Ý nghĩa kinh Vô lượng nghĩa và định Vô lượng nghĩa trong kinh Pháp hoa

9/07/2023 8:04
Mở đầu kinh Pháp hoa , Phật vì Bồ-tát mà nói kinh Vô lượng nghĩa , dạy cho Bồ-tát những pháp bí yếu của Như Lai tu chứng. Nói xong, Ngài nhập Vô lượng nghĩa xứ tam muội là định Vô lượng nghĩa.

Điều này cho thấy kinh Pháp hoa có mặt văn tự trên cuộc đời và mặt thực hành trong tâm, kết hợp hai mặt này mới trọn vẹn kinh Pháp hoa.

Vô lượng nghĩa xứ kinh là văn tự kinh và Vô lượng nghĩa xứ tam muội cũng là kinh, nhưng là vô tự chơn kinh, hay Bổn môn Pháp hoa mà những người tu có thực tập kinh mới hiểu được, không thể giải thích được, thường diễn tả là rất mầu nhiệm, nên người học rộng cũng không hiểu được pháp bí yếu của Như Lai.

Đạo tràng Pháp Hoa chúng ta tu Bổn môn, tức chúng ta muốn tìm hiểu nghĩa lý sâu xa trong kinh gọi là định Vô lượng nghĩa. Nhưng muốn có định Vô lượng nghĩa phải có kinh văn tự trước. Vì vậy, Phật tử nghe giảng xong phải thực tập Vô lượng nghĩa mà Phật muốn dạy. Đừng chấp pháp cố định, vì không có pháp cố định nào làm cho người ta chứng Vô thượng Bồ-đề. Thật vậy, các pháp do nhân duyên sanh, tùy theo hiểu biết và nghiệp lực của mỗi người khác nhau, nên hiểu không giống nhau. Người có trình độ cao hay thấp sẽ có sự hiểu biết tương ưng với cái thấy cao hay thấp của họ. Cái nào cũng đúng, ai tu cũng đúng, không sai, chúng ta không tranh cãi.

Vô lượng nghĩa bao nhiếp tất cả các pháp thiện. Và kinh Vô lượng nghĩa có ba pháp chính là đạo đức, trí tuệ và làm lợi ích cho chúng sanh. Chúng ta tu theo kinh Pháp hoa không ngoài ba nghĩa này. 

Sống trên cuộc đời, điều quan trọng nhất là đạo đức. Người không có đạo đức coi như bỏ đi. Vì vậy, tu hành, chúng ta rèn luyện thành người đạo đức. Theo tôi, sống như thế nào mà không làm phiền người khác và không làm mất lòng người thì ra đi thanh thản. Thực tế tôi thấy người không làm lợi ích nhưng cũng không làm phiền người khác, họ thường ra đi nhẹ nhàng. Nhưng người làm được nhiều việc cũng dễ làm mất lòng người khiến họ ra đi còn bị nặng lòng.

Ta biết cuộc đời này là quán trọ. Từ khi sanh ra, đến lớn lên rồi già chết, Phật nói mình đã dành hai phần ba cuộc đời cho việc ăn, ngủ, mình chỉ còn một phần ba cuộc đời. Nhưng nhìn kỹ mười năm đầu của một phần ba cuộc đời, mình còn quá nhỏ, chưa làm được gì và mười năm cuối của một phần ba cuộc đời, nếu thọ đến 60 hay 70 tuổi thì cũng không làm được gì nữa. Vậy khoảng giữa của mười năm đầu và mười năm cuối, mình làm được bao nhiêu, nhưng khoảng này mình lại dành nhiều thì giờ cho việc phải trái hơn thua, ăn ngủ, vì thế, việc ra đi không được vui vẻ. Phật bảo phải xả bỏ những ấm ức trong lòng.

Ý nghĩa kinh Vô lượng nghĩa và định Vô lượng nghĩa trong kinh Pháp hoa  ảnh 1

Thiết nghĩ người đời luôn cố gắng làm việc, cố mua cho được một căn nhà rồi nghĩ nhà này là của mồ hôi, nước mắt mình làm ra, lăn lộn với cuộc sống cả đời mới có được, làm sao bỏ lại. Dằn vặt với cái tâm bám chặt vào căn nhà khiến họ không thể nhắm mắt xuôi tay ra đi. Thực tế chúng ta thấy có người chết còn quá luyến tiếc cái nhà của họ tốn công sức tạo mãi, nên thường hiện hồn ở trong nhà đó gọi là ma, tức họ không đi đầu thai được. Họ cứ nghĩ nhà đó của họ mà mình vô ở, nên họ gây khó khăn, nặng thì làm mình bệnh hay bị tai nạn chết, nhẹ thì làm mình buồn phiền.

