Hóa giải lòng oán hận sâu nặng theo lời dạy của Hòa thượng Tịnh Không

27/03/2023 8:16
Theo Phật pháp, mỗi người đời đời kiếp kiếp đều có chủng tử oán hận trong A Lại Da thức. Người người cùng ở với nhau, luôn cảm thấy không vừa mắt, điều này ai cũng có thể kiểm nghiệm, bất luận thấy người nào, việc gì cũng đều không vừa lòng, đều thấy không vui.

Tất cả chúng ta hãy đồng khích lệ lẫn nhau. Người xưa nói “nhiên tắc thánh nhân, thường thọ thiên hạ chi trách” là người tốt, học thánh hiền, đi con đường chánh pháp, ắt sẽ có nhiều người đố kỵ, hủy báng, nhục mạ, chúng ta phải chịu trách cứ của thiên hạ, không nên phát khởi oán hận trách cứ người khác thì oán hận từ vô lượng kiếp mới có thể hóa giải được.

Hóa giải vì cuộc sống hạnh phúc trên bình diện toàn cầu

Đối với người tu tịnh độ, hóa giải xung đột vô cùng quan trọng. Trong các kinh điển, Thế Tôn đã giới thiệu thế giới cực lạc là thế giới hòa bình, bình đẳng, nơi các bậc thượng thiện tụ hội. Nếu tâm không bình đẳng, giờ phút nào cũng mang nỗi oán hận, nhất định sẽ chướng ngại việc vãng sinh. Người vãng sinh tâm phải thanh tịnh, các tổ sư vẫn thường nói “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”, hay nói cách khác, tâm không thanh tịnh, thì bất luận người đó dụng công thế nào, có niệm hàng vạn danh hiệu đức Phật cũng không thể vãng sinh:

“Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn

Đau mồm rát họng chỉ uổng công”

Cho nên, phải xem việc này là việc lớn để lo liệu. Không nên cho rằng việc niệm Phật cầu vãng sinh không liên quan tới an định xã hội và hòa bình thế giới. Trước khi vãng sinh, giải thoát trở thành kẻ đại tự tại thì trước tiên chúng ta phải làm cho xã hội an định. Được như vậy, mới chắc chắn có thể vãng sinh tịnh độ, cùng Phật đồng tâm, đồng nguyện, đồng đức, và đồng hạnh. Chúng tôi đã hai lần tham gia hội nghị hòa bình của Liên Hiệp quốc, đặc biệt lần ở Cang Sơn Nhật Bản, cảm xúc rất sâu sắc về vấn đề này.

Theo Phật pháp, mỗi người đời đời kiếp kiếp đều có chủng tử oán hận trong A Lại Da thức. Người người cùng ở với nhau, luôn cảm thấy không vừa mắt, điều này ai cũng có thể kiểm nghiệm, bất luận thấy người nào, việc gì cũng đều không vừa lòng, đều thấy không vui. Đó là oán hận tích lũy từ vô lượng kiếp, nếu đồng thời bộc phát ra, thế giới này sẽ bị hủy diệt như các tôn giáo phương Tây từng dự đoán. Ngày tàn chính là toàn thế giới bị hủy diệt, trở lại từ đầu.

Xã hội thế gian vào thời kỳ có nhiều người tu tập, nhờ vậy mà bạo phát không xuất hiện. Nhưng tương lai khó ai biết trước. Một số ghi chép gần đây trên internet cho biết, cậu bé bảy tuổi đầu thai đến thế giới này sau khi mãn một kiếp ở hỏa tinh. Tuổi tác tuy rất nhỏ, nhưng trí tuệ, năng lực hơn hẳn các nghiên cứu sinh đại học. Cậu cho biết, quả địa cầu này vào mấy trăm vạn năm trước đã từng bị hủy diệt, chìm xuống đáy biển. Nơi đó hiện giờ chính là Ấn Độ Dương. Các nhà khảo cổ học không thể kiểm chứng được vì sự việc xảy ra quá lâu trong khi năng lực nghiên cứu hiện tượng lịch sử chỉ có thể thực hiện trong khoảng vài nghìn năm, như nổi bật nhất là sự kiện của cách đây 5000 năm, một mảng đại lục chìm vào đáy biển Đại Tây Dương.

Một mảng đại lục chìm xuống Ấn Độ Dương hàng trăm vạn năm đến nay mới được tiết lộ bởi cậu bé bảy tuổi này. Có thể hiểu oán khí nhiều đời cùng lúc bạo phát mà nhà Phật vẫn nói “Cảnh tùy tâm chuyển”. Cũng vậy, nếu mỗi người đều có lòng oán hận, thế giới này ắt sẽ hủy diệt. Ngược lại, mỗi người đều hoan hỉ, đều có tâm yêu thương, thế giới trở thành cực lạc. Ta bà và cực lạc thực ra không hề khác biệt. Thế giới cực lạc không phải do Phật A Di Đà tạo, ta bà của chúng ta cũng không phải do thượng đế, vua Diêm La làm chủ tể, mà kinh Phật nói chính nơi tâm chúng ta làm chủ. Tâm khởi niệm thiện, thế giới mọi thứ đều thiện, người người đều thiện, không có gì bất thiện, thế giới này chính là Hoa Tạng, là cực lạc. Đức Phật thường nói “Tất cả pháp do tâm tưởng sinh”, người thế gian cũng thường nói “Tâm nghĩ sự thành”. Ta nghĩ đến thế giới cực lạc thì thế giới cực lạc liền hình thành; ta nghĩ thế giới này an định, mọi người đối xử bình đẳng, hòa thuận với nhau, không chỉ mình ta nghĩ mà mọi người cùng nghĩ, chắc chắn sẽ thành tựu. “Tâm nghĩ sự thành” thế tại sao chúng ta lại không chịu nghĩ tốt?

