Phật dạy về thấy biết lộn ngược và thấy biết như thật

26/07/2023 8:33
Chúng sinh và vạn pháp vốn do duyên sinh nên tụ tán phụ thuộc vào nhân duyên. Do đó, không hề có cái tôi, tự ngã hay tồn tại một thực thể thuần nhất, bất biến. Chấp thủ và bám víu vào tự ngã là cội nguồn của mọi tranh chấp, khổ đau và điên đảo.

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có bốn tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo này. Thế nào là bốn?

Trong vô thường, nghĩ là thường; trong khổ, nghĩ là không khổ; trong vô ngã, nghĩ là ngã; trong không thanh tịnh, nghĩ là thanh tịnh, này các Tỷ kheo, đây là bốn tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.

Này các Tỷ kheo, có bốn tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo này. Thế nào là bốn?

Trong vô thường, nghĩ là vô thường; trong khổ, nghĩ là khổ; trong vô ngã, nghĩ là vô ngã; trong không thanh tịnh, nghĩ là không thanh tịnh, này các Tỷ kheo, đây là bốn tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Rohitassa, phần Tưởng điên đảo [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.650)

Lời bàn: 

Người tu Phật thường đề cập đến vấn đề tuệ giác, tức nhận thức đúng như thật về các pháp. Sự thật về thân, tâm và thế giới như thế nào thì nhận thức như nó đang là. Thấy biết như vậy gọi là trí tuệ hay “tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo”.

Vô thường là sự biến dịch, thay đổi và không có định tính trong tất cả các sự vật, hiện tượng. Không cái gì cố định và đứng yên, tự thân chúng đang chuyển biến trong từng sát-na. Thấy được như thế thì chúng ta sẽ thiết lập được thăng bằng. Mọi được mất, hơn thua, vui buồn, vinh nhục và thăng trầm trong cuộc sống sẽ không tác động và chi phối đến ta nhiều, nhờ đó mà được bình an.

Khổ đau với nhiều hình thái khác nhau và những điều không như ý luôn đoanh vây đời sống con người. Không một ai sống ở trên đời mà hoàn toàn toại ý, không có những khổ đau. Nhận thức được điều này để chấp nhận thực tại, tìm cách vượt thoát và nhất là không lấy khổ làm vui bằng cách lẫn trốn trong những lạc thú, đam mê.

Chúng sinh và vạn pháp vốn do duyên sinh nên tụ tán phụ thuộc vào nhân duyên. Do đó, không hề có cái tôi, tự ngã hay tồn tại một thực thể thuần nhất, bất biến. Chấp thủ và bám víu vào tự ngã là cội nguồn của mọi tranh chấp, khổ đau và điên đảo.

Thân, tâm này vốn dĩ bất tịnh và nhiễm ô, luôn nhuốm màu dục vọng. Nhưng chúng ta cũng có thể tự thanh lọc thân tâm khiến cho ba nghiệp thân khẩu ý trở thành thanh tịnh. Tất cả đều bắt đầu từ tâm ý, nếu thú hướng bất tịnh và nhiễm ô là cội nguồn khổ đau, ngược lại hướng về thanh tịnh và vô nhiễm là nền tảng của an lạc.

Đa phần khổ đau của chúng ta là do nhận thức sai lầm, vọng tưởng điên đảo, nói cách khác là do vô minh, nhận lầm những huyễn ảo mà cho là thật. Tu tập là phát huy tuệ giác nhằm nhận ra sự thật về vô thường, khổ và vô ngã của vạn pháp để sống xả kỷ, vị tha và chuyển hóa phiền não, làm chủ bản thân trước vô vàn biến động của cuộc đời. 


Quảng Tánh

Các tin tức khác

Back to top