Đức Phật khuyên rằng con người du hành trên trái đất này có mấy chục năm, không làm tốt được thì cũng đừng làm xấu. Và nhớ rằng ra đi, những gì của cuộc đời đều phải bỏ lại cho cuộc đời, tiếc nó là đọa. Bỏ hết, tâm mình không nghĩ đến của cải vật chất, tình cảm vui buồn vinh nhục, tâm mình mới sáng mới thấy con đường đi đến thế giới an lành. 

Vô lượng nghĩa kinh là làm gì cũng được, nhưng không làm mất lòng người để về sau, không hối hận. Ngoài ra, ta học điều hay lẽ phải của Phật, Bồ-tát đã làm, dùng làm tư lương cho ta phát huy đạo hạnh. Hoặc cũng học điều hay của Khổng Tử, Lão Tử dạy. Mình học tất cả những cái hay của các bậc Thánh dạy, không chê bai.

Có thể nói Vô lượng nghĩa kinh là văn minh của loài người. Họ đúng mình học theo, cái sai mình cũng học để tránh không phạm phải. Những người tuy chưa là Thánh, nhưng họ làm việc tốt và ra đi nhẹ nhàng thì mình cũng học. Tôi có người bạn mất rồi, là đạo hữu Minh Đức “Tiếng chuông”. Ai nói gì, ông cũng nghe nhưng không phản ứng. Nghe cuộc đời nhưng ông không giữ nó trong tâm, vì ông chỉ nghĩ đến Phật. Ông tu như vậy, ra đi rất nhẹ nhàng. Lúc gần chết, ông thưa với Hòa thượng Trí Tịnh rằng ngày mai, con về Phật trước thầy. Hòa thượng nói vậy là ông thấy thế giới Phật rồi và nhận được báo mộng trước. Suốt đời ông không tạo nghiệp ác và kiếp trước cũng không làm ác, nên ra đi nhẹ nhàng. Sáng hôm sau, tắm gội sạch sẽ, ông ngồi trước bàn Phật, lạy Phật, niệm Phật và ra đi. Như vậy, sống trên cuộc đời không làm mất lòng ai, nên không nặng lòng. Và sống không ham muốn, nên đi không luyến tiếc, thì tâm không khổ, không bị đọa.

Con người có hai việc phải cố thực tập là đạo đức và trí tuệ. Đạo đức là không làm mất lòng người. Trí tuệ là có hiểu biết đúng đắn, không làm sai. Và điều thứ ba là làm lợi ích cho cuộc đời. Vì không làm lợi ích thì cũng lãng phí cuộc đời. 

Tất cả kinh điển của Phật nói trong suốt 49 năm gộp lại là Vô lượng nghĩa kinh,nhưng cũng không ngoài đạo đức, trí tuệ và làm lợi ích cho cuộc đời. Làm lợi ích cho cuộc đời là việc chủ yếu của Bồ-tát, nhưng muốn làm lợi ích thì phải có đạo đức và trí tuệ. Đạo đức là Thanh văn thừa, trí tuệ là Duyên giác thừa.

Có đạo đức và trí tuệ mới làm việc đáng làm. Không biết mà làm dễ phạm sai lầm. Vì vậy, người biết và làm đúng, cuộc đời họ đi lên nhẹ nhàng. Nếu có nghiệp quá khứ thì từng bước xóa nghiệp quá khứ và tạo nghiệp hiện tại tốt. 

Phật dạy Vô lượng nghĩa kinh xong, Ngài nhập Vô lượng nghĩa xứ tam muội là vào định của kinh Pháp hoa thì quan trọng nhất là nhìn lại cuộc đời, thấy rõ, biết rõ và làm không sai lầm. 

Có nhiều loại định. Ngoại đạo cũng có định, thí dụ tu thiền nhập Diệt tận định không biết gì, tuy có thân nhưng bị đánh chết cũng không biết đau. Nhưng nhập Vô lượng nghĩa xứ định thì biết rõ từ địa ngục A-tỳ là cùng tột khổ đau cho đến trời Sắc cứu cánh là cùng tột an vui. Biết rõ như vậy để mình nhìn cuộc đời, biết ai khổ nhiều, ai khổ ít, hay không khổ, chỉ có sung sướng. Và biết rõ họ có cuộc sống như vậy là họ từ thế giới nào mà tái sanh lại cuộc đời này. Tất nhiên biết rõ đối tượng thì mình có cách ứng xử tương ưng tốt đẹp.

