Ngài dung mạo lạ thường, đi như trâu, nhìn như cọp, lưỡi dài quá mũi, dưới hai bàn chân có khu ốc. Lúc nhỏ ngài rất ít nói, cũng không đùa nghịch như các trẻ khác, thường lên chùa học kinh gõ mõ cùng các chú tiểu. Thầy trụ trì nhận ngài làm tục gia đệ tử, dạy các kinh Lăng-già và Kim Cương, ngài chỉ nghe một lần là thuộc. Thầy dạy ngài đến Từ Châu tìm Hoà thượng Đường học đạo. Ngài về nhà xin phép cha mẹ được chấp thuận. Đến Từ Châu gặp Hoà thượng Đường, Hoà thượng hỏi nguyên nhân muốn xuất gia: có phải vì cha mẹ mất, thi trượt, thất tình hay khổ tâm nào khác? Ngài thưa:
- Đều không phải, con chỉ muốn học thành Phật.
- Phật không thể học thành, học chỉ là ngôn ngữ có thành cũng chỉ là Phật gỗ Phật bùn.
- Phật không thể học thành tại sao ánh mắt Sư phụ lại tỏ đầy trí tuệ? Mãnh hổ trải qua huấn luyện cũng thành hiền từ. Đạt-ma dùng nhánh lau qua sông mà Thiền pháp được truyền khắp thiên hạ, sao nói Phật không thể học?
- Nói hay lắm, ngày mai sẽ xuống tóc cho con.
Hôm sau, Hoà thượng Đường đặt pháp danh cho Mã Câu là Đạo Nhất.
Sư phụ sắp tịch, dạy ngài tới nương sư huynh Vô Tướng là đệ tử truyền y của Hoà thượng. Lại dạy đến Du Châu thọ cụ túc giới với Luật sư Viên. Sau đó theo lời khuyên, ngài đến tập thiền tại viện truyền pháp ở Nam Nhạc.
Thấy ngài siêng ngồi thiền, thiền sư Hoài Nhượng hỏi:
- Ðại đức ngồi thiền để làm gì?
Ðạo Nhất thưa:
- Ðể làm Phật.
Sư lấy cục gạch mài trên hòn đá Ðạo Nhất ngồi. Ðạo Nhất thấy lạ hỏi:
- Thầy mài gạch để làm gì?
- Mài để làm gương.
- Mài gạch đâu có thể thành gương được?
- Ngồi thiền đâu có thể thành Phật được?
- Vậy làm thế nào mới phải?
- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là phải? đánh trâu là phải?
Ðạo Nhất lặng thinh, Sư nói tiếp:
- Ngươi học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định, đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả. Ngươi nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi chẳng đạt ý kia.
Ðạo Nhất nghe như uống đề-hồ, xin Sư chỉ dạy pháp yếu, được khai ngộ tâm ý siêu nhiên, theo hầu Sư suốt mười năm, ngày càng nhận sâu lý đạo. Một lần theo thầy ra ngoài, thấy dân sơn cước quảy những bó củi lẫn đồ vật, trong có mảnh gương lấp lánh, ngài xúc động nghi tình hỏi sư phụ:
- Gương chiếu người rồi ánh sáng đi đâu?
Sư cười hỏi ngược lại:
- Hình ảnh ông lúc trẻ thơ giờ ở đâu?
Ðạo Nhất nghe liền ngộ. Tổ bỗng hỏi:
- Đạo Nhất, giọng nói của ông có phải là người Tứ Xuyên không?
- Con người Hán Châu.
- Tôi nghe nói ông xuống tóc với Xứ Tịnh ở Tư Châu, thọ đại giới với Luật sư Viên ở Du Châu mà?
- Dạ, nhà con ở Thập Đô gần La Hán Tự.
- Cái gì? Thập Đô, La Hán Tự? Lúc chưa xuất gia ông tên gì?
- Dạ, Mã Câu.
- Đạo Nhất! Canh ba đêm nay ông đến phòng tôi.
Canh ba Đạo Nhất đến phương trượng, Hoài Nhượng kể lại lúc Sư khế hội nơi Lục Tổ, ngài thưa:
- Sư phụ, đoạn công án này chúng đệ tử đều thuộc nằm lòng sao nửa đêm Thầy còn kể cho con nghe?
