Cuộc sống ngày nay tuy có nhiều phương tiện truyền thông như điện thoại thông minh, mạng xã hội… nhưng càng ngày thì sự truyền thông giữa vợ và chồng, bố mẹ và con cái, thầy cô giáo và học sinh… lại càng trở nên khó khăn. Điều đó nói lên rằng phương tiện truyền thông hiện đại không hề giúp ta truyền thông tốt hơn. Nếu ta không trở về tiếp xúc với tự thân để thấy được đâu là nguyên nhân của những sợ hãi, giận hờn và nỗi khổ, niềm đau trong ta, thì làm sao ta có thể truyền thông được với chính mình? Và một khi ta không thể truyền thông với tự thân thì làm sao ta có thể truyền thông được với những người khác?
Tái lập truyền thông và đem lại sự hòa giải là chuyện có thể làm được. Sự thực tập ái ngữ và lắng nghe giúp cho chúng ta thiết lập lại truyền thông và đưa tới sự hòa giải.
Trước tiên, chúng ta cần có mặt và hiểu được hình hài, cảm thọ, tri giác và khổ đau của chính chúng ta. Chánh niệm giúp ta có khả năng đối diện và hiểu thấu những khổ đau trong ta mà không phải trốn chạy hay tìm cách khỏa lấp chúng.
Tiếp đến, thầy cô giáo có thể ngồi lại với học sinh của mình để cùng chia sẻ những khó khăn nằm sâu bên trong mỗi người. Một khi học sinh đã cảm thông được những khó khăn của thầy cô giáo rồi thì các em sẽ không tiếp sức làm cho những khó khăn ấy lớn thêm. Cũng vậy, một khi thầy cô giáo đã lắng nghe được những khó khăn của học sinh, thầy cô giáo sẽ biết cách để giúp cho các em bớt khổ. Khi đó lớp học sẽ trở thành một không gian chia sẻ hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Lắng nghe với tình thương và sự cảm thông giúp cho người kia trải hết lòng ra. Đó là thực tập của Bồ tát Quán Thế Âm, chỉ lắng nghe thôi, không phán xét, không phản ứng. Trong vòng nửa giờ đồng hồ lắng nghe, chúng ta đã có thể làm vơi nhẹ khổ đau trong lòng của người kia.
Thực tập nói lời ái ngữ cũng rất quan trọng. Chúng ta dùng ngôn ngữ hòa ái để nói lên sự thật về niềm đau, nỗi khổ trong ta và cũng nhẹ nhàng khuyến khích người kia mở lòng nói ra những khổ đau của họ. Ái ngữ chính là chìa khóa để mở cửa trái tim của nhau.
Chúng ta có thể áp dụng sự thực tập ái ngữ và lắng nghe trong trường học như thế nào? Chúng ta cần tạo ra những cơ hội để thầy cô giáo và học sinh có thể ngồi lại bên nhau, lắng nghe nhau để có thể cảm thông và hiểu thấu được những khó khăn của nhau. Hiểu được thì thương được. Thử tưởng tượng hình ảnh người thầy ngồi yên chăm chú lắng nghe những tâm tư nỗi niềm của những người học trò của mình. Đó là một hình ảnh đẹp và nuôi dưỡng. Ở nhà, ba mẹ các em đã quá bận rộn nên không thể có mặt được cho các em thì làm gì có thời gian để ngồi xuống và lắng nghe các em? Đó là một thiệt thòi lớn.
Đến trường, thầy cô giáo cho các em một cơ hội khác để bù đắp, để các em được lắng nghe, được cảm thông và được thấu hiểu. Chỉ cần được thấu hiểu, các em đã bớt khổ nhiều rồi. Khi đó, thầy cô giáo và học sinh có thể nối kết với nhau, xây dựng niềm tin trong nhau và lấy đi những giận hờn và sợ hãi trong nhau.
Đây là một sự thực tập rất cần thiết và nên được khuyến khích tổ chức thường xuyên trong nhà trường. Thầy cô giáo và học sinh nhờ sự thực tập này mà có thêm năng lượng để dạy và học, và đặc biệt là khoảng cách giữa hai thế hệ cũng được gần lại với nhau nhờ nhịp cầu cảm thông.
Sư Ông Làng Mai
Các tin tức khác
- “Không khởi tâm” trộm cắp của cải, tài sản của người khác là nghiệp lành cao cả (20/11/2023 9:03)
- Làm sao để tránh khỏi những kiếp nạn? (20/11/2023 8:59)
- Muốn sinh con khỏe mạnh, đứa trẻ không phải là oan gia phải chú trọng thai giáo (20/11/2023 8:56)
- Chuyển hóa mặc cảm tội lỗi (19/11/2023 9:06)
- Con người từ đâu đến và khi chết sẽ đi về đâu? (19/11/2023 9:01)
- Lộ trình nhứt thừa của hành giả Pháp hoa (19/11/2023 8:52)
- Nhân quả của việc chê bai, nói xấu người khác (18/11/2023 8:46)
- Kinh mười danh hiệu của Phật (18/11/2023 8:42)
- Lưỡi con người có thể cắt nát cuộc đời bởi một lời nói ác (18/11/2023 8:36)
- Người đệ tử Phật tiêu xài đúng Pháp và phải tạo thêm phước mới (18/11/2023 8:33)