Nhập Vô lượng nghĩa xứ định và nhìn xuống là nhìn xã hội, tôi thấy những người đi chùa lễ Phật có người cùng tột đau khổ, họ mới biết Phật. Phật nói trong nhiều kiếp quá khứ, Ngài cũng từng bị đọa ở A-tỳ địa ngục mà từ đó Ngài phát Bồ-đề tâm. 

Thấy địa ngục A-tỳ là cái thấy đầu tiên ở trong định giúp mình biết được xã hội mình đang sống và thương cho những người cùng đường, không lối thoát. Địa ngục A-tỳ giống như tù chung thân khác trại tạm giam, hay trại tù có án ở cuộc đời này vậy. Từ địa ngục A-tỳ là từ vô minh phạm phải sai lầm, tạo cuộc sống khổ đau. Thấy sai lầm của người để mình tự sửa lần, thấy họ ở hoàn cảnh nào đó mà tạo tội, vô địa ngục thì mình cũng ở hoàn cảnh tương tự, tất nhiên không dám làm sai như họ. 

Vào trong định thấy, vì định là tập trung tư tưởng, có Chánh niệm, nên vô Chánh định và nhờ học kinh Pháp hoa rồi, những gì đã học tự sống dậy cho mình cái thấy đúng đắn như vậy. Nói cách khác, mình đứng ngoài cuộc đời là ở trên bờ sinh tử nhìn vô sinh tử. 

Sau khi quan sát chín tầng địa ngục toàn là người xấu, thì từ địa ngục A-tỳ nhìn lên loài người là người tốt để mình kết bạn. Trong loài người, có những người không phạm bốn tội: sát sanh, trộm cắp, tà dâm và không nói dối, không nói bịa đặt, không nói lời gây chia rẽ, không nói lời hung ác, đó là những người tốt mà Phật nói con người là trung tâm điểm không phạm tội thì tự do đi lại, nhưng chưa có phước. Phật dạy quy y Tam bảo, giữ năm giới, đời đời kiếp kiếp được sanh làm người, không bị đọa. Nhưng sanh làm người mà không làm được gì thì uổng phí cuộc đời. Từ con người, mình phải tạo công đức để đi lên hơn người.

Và từ đi lên, quan sát các cõi trời, từ Tứ thiên, cho đến Dạ ma thiên, Đao lợi thiên, Đâu suất đà thiên và Tha hóa tự tại thiên để chúng ta làm theo. Phật nói trời Tứ thiên và trời Đao lợi gần chúng ta nhất, đó là thế giới an lành không còn chiến tranh, nhưng đôi khi chư thiên và A-tu-la cũng đụng nhau. Đến trời Dạ-ma thì hết chiến tranh. Và lên nữa, đến trời Đâu-suất sống trong thiền định.

Ý nghĩa kinh Vô lượng nghĩa và định Vô lượng nghĩa trong kinh Pháp hoa  ảnh 2

Từ dưới lên đến trời Đâu suất do tu thập thiện nghiệp, thân không phạm ba tội: sát, đạo, dâm; miệng không phạm bốn tội: vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu và ý không tham, sân, si. Không ham muốn, không tham vì biết rõ những gì không phải của mình mà tham là khổ, nên bỏ cho được nhẹ nhàng. Không tham thì không giận, không mất khôn.

Ở thế giới chư thiên nếu khởi lòng tham, lòng bực tức thì hào quang mất là tâm trí tối đi. Phật tử nghiệm xem khi mình tham hay bực tức ít có quyết định đúng đắn. 

Tu ba nghiệp thân, khẩu, ý bắt đầu sanh lên Tứ thiên hay Đao lợi thiên. Lên đó hưởng phước, không có tai họa, sống lâu, nhưng chỉ được khoảng 500 kiếp cũng xuống cõi trần. Lên đến trời Đâu suất và Tha hóa thiên là hết cõi trời dục. Và có 18 cõi trời Sắc do gia công thiền định gồm có Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. 