- Đúng vậy, có một chi tiết chỉ có Lục Tổ và tôi biết, nay tôi nói cho ông nghe.
Sư bèn thuật cho ngài nghe lời sấm ký của tổ Bát-nhã-đa-la và chuyện Lục Tổ một hôm đang ngồi thiền thấy một con tuấn mã phi thẳng đến trước mặt, cất vó lên trời hý vang. Tổ giật mình ra khỏi đại định. Mới đầu Tổ cho là ma cảnh, nhưng bỗng nghe tiếng nói bên tai: “Huệ Năng, đây không phải ma cảnh, mà là điềm báo sau này dưới trướng học trò ông xuất hiện một nhân tài sẽ dương danh Thiền pháp khắp thiên hạ.” Sư bảo:
- Tất cả đều ứng hợp vào ông, ông hãy hoằng dương Phật pháp, không nên ở lại đây lâu.
Từ biệt thầy, Đạo Nhất đi hoằng đạo các nơi, sau trụ Giang Tây, cùng ngài Thạch Đầu là hai cửa cam lồ cho người học, mở ra thời kỳ rực rỡ của thiền tông Phật giáo. Ngài họ Mã nên người đời kính trọng gọi là Mã Tổ.
Đó là vài hình ảnh tuấn mã gắn liền những sự kiện với nhân vật có ảnh hưởng lớn đến lịch sử phát triển Phật giáo. Việt Nam có chú ngựa sắt hét ra lửa cùng Thánh Gióng xông pha “sát tặc”. Và cậu bé làng Phù Đổng đã đi vào truyền thuyết sử Phật giáo - Dân tộc, hoá thân thành Sóc Thiên Vương hay Tỳ-sa-môn Thiên Vương, một vị thiên thần hộ pháp - hộ quốc. Tư liệu còn ghi chuyện ngài đã báo mộng cho vị quốc sư ba triều đại - Khuông Việt Ngô Chân Lưu.
Ngựa còn hiện diện trải dài trong tam tạng giáo, không thể kể hết ra, chỉ xin trích đôi câu kinh Pháp Cú:
Pháp cú 29:
Tinh tấn giữa đám người buông lung, tỉnh táo giữa đám người mê ngủ, kẻ trí như con tuấn mã thẳng tiến, bỏ lại sau lưng con ngựa gầy hèn.
Pháp cú 140:
Biết lấy điều hổ thẹn để tự cấm ngăn mình, thế gian ít người làm được. Nhưng người đã làm được, họ khéo tránh điều khổ nhục như ngựa hay khéo tránh roi da.
Phải chăng câu pháp cú này là tiền thân của công án Ngựa Hay Bóng Roi nổi tiếng trong thiền môn? Công án như sau:
Ngoại đạo hỏi Phật: - Chẳng hỏi có lời, chẳng hỏi không lời?
Thế Tôn lặng thinh giây lâu.
Ngoại đạo tán thán: - Thế Tôn đại từ đại bi vẹt mây mù cho con, khiến con được vào.
Ngoại đạo đi rồi, A-nan hỏi Phật:
- Ngoại đạo chứng được cái gì mà nói được vào?
Phật bảo: - Như ngựa hay ở đời, thấy bóng roi liền chạy.
Có lẽ đã khá nhiều chuyện, xin tạm ngưng tại đây. Kính chúc quý chư tôn Thiền đức Tăng Ni và Phật tử năm mới pháp thể khinh an, thân tâm thường lạc, mã đáo thành công Phật sự viên thành.
Theo Thường Chiếu - Trích Năm Ngọ nói chuyện Ngựa trong cửa thiền
Các tin tức khác
- Tu hành như kẻ đào giếng (29/01/2014 3:40)
- Năm pháp bình đẳng (28/01/2014 9:49)
- Hạnh phúc hay khổ đau (28/01/2014 12:02)
- Bánh chưng (27/01/2014 11:26)
- Xuân tự sự (24/01/2014 5:52)
- Con đường về (24/01/2014 5:36)
- Tu hạnh quét rác (24/01/2014 12:05)
- Mê ngộ khác nhau (23/01/2014 11:17)
- Người chăn bò khéo giỏi (23/01/2014 3:47)
- Thiền sư Pháp Dung (21/01/2014 10:37)