1. Không sát sanh (Pānātipātā veramanī):
Để tôn trọng sự sống của muôn loài, chúng ta không nên vô cớ giết hại sinh linh, dù là sinh mạng của con người hay loài côn trùng cầm thú. Như thế chúng ta sẽ loại trừ được hành động ác hại và tâm ác hại, trưởng dưỡng được đức tánh từ bi, nhờ đó không gây thêm oan trái, oán thù. Một trong những điều kiện tạo nên đời sống an lành là giàu tình thương yêu và không có kẻ thù nghịch.
2. Không trộm cắp (Adinnādānā veramanī):
Để tôn trọng tài sản của nguời khác, chúng ta không nên lấy bất kỳ cái gì chưa được sở hữu chủ, hoặc người giám hộ cho phép. Nhờ thế chúng ta từ bỏ được tính tham lam ích kỷ, nuôi dưỡng đức tính tri túc và vị tha. Không làm khổ người bị mất, không tự mình ray rứt, hối hận. Hơn nữa người trộm cắp luôn luôn nơm nớp lo sợ bị truy tố trước pháp luật, bị nhục nhã v.v. Người không tham lam ích kỷ, biết tri túc, vị tha sẽ sống một đời sống thanh bạch, an lạc.
3. Không tà hạnh (Kāmesu micchacarā veramanī):
Để tôn trọng hạnh phúc gia đình người khác, để bảo vệ hạnh phúc gia đình mình, vợ chồng cần phải sống chung tình, hòa thuận, tin yêu, mỗi người biết làm tròn bổn phận của mình, trọn tình trọn nghĩa với nhau để chung lo xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái thì đó chính là một gia đình đầm ấm. Tà hạnh chỉ đem lại khổ đau tan vỡ cho gia đình mình, gia đình người khác, ảnh hưởng tai hại đến con cái, đến họ hàng quyến thuộc.
Ba điều trên giúp cho thân nghiệp được trong sạch hay nói một cách khác là để làm chủ hành động hằng ngày của mình, không để rơi vào bất thiện.
4. Không nói dối (Musāvādā veramanī):
Để tôn trọng sự thật, để không tập thành thói quen dối mình gạt người, chúng ta không nên dối trá, lừa gạt người khác. Người rèn luyện được đức tính thành tín chân thực sẽ được mọi người tín nhiệm, tin tưởng. Dĩ nhiên trong công việc giao tế hằng ngày ai cũng muốn được tín nhiệm vì đó là yếu tố thành công trên đường đời. Không nên nói dối dù chỉ nói chơi vì như thế là tự làm giảm uy tín của mình.
Giới điều nầy giúp khẩu nghiệp trong lành, nói năng chân thực.
5. Không uống rượu (Surā meraya majjappamādatthānā veramanī):
Không phải chỉ Phật giáo mà nhiều tôn giáo khác cũng dạy tín đồ không nên uống rượu. Vì người say sưa tự hạ phẩm cách của mình. Hơn nữa, theo y học rượu làm cho mạch máu bị xơ cứng, không co giãn được, dễ bị chứng lưu huyết, xơ gan, tai biến mạch máu não, giảm trí nhớ và nhiều bệnh chứng nguy hiểm khác.
Vậy người Phật tử giữ giới chính là để tránh xa những điều ác, xây dựng một cuộc sống lành mạnh từ thể chất đến tinh thần.
HT. Viên Minh
Các tin tức khác
- Đức Phật dạy về bổn phận của người cư sĩ (21/11/2023 8:17)
- Thực tập ái ngữ và lắng nghe trong trường học như thế nào? (20/11/2023 9:05)
- “Không khởi tâm” trộm cắp của cải, tài sản của người khác là nghiệp lành cao cả (20/11/2023 9:03)
- Làm sao để tránh khỏi những kiếp nạn? (20/11/2023 8:59)
- Muốn sinh con khỏe mạnh, đứa trẻ không phải là oan gia phải chú trọng thai giáo (20/11/2023 8:56)
- Chuyển hóa mặc cảm tội lỗi (19/11/2023 9:06)
- Con người từ đâu đến và khi chết sẽ đi về đâu? (19/11/2023 9:01)
- Lộ trình nhứt thừa của hành giả Pháp hoa (19/11/2023 8:52)
- Nhân quả của việc chê bai, nói xấu người khác (18/11/2023 8:46)
- Kinh mười danh hiệu của Phật (18/11/2023 8:42)