Ai tu không lệ thuộc vật chất là không quan tâm đến cơm ăn, chỗ ở và không lệ thuộc tình cảm vui buồn vinh nhục, họ chứng Sơ thiền là lên cõi trời Phạm thiên thuộc Sắc giới. Phạm thiên có ba cõi là Phạm chúng, Phạm phụ và Đại phạm là ba cõi trời này ở thiền định. Ấn Độ giáo coi Phạm thiên vương là cha đẻ của tất cả chúng sanh. Ngoại đạo chỉ lên được tới đây.

Nhưng theo Phật, lên nữa, vào Sơ thiền được Ly sanh hỷ lạc là ở ngoài cuộc sống vật chất của con người, đó là có được cuộc sống nội tâm. Phật tử thực tập pháp này sẽ thấy rõ người có niềm vui trong lòng không lệ thuộc xã hội. Người có nguồn vui lệ thuộc bên ngoài gọi là tha thọ dụng thân thì họ bị bên ngoài chi phối, sống một mình, họ buồn. Trong khi người chứng Sơ thiền có nguồn vui riêng là vui thực, dù có người hay không có người cũng vui, gọi là tự thọ dụng thân. Hòa thượng Thanh Từ cho biết ngài chứng pháp này nên ngài cười một mình suốt ba ngày, một cái vui kỳ diệu không có người xung quanh. Tu thiền chưa đạt pháp này coi như không có gì, thậm chí phải tìm thức ăn, hay tìm người nói chuyện là còn kẹt trong sự chi phối của thân vật chất. Nếu đạt được Ly sanh thì còn thân xác ngũ uẩn, nhưng không lệ thuộc xác thân và tình cảm là thành tựu Sơ thiền. Phạm thiên vương chỉ tới sở đắc này thôi, lên nữa, ông không biết.

Phật nói còn nữa, Ngài thực tập chứng Nhị thiền là nguồn vui trong lòng, tâm yên tĩnh, trí mới sáng. Lần đầu tiên, sáng ít gọi là thiểu quang thiên, tức ánh sáng cuối đường hầm phải có. Trước khi chết, tâm tối đen là đường hầm sinh tử, vì từ sanh đến chết, mình không biết và mang thân người vô thì chỉ biết thế giới loài người. Thế giới của Phật, Bồ-tát, chư thiên mình không biết, nhưng các loại hình thế giới có đan xen trong cuộc sống này cũng giống như mạng điện thoại vậy. Ngày xưa, người ta không có nối mạng, nhưng có cách cảm thần giao. Thí dụ họ cảm Đức Phật A Di Đà thì có Phật này trong tâm họ. Hoặc có quan hệ với Đức Quan Âm, họ thấy Quan Âm hiện ra trong loài người, nhưng không phải ai cũng thấy được Bồ-tát này. 

Thấy Phật, Quan Âm, Phổ Hiền là quan hệ giữa ta và các loại hình thế giới siêu hình mà người có căn lành, có thần giao cách cảm mới thấy. Người còn kẹt ngũ uẩn không thấy được. Nếu mình là chư thiên sanh lại, những gì của kiếp trước còn lưu lại trong A-lại-da thức, nên ở thế giới con người nhưng vẫn còn man mác đời trước đã sống ở cõi chư thiên.

Tôi chia sẻ với người đạo Thiên Chúa hay Hồi giáo, Ấn giáo, họ cũng nghĩ như vậy. Họ có niềm tin tuyệt đối với Chúa, với Đại Phạm thiên vương, vì họ từ thế giới Phạm thiên sanh lại, nên họ làm thầy Bà-la-môn, không phải ai cũng làm được. Hoặc những vị Giáo hoàng, Giám mục, Hồng y đã có liên hệ mật thiết với Đức Chúa, họ sanh lại đóng vai nhà lãnh đạo Thiên Chúa giáo được nhiều người nể phục, chấp nhận. Tuy mang thân người, nhưng trụ tâm lại, những vị này quan hệ được với đấng siêu hình của tôn giáo họ. Chúng ta không nên xem thường các vị này. Còn người tự xưng thì không được lâu dài. Quỷ thần sanh lại cũng là người nhưng họ nhạy cảm và cũng có những cái thấy đặc biệt.

