Chánh pháp hay kinh điển đều do kim khẩu của Đức Phật nói ra. Tuy nhiên, có một số trường hợp thì Đức Phật không nói pháp mà các vị Thánh Đại đệ tử như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ca-chiên-diên, A-na-luật… thay Phật tuyên thuyết. Thế Tôn chỉ xác chứng rằng những gì các Tôn giả kia đã trình bày đều hợp với ý của Ngài, và nghiễm nhiên pháp thoại đó trở thành Kinh.
Tôn giả A-na-luật trong pháp thoại này đã thay Phật thuyết pháp. Ngài dùng một hình ảnh cây nghiêng vốn rất thân thuộc với đời sống núi rừng để dụ cho cảnh giới mà người chết sẽ sinh về. Cây nghiêng khi bị chặt sẽ đổ theo chiều xưa nay nó vốn đã nghiêng. Cây đời cũng vậy, khi người ta chết đi cũng nghiêng đổ về phía nghiệp thiện ác của chính người ấy.
Thế nên, trong ba nghiệp của thân, miệng, ý nếu ai biết tu học hướng thiện thì khi mãn phần, cây đời sẽ nghiêng đổ theo hướng phước thiện. Ngược lại, những ai không biết tu học hướng thiện thì khi mãn phần, cây đời sẽ nghiêng đổ theo hướng bất thiện. Vậy nghiêng đổ theo hướng tốt hay xấu, thiện hay ác cốt yếu vẫn là do hiện tại mình đang xu hướng phía nào.
“Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật ở tại tinh xá Tòng Lâm, nước Xá-vệ. Khi ấy Tôn giả A-na-luật nói với các Tỳ-kheo:
Ví như cây lớn sanh trưởng mà nghiêng xuống dưới, càng nghiêng sâu càng muốn đổ. Nếu chặt rễ nó, cây sẽ phải ngã, thuận theo chiều nghiêng xuống. Cũng vậy, Tỳ-kheo tu bốn Niệm xứ, lâu ngày nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến viễn ly, nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến giải thoát; nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến Niết-bàn.
Tôn giả A-na-luật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đã nói, hoan hỷ phụng hành.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 545)
Pháp thoại trên cho chúng ta thấy rất rõ rằng, cây đời chúng ta ‘sẽ phải ngã, thuận theo chiều nghiêng xuống’. Đây cũng là quán ngữ mà chúng ta phải niệm hàng ngày. Quan trọng nhất là mỗi người cần tự chọn cho mình chiều nghiêng xuống. Là đệ tử Phật, chiều nghiêng xuống đầu tiên phải kể đến tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và tin Giới, còn gọi Bốn niềm tin bất hoại. Chỉ chừng này thôi, chúng ta đã nghiêng về cõi lành, chí ít cũng sinh làm người có phước, tránh được tam đồ, ác đạo.
Kế đến, hàng Phật tử cần chọn chiều nghiêng xuống tốt lành hơn, đó là mười nghiệp thiện (thân ba thiện, miệng bốn thiện, ý ba thiện). Mười thiện nghiệp này là chánh nhân của phước báo nơi các cõi trời. Những ai căn lành sâu dày hơn thì nỗ lực tu tập thiền quán tứ niệm xứ. Có thể nói, Tứ niệm xứ là trái tim của thiền định Phật giáo.
Tu tập Tứ niệm xứ ‘lâu ngày nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến viễn ly’ là sự buông bỏ trong nhẹ nhàng. Xa lìa những gì mình vốn yêu thích, tham ái, trói buộc là biểu hiện căn bản của giải thoát. Tiếp tục sống với và nghiêng về Tứ niệm xứ ‘lâu ngày nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến’ thì chắc chắn sẽ ngả đổ về giải thoát, Niết-bàn.
Vậy nên, có thể trong hiện tại, một người nhiệt tâm tu tập Tứ niệm xứ chưa hẳn đã đạt đến cứ cánh giải thoát song điều đó cũng không có gì phải lo lắng vì ta đang tịnh nghiệp, đang hướng về giải thoát thì chắc chắn sẽ nghiêng đổ về phía an lạc.
Quảng Tánh
Các tin tức khác
- Thân đẹp mà tiếng lại hay (22/08/2023 8:17)
- Người biết tu phải thắng vọng tưởng (22/08/2023 8:14)
- Đời này cõi tạm mà thôi (21/08/2023 8:24)
- “Không phải của mình thì nên buông hết, mới được an vui” (21/08/2023 8:14)
- Nghe nhiều, biết nhiều, nói ít (21/08/2023 8:12)
- Trầm tĩnh chứng tỏ sức mạnh của sự sáng suốt và tự chủ (20/08/2023 8:53)
- Kẻ ngu lấy khổ đau của người khác để làm hạnh phúc chính mình (20/08/2023 8:51)
- Bạn là chủ nhân hay là nô lệ của tâm mình? (20/08/2023 8:48)
- Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về cái chết và cận tử (20/08/2023 8:46)
- Thiện tâm, thiện ý lưu lộ ra bên ngoài là thiện hạnh (19/08/2023 8:25)