Mấy ngày trước, có một đồng tu đến kể với tôi rằng ông gặp một câu hỏi khó như sau: “Các vị là người học Phật, vậy chân thật có Phật hay không? Anh đã bao giờ thấy Phật chưa?” Ông không thể trả lời, liền trở về hiệp hội hỏi tôi, để về sau nếu gặp câu hỏi này thì nên trả lời như thế nào? Tôi nói với ông ấy, giả như về sau lại có người hỏi như thế thì ông nên nói với họ: “Thật có Phật, tôi đã thấy qua rất nhiều”. Họ sẽ hỏi ở đâu. Lúc đó chúng ta có thể nói: “Bạn chính là Phật, tôi cũng vậy, tất cả chúng sanh mỗi mỗi đều là Phật”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ là Phật”, hiện tại vẫn là Phật. Chẳng qua hiện tại, bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên biến thành như vầy. Nếu buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bạn cùng Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật Như Lai, Tỳ Lô Giá Na Phật,… không hề khác nhau; nghĩa là trí tuệ, đức năng, tài nghệ, tướng hảo hoàn toàn bình đẳng. Vị đồng tu ấy nghe rồi cũng rất nghi hoặc. Đương nhiên, vì nếu không nghi thì ông đã có thể trả lời được. Ông không thể trả lời do bản thân không tin tưởng ông chính là Phật.
Chúng ta đã được phác họa bằng một biểu đồ gọi là “Phàm thánh mê ngộ thị ý đồ”. Biểu đồ cũng đã phát hành nhiều lần. Nhiều đồng tu sau khi xem thấy liền đến hỏi tôi: “Rốt cuộc vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nghĩa là gì?”. Chúng ta không thể đem đề tài “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước” nghiên cứu trong thời gian vài giờ đồng hồ. Nhất định không đủ, thậm chí 20 ngày, 20 năm, hay 200 năm cũng không đủ. Vì ba loại vọng tưởng, phân biệt, chấp trước này vô lượng vô biên. Trong lúc dạy học, thế tôn dùng pháp phương tiện, đem vô lượng vô biên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước quy nạp lại, phân loại, đề cương khế lỉnh trong kinh điển nhằm dạy bảo, giúp chúng ta hiểu rõ đại khái. Muốn chân thật hiểu rõ thì phải thực hành. Chính mình không chịu thân chứng thì sự việc này vĩnh viễn không cách gì lý giải, nhất là vọng tưởng của chúng ta đã quen rồi, khởi tâm động niệm thì gọi là vọng tưởng.
Đối lập với vọng là chân thật. Vọng chính là không thật. Cho nên trong Phật pháp nói “Bất đương ư thật viết vọng”, không tương đương với sự thật, đó là vọng. “Thật” là gì?, việc này không dễ hiểu. Nếu bạn hiểu chữ “thật” thì bạn chính là pháp thân Bồ tát. “Thật” là thật tướng các pháp mà đại thừa giáo nói. Thông thường trong lúc giảng giải, chúng ta dùng lời nói rõ ràng cho mọi người dễ hiểu. Tôi hay nói “Chân tướng của vũ trụ nhân sanh”, câu nói này cũng rất chung chung. Nếu tỉ mỉ hơn một chút là “Bản thể của vũ trụ”, “Hiện tượng của vũ trụ”, “Tác dụng của vũ trụ”, đó là từ trên “thể - tướng - dụng” mà nói.
Thế giới chúng sanh hằng sa cõi nước đều tạo vô biên tội nghiệp
Vũ trụ không có bờ mé, trong đó vô lượng vô biên. Khoa học hiện tại gọi thế giới là tinh hệ. Hiện nay chúng ta cư trụ trên địa cầu này, các bạn đều hiểu rõ, nó chỉ là một hành tinh nhỏ trong thái không. Nó cũng có một tinh hệ, tinh hệ này mọi người đều rất quen thuộc. Thái dương hệ có chín hành tinh lớn xoay quanh thái dương, chúng vận hành trên quỹ đạo nhất định. Tuy nhiên thái dương cũng không bất động, thái dương là động. Nó mang theo một quần thể, một tinh hệ như vậy rồi lại xoay vòng một tinh hệ lớn hơn. Tinh hệ lớn này hiện nay được khoa học phát hiện là hệ ngân hà. Hệ ngân hà liệu có đang xoay quanh một tinh hệ lớn hơn đang hoạt động nữa không? Chưa có người phát hiện. Thế nhưng, trong Phật pháp nói, đích thực còn có tinh hệ lớn hơn.
Năm xưa cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã nói với tôi vấn đề này, chúng ta gọi là “Tam thiên đại thiên thế giới” hay “Mười phương cõi nước chư Phật”. Kinh Hoa Nghiêm nói đến thế giới Hoa Tạng, thế giới Thành Tựu phẩm, chúng ta cũng đã học qua. Hoàng lão cư sĩ cho rằng hệ ngân hà là một