Vào định Vô lượng nghĩa thấy ai là người từ thế giới Phật sanh lại, hay là quỷ thần sanh lại. Phật nói các Bồ-tát thị hiện lại có đủ các thân hình, hiện làm thiên tướng, làm quan, làm vua, làm Bà-la-môn…

Quan sát kỹ thấy Bồ-tát đi vào đời để mang an vui cứu khổ chúng sanh và Bồ-tát thường tìm người có duyên để giúp họ tu được. Điển hình là ông cụ thân sinh của tôi kể rằng lúc tôi ba tuổi, có đạo sĩ tới nhà nói nếu không cho chú bé này quy y thì không nuôi được. Điều này cho thấy nhờ mình có căn lành, nên được Bồ-tát hiện thân giúp đỡ. Và trên bước đường tu, tôi vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn đều là nhờ Bồ-tát giúp đỡ. Tôi thấy việc này bình thường, nhưng khi đọc truyện Hư Vân, tôi mới nhận ra mình có sự trùng hợp với ngài. Thực tế là ngài đi lên Ngũ đài sơn, cứ đi ba bước thì ngài lạy. Đặc biệt khi nào ngài gặp khó khăn, liền có lão già ăn mày xuất hiện giúp đỡ, giúp xong thì lão biến mất. Lên đến Ngũ đài sơn, ngài hỏi thầy trụ trì có biết lão ăn mày tên Văn Cát ở đâu không. Vì ông già này thường giúp đỡ ngài và nói sẽ gặp lại ông ấy ở Ngũ đài sơn. Thầy trụ trì cho biết đó là Văn Thù. Văn Cát là ghép chữ Văn, tức Văn Thù và “Cát” là Cát tường. 

Vì vậy, người có căn lành luôn được sự giúp đỡ của Hộ pháp Long thiên, Bồ-tát hiện ra giúp đỡ mình sống còn, tiến tu. Được như vậy, càng phải nỗ lực tu lên. 

Trong định Vô lượng nghĩa quan sát đến trời Sắc cứu cánh, thấy tất cả chúng sanh không sai lầm, biết không sai lầm nên làm việc không sai lầm sẽ giúp mình đi xa trên đường đạo. Không vào định này, chỉ thấy chung chung thì phạm sai lầm, tạo tội. Vì vậy, Phật khuyên phải thấy đúng, biết đúng, làm đúng mới sanh công đức. Và từ chỗ này, thấy xa nữa, thấy rõ các Bồ-tát và thấy các kiếp trước nữa. 

Đối trước hiện tượng kỳ diệu phô bày trong định Vô lượng nghĩa, Di Lặc nói rằng Văn Thù Bồ-tát với ngũ trí nghiêm thân mới giải đáp được. Văn Thù cho biết tất cả những gì trong quá khứ sẽ có trong hiện tại và những gì của hiện tại sẽ có trong tương lai.

Phật khuyên học kinh Pháp hoa phải thực tập yếu lý của kinh để vào định Pháp hoa, thấy tất cả các loài và thấy tất cả sự vật diễn tiến theo quy trình thành, trụ, hoại, không. Phật giáo Việt Nam đang ở kiếp thành và từ kiếp thành chuyển sang kiếp trụ, sẽ giữ được như vậy, không lên nữa, nếu có 100 người thì cũng chỉ 100 người. Nhưng đến kiếp hoại, số người theo Phật giáo sẽ vắng lần.

Biết rõ bốn tướng vô thường: thành, trụ, hoại, không, những vị đắc đạo đến vùng đất mới ở kiếp thành, nên các ngài xây dựng đạo Phật dễ dàng. Nhưng từ thế kỷ XIII đến XIX Phật giáo Ấn Độ đến kiếp hoại, nên cái tên Phật còn không có. Các nhà truyền giáo mới rời đất Ấn, qua Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam… phát triển đạo Phật được. Bây giờ, Phật giáo Ấn Độ bắt đầu phục hồi lại. Thủ tướng Ấn mời các vị cao tăng của nhiều quốc gia đến họp, thành lập Liên minh Phật giáo Thế giới và cũng có hàng triệu Phật tử ở kiếp thành bắt đầu tăng thêm.

Đối với sự việc phải trải qua quy luật thành, trụ, hoại, không. Đối với kiếp sống con người thì phải theo quy luật sanh, già, bệnh, chết. Quý huynh đệ nhớ lời tôi dặn, tất cả cái gì của cuộc đời phải trả lại cho cuộc đời. Và chúng ta cần giữ tâm trong sạch, chỉ nhớ đến Phật, Bồ-tát. Đến cuối đường hầm sinh tử, nhờ nương Phật lực, tia sáng trong tâm trí mình lóe lên, thấy được con đường mình đi về thế giới Phật. Còn gì quý hơn nữa.

Các tin tức khác

Back to top