Năm giới. Sau khi thọ giới, anh càng chí thành, tinh tấn...
Sau đó, khi đang học chương trình Cao Học ở Hoa Kỳ, bài vở và việc thực nghiệm rất bận rộn. Mỗi ngày anh phải thức đến 12h đêm hay 1h sáng. Lâu ngày, do học nhiều và làm việc quá sức, lại thiếu ngủ nghỉ cũng như ăn uống thất thường, nên dần dần anh thấy xuất hiện một số triệu chứng “Môi trở nên trắng bệch”.
Khi anh sắp lấy được học vị Thạc Sĩ, lần cuối cùng phải làm một cuộc thí nghiệm, đòi hỏi phải giết rất nhiều chuột trong khi thực hiện. Anh vốn đã có bản tính từ bi, lại thêm tinh thần trì giới, nên kiên quyết không làm việc sát sanh, quyết định từ bỏ học vị thạc sĩ sắp có được.
Người nhà và bè bạn đều chê trách: “Tại sao đã chịu cực khổ học hành ở Hoa Kỳ lâu như vậy mà cuối cùng lại bỏ đi? Biết bao người mong muốn có được học vị này, nay anh sắp có được sao lại từ bỏ? Chẳng lẽ chỉ vì không muốn giết chuột lại từ bỏ một công trình khó nhọc lâu ngày như vậy hay sao?”
Anh là một người rất ôn hòa nên không muốn biện luận, phân trần gì cả. Nhưng tâm từ bi và trí tuệ học Phật của anh đã vượt thắng lòng ham muốn công danh, lợi lộc của thế gian. Do đó, anh đổi ngành học để không còn phải sát sanh trong việc nghiên cứu.
Anh lại phải khó nhọc rất lâu, nhưng cuối cùng cũng có được học vị Thạc Sĩ. Do tích lũy sự mệt nhọc lâu ngày thành bệnh, và anh đã phát hiện ra mình mắc phải căn bệnh ung thư máu. Anh đã trải qua đủ mọi cách xét nghiệm khổ sở, anh cũng biết được tình trạng vô phương cứu chữa của mình nên từ chối nhập viện.
Anh kiên trì ăn chay trường, kiên trì và chí tâm niệm Phật. Trong thời gian này, anh lại tiếp tục đeo đuổi học vị Tiến Sĩ ở trường đại học Wisconsin tại Hoa Kỳ. Ở vào tình trạng bệnh tật như anh, đối với người khác hẳn đã không thể nào duy trì được ý chí và nghị lực, nhưng cuối cùng anh vẫn lấy được học vị Tiến Sĩ ở trường đại học Wisconsin.
Trong khi theo đuổi việc học tập, cho dù bận rộn đến đâu anh cũng không từ bỏ việc sớm tối tụng kinh, niệm Phật. Nhờ sức Phật gia hộ, cũng như nhờ sức công đức giữ giới không sát sanh, thành tâm niệm Phật, khiến anh có thể duy trì được cuộc sống an lạc, bình thường. Đây là một sự cảm ứng âm thầm không thể nghĩ bàn.
Sau một thời gian, anh đi khám bệnh và xét nghiệm lại, bác sĩ đã tuyên bố anh khỏi hẳn bệnh ung thư máu trước sự ngạc nhiên của giới y khoa...
Qua câu chuyện của người bạn nói trên, tôi nhận ra rằng ai có tâm từ bi thì người đó có một phước báu đặc biệt. Phóng sanh chính là sự khai phóng, sinh khởi lòng từ bi. Anh thà từ bỏ học vị mà mọi người mong muốn để giữ lại mạng sống cho những con chuột thí nghiệm. Khi làm như vậy, anh vốn cũng không có chỗ mong cầu, chỉ vì không đành lòng trước nỗi đau khổ của chúng sanh, lại tôn trọng giới luật của đức Phật nên quyết không sát sanh.
Anh đã ở vào tình trạng kiên quyết “thà trì giới mà chết”, nhưng kết quả ngược lại đã không chết mà cũng không phải khổ!
Anh hiện nay còn có thể đi đến các nơi trên thế giới để diễn giảng học thuật, sắc mặt cũng hồng hào, bình thường trở lại.
Khi mạng sống của chúng ta kết thúc, cho dù tiền bạc có nhiều bao nhiêu, học vị có cao bao nhiêu cũng không cách nào mua lại được một phút sinh mạng. Sinh mạng đáng quý như vậy, cho dù là một con trùng nhỏ, chúng ta cũng không cách nào khiến nó đã chết rồi sống lại. Cho nên khi nó còn sống, phải biết trân quý, tôn trọng sự sống tự do, an ổn của nó.
Lúc bình thường, chỉ cần dùng rất ít tiền bạc là có thể cứu giúp, tránh được sự sợ hãi của loài vật khi bị giết, có thể đem lại cho nó sự sống, sao ta lại không chịu làm? Nếu chúng ta thử đặt mình vào tâm trạng phải đối diện với cái chết, hoặc bỗng nhiên mạng sống bị rơi vào trong tay kẻ khác, sắp bị giết hại, thì chúng ta sẽ cảm nhận ngay được tâm trạng khát vọng, mong mỏi được phóng sanh như thế nào!
“Không nỡ để chúng sanh khổ,
Không nỡ để thánh giáo suy.
Do nhân duyên như vậy,
Phát khởi tâm đại bi”.
Bác sĩ Quách Huệ Chân
Các tin tức khác
- Cái gì rồi cũng đến, đến rồi qua, qua rồi mất ( 1/02/2023 8:37)
- Tình ái và dục vọng là tảng đá buộc chân người tu đạo (31/01/2023 9:17)
- Con đường đi đến sự giàu sang (31/01/2023 9:09)
- Danh tướng (31/01/2023 8:57)
- Hòa thượng Thích Trí Quảng: Xả bỏ tham cầu mới có bình an thực sự (31/01/2023 8:52)
- Đức Đạt Lai Lạt Ma: Đừng sợ hãi khi bí mật của tính cách bị khám phá (30/01/2023 9:32)
- Thần Táo, Thần Tài và Thổ Địa có thể giúp cho ta phát tài được không? (30/01/2023 9:28)
- Lời hứa gió bay: Thề độc phải chịu quả báo tàn khốc (30/01/2023 9:01)
- Những ngày tâm còn động (29/01/2023 8:57)
- Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ: "Niềm vui chân thật" (29/01/2023 8:51)