Thiên nữ thuộc cõi trời, phước nhiều hơn ta một bậc. Long nữ thuộc loài Rồng, súc sanh thấp hơn ta một cấp. Nhưng hai vị này đều ở trong Nhất Phật thừa, thành tựu được quả vị cứu cánh viên mãn. Để thấy rằng tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, quan trọng là phải nhớ gốc Phật của chính mình.
Giáo pháp của Phật như nước trăm sông đổ về biển, ai hữu duyên được tắm mình trong dòng nước đều nếm vị giải thoát như nhau. Vì vậy người nữ vẫn thành tựu được quả vị Phật. Nói như vậy có chủ quan lắm không?
Trong khi kinh Pháp Hoa phẩm Đề Bà Đạt Đa, đại trí Xá Lợi Phất nói thân gái có năm điều chướng:
- Chẳng được làm Phạm thiên vương.
- Chẳng được làm Đế Thích.
- Chẳng được làm Ma vương.
- Chẳng được làm Chuyển Luân Thánh vương.
- Chẳng được làm Phật.
Thân gái làm Ma vương còn không được, huống nữa là làm Phật? Nhưng Long nữ vẫn thành Phật ngay sau câu nói của tôn giả.
Khi ấy, Long nữ dâng hạt châu lên Phật, Phật liền nhận lấy.
Long nữ hỏi: “Tôi hiến châu báu, đức Thế Tôn nạp thọ, việc đó có mau chăng?”
Xá Lợi Phất đáp: “Rất mau”.
Long nữ nói: “Lấy sức thần của các ông xem tôi thành Phật lại mau hơn việc đó”.
Nói xong, Long nữ chuyển nữ thành nam, liền bay qua nước Vô Cấu ở Phương Nam, ngồi tòa sen báu thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác.
Chuyện Long nữ thành Phật không phải là chờ chuyển qua thân nam, bay đến nước Vô Cấu. Mà lúc dâng hạt châu Phật nhận. Ngay khi Long nữ báo cho Xá Lợi Phất biết: Ngài hãy xem tôi dâng hạt châu cúng dường Phật đây. Khi Long nữ dâng châu, Xá Lợi Phất chú mục nhìn vô, rất là rõ. Ngay khi đó tôn giả Xá Lợi Phất nhận ra là xong rồi. Cái gì thấy dâng hạt châu? Tánh thấy luôn hằng hữu, thành Phật sẵn rồi. Nhưng tôn giả chỉ thấy Long nữ dâng châu, chứ không thấy được chuyện Long nữ thành Phật theo như ý Long nữ muốn trình bày. Nên buộc lòng Long nữ phải bay đến nước Vô Cấu chuyển qua thân nam thành bậc Chánh Giác. Đi một vòng để thấy được diệu dụng bất tư nghì của một chúng sanh đã thành tựu, muốn hiện thân nam thì hiện nam, cần hiện tướng nữ thì hiện nữ, thể dụng tròn đầy. Cho nên thành Phật không có tướng nam nữ, nếu ai nhận và sống được với Phật tâm chính mình thì là Phật. Mê tâm là chúng sanh, giác tâm là Phật. Nếu chúng ta giác liên tục làm Phật liên tục. Nếu chút giác chút mê là chút Phật chút chúng sanh. Đi hoài trong sáu đường. Nhưng đừng có than, vì đôi khi ta chấp nhận như vậy.
Sở dĩ tôn giả Xá Lợi Phất đưa ra năm điều chướng đối với người nữ, vì Ngài nhìn trên nghiệp tướng của chúng sanh. Thấy người nữ nghiệp nặng hơn người nam, nên không thể làm Phạm thiên, Đế Thích… không thể thành tựu Phật quả ngay khi còn mang thân người nữ. Điều này để người nữ ý thức rằng phải biết khiêm cung thấp mình hơn nữa, không nên tự mãn. Được như vậy mới gần với đạo và không bị chướng trên đường tu. Tuy nhiên, đứng trên tinh thần Đại thừa “tất cả chúng sanh đều đã thành Phật”, Phật nhân đã có sẵn chỉ cần quay trở về gốc thì thời gian bao nhiêu không đáng kể. Như Thắng Man phu nhân phải quá hai vạn a tăng kỳ kiếp làm vô số Phật sự, mới được thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nhưng Thắng Man phu nhân rất hoan hỷ, vì Người đã nhiếp thọ chánh pháp, hằng sống với bản tâm nên thời gian không quan trọng, dù cho triệu triệu vô số a tăng kỳ kiếp cũng không sao. Chúng ta còn ngán thời gian, ngán thân nam thân nữ, ngán làm trời, người, a tu la, súc sanh… là vì ta chưa nhận được tâm chân thật, nên chưa vượt được a tăng kỳ kiếp trong một sát na. Nếu chúng ta luôn sống với cái thực tại hiện tiền là đốt được thời gian. Hằng biết không có thời gian, không gian. Chỉ biết không thêm niệm thứ hai, đâu có tướng nam nữ xen vào.
Cho nên trong kinh Duy Ma Cật phẩm Quán Chúng Sanh, Xá Lợi Phất hỏi Thiên nữ:
- Vì sao ngươi không chuyển thân nữ kia đi?
Thiên nữ đáp:
- Mười hai năm tôi tìm kiếm tướng nữ nhơn hẳn không đặng, phải chuyển đổi cái gì?
Thiên nữ ở trong thất ngài Duy Ma Cật mười hai năm, không tìm thấy tướng nữ nhơn là vì Người chỉ nghe Đại thừa của Bồ-tát và pháp bất tư nghì của chư Phật. Như người vào rừng Chiêm Bặc, chỉ ngửi mùi hương Chiêm Bặc, không ngửi mùi hương nào khác. Thiên nữ chỉ ngửi mùi hương bất tư nghì giải thoát, hằng sống với Phật tâm nên chẳng kẹt nơi hình tướng. Nếu chúng ta luôn sống với tánh giác thì ta là Phật, thế thôi. Không có Phật nam hay Phật nữ. Tất cả pháp không có tướng nhất định. Thân nam hay nữ đều là tứ đại, duyên hợp, huyễn hóa, vô thường rồi cũng rã tan. Chỉ có tâm bất sanh bất diệt là thường còn, cái không hình tướng mới là thật tướng của mỗi chúng sanh. Do đó dù nam hay nữ; trời, người hay súc sanh nếu sống trở về gốc đều là Phật.
Linh Cẩn (Thiền viện Linh Chiếu)
Các tin tức khác
- Người chăn bò Nanda (13/01/2014 9:48)
- Chỉ tâm chẳng sanh diệt là tuyệt đối (11/01/2014 2:47)
- Thắng mình là trên hết (10/01/2014 1:02)
- Ý nghĩa Đức Phật thành Đạo (10/01/2014 12:36)
- Đức Phật dạy quan sát ( 8/01/2014 11:17)
- Không lầm nhân quả ( 7/01/2014 11:21)
- Nước sơn ( 7/01/2014 12:17)
- Lão hồ ly ( 7/01/2014 12:15)
- Lời di huấn sau cùng của Đức Phật ( 6/01/2014 6:17)
- Phương pháp thực tập chánh niệm ( 5/01/2014 4:21)