Tình ái thế gian là mê hoặc, điên đảo

25/03/2023 8:31
Chúng ta thấy vấn đề này rất nghiêm trọng, chẳng biết tất cả hết thảy phiền phức đều do tình chiêu cảm. Phiền phức to lớn là luân hồi sanh tử trong lục đạo. Nếu chẳng có thứ này, thưa cùng chư vị, tất cả phiền não đều chẳng có, sanh tử luân hồi cũng chẳng có.

“Dĩ tình phân biệt, nhất thiết giai tà, ly tình phân biệt, nhất thiết giai chánh” (dùng tình để phân biệt, hết thảy đều tà. Lìa tình phân biệt, hết thảy đều chánh), nay chúng ta gọi “tình” là cảm tình. Thứ này rất phiền, người thế gian coi nó rất nặng: Con người chẳng có tình cảm thì đáng sợ quá, như vậy là không được rồi! Chúng ta thấy vấn đề này rất nghiêm trọng, chẳng biết tất cả hết thảy phiền phức đều do tình chiêu cảm. Phiền phức to lớn là luân hồi sanh tử trong lục đạo. Nếu chẳng có thứ này, thưa cùng chư vị, tất cả phiền não đều chẳng có, sanh tử luân hồi cũng chẳng có. Nó chẳng phải là thứ tốt đẹp, cớ sao lại coi trọng nó dường ấy, chẳng chịu buông xuống.

Có những kẻ chẳng hiểu rõ chân tướng sự thật này, nghe nói đức Phật dạy phải đoạn tình, bèn nẩy sanh một quan niệm sai lầm: “Chớ nên học Phật, người học Phật vô tình, biến thành phường ‘vô tình vô nghĩa’ như thế tục thường nói, chẳng thể học Phật!”

Thật ra, tôi thưa cùng chư vị, cái tình như người thế gian chấp trước là giả tình, giả ý. Chân tình của Phật, Bồ Tát là chân tình thật ý. Vì sao? Tình và trí là một thứ, đã mê bèn gọi là Tình, hễ giác ngộ thì gọi là Trí. Thay đổi tên, nhưng trên thực tế là cùng một chuyện. Trí là gì? Trí là Tình chân thật, vĩnh viễn không thay đổi. Cái Tình như quý vị vừa nói chính là Trí bị mê hoặc, nên nó chẳng phải là thứ tốt đẹp.

Phật pháp đặt cho nó một tên gọi, Phật pháp nói “từ bi” thì từ bi là lý trí. Tình ái thế gian là mê hoặc, điên đảo. Nói thật ra, từ bi và ái tình là cùng một chuyện, làm sao có thể nói Phật vô tình? Phật mới có cảm tình chân thật.

Trước kia, khi tôi theo học Triết với tiên sinh Phương Đông Mỹ, cụ đã bảo tôi: “Một triết gia là người có cảm tình phong phú nhất. Chẳng có cảm tình sẽ không thể học triết học”. Lại thưa cùng quý vị, chẳng có cảm tình chân thật sẽ không thể thành Phật, không thể thành Bồ Tát, cùng một đạo lý. Giả tình, giả ý chẳng thể học Phật, học Phật phải là cảm tình chân thật. Cảm tình chân thật, thay đổi tên gọi bèn thành “trí”.

Vì vậy, Trí và Tình là một, chẳng hai, một đằng giác, một đằng mê. Ở đây nói “dùng tình để phân biệt”, đó là mê tình. Dùng tình chấp để phân biệt hết thảy các pháp thì hết thảy các pháp đều tà. Rời lìa mê tình, quý vị phân biệt hết thảy các pháp, hết thảy các pháp đều chánh, phải biết điều này. 


HT. Tịnh Không

Các tin tức khác

Back to top