Hóa giải xung đột gia đình

Hiện tượng không hoà thuận trong gia đình rất phổ biến, vợ chồng bất hòa, xung đột thường xảy ra. Nguyên nhân do đâu? Do quan niệm mình đúng, người khác không đúng; cả hai đều nhìn thấy không đúng của đối phương thì làm sao có thể hòa thuận. Trước khi kết hôn, chúng ta thường nhìn người yêu với con mắt lý tưởng hóa, mọi thứ thuộc về người đó đều đẹp, đều vừa mắt, nhờ vậy mới có thể đi đến kết hôn. Đó là trạng thái tâm lý trước hôn nhân. Tuy nhiên, nếu vĩnh viễn nghĩ đối phương là đúng, là tốt, khi có mâu thuẫn, chúng ta dành phần sai về mình, cam kết sửa đổi thì gia hòa vạn sự hưng. Ghi nhớ cái tốt của người mới có thể hòa thuận, có thể hóa giải xung đột, và thực sự xúc tiến an định hòa bình. Gia đình là tế bào của xã hội, là tổ chức cơ bản nhất. Nhà nhà hòa thuận thì xã hội hòa thuận, đất nước giàu mạnh. Mọi người đều phản tỉnh, đều biết khuyết điểm ở chính mình. Nói người khác sai chính là sai lầm to lớn. Ngày nay, đa số chúng ta phạm phải sai lầm này. Người khác làm gì có sai lầm, đạo lý này hiếm người hiểu được, chỉ có Phật Bồ Tát hiểu. Vì sao nói người khác thảy đều không có lỗi? Vì sai ở ngay chính chúng ta.

“Cảnh tùy tâm chuyển”, tâm là tâm của chính mình, bên ngoài là cảnh giới tùy theo tâm mình mà thay đổi. Bên ngoài bất thiện do tâm ta bất thiện, chính ta chuyển cảnh giới thành bất thiện. Khi tâm thiện rồi, cảnh giới bên ngoài chẳng phải thiện hết rồi sao? Cho nên hãy nghĩ lại xem sai là do đâu, sai ở chính mình do phiền não tập khí khởi hiện hành. Giới-Định-Huệ không khởi hiện tiền, đức Phật thường giảng trong đại kinh “tất cả chúng sinh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai”, trí tuệ đức tướng của chúng ta không thể hiện bày, do tham sân si mạn, tự tư tự lợi,... khởi hiện hành làm cho con người xảy ra xung đột, còn nếu là trí tuệ đức hạnh tướng hảo thì sẽ không xảy ra xung đột lẫn nhau. Vì chính tâm chúng ta không tốt, trong tâm có tự tư tự lợi, có danh vọng lợi dưỡng, có tham sân si mạn, có năm dục sáu trần, nên sai lầm lớn là ở chính mình. Trong kinh giáo đại thừa đức Phật thường nói: “trong tự tánh thảy đều không có”. Đại sư Huệ Năng là người khai ngộ, trong đàn kinh ngài cũng nói “vốn dĩ không một vật, chỗ nào dính bụi trần”. Trong tâm thanh tịnh, trong chân như bổn tánh của chính mình không hề có thứ gì, trong sạch thuần khiết, chỉ có trí tuệ, đức tướng. Mê mất đi tự tánh của chúng ta, đem trí tuệ biến thành phiền não, đem đức năng biến thành ác trược, việc xấu nào cũng làm, đem tướng hảo biến thành thô xấu, biến thành đời ác năm trược, biến thành ba cõi sáu đường, do đâu mà ra? Do chính chúng ta biến hóa ra. Tự mình biến ra, tự mình hưởng thọ, thì còn có thể trách ai.

Cho nên nói sai là hoàn toàn sai ở chính mình. Thực tế hiện tại mọi người đều sai, cả thế gian đều sai. Do đó người giác ngộ rất khổ, người giác ngộ không thể cứu nổi thế gian. Tuy nhiên người giác ngộ có thể cứu chính mình, chúng sinh mê hoặc cùng với người giác ngộ bất hòa, người giác ngộ có thể hòa thuận với chúng sinh mê hoặc, vì người giác ngộ không tranh với họ. Họ muốn tiền, chúng ta đưa tiền, muốn danh đưa danh, muốn thứ gì, ta cho thứ đó. Chúng ta không mong cầu thì không xảy ra xung đột. Vì cả hai cùng tham cầu nên mới xảy ra xung đột. Người mê cho rằng nếu không tranh thì không được, người trí hiểu rõ nhường nơi này, thì lại được ở nơi kia, có khi còn được nhiều hơn cái đã cho. Càng xả càng được nhiều, không cần phải cầu. Đó là đạo lý đức Phật đã dạy nhưng đáng tiếc, chúng sinh lại không tin. 


Hòa thượng Tịnh Không

Các tin tức khác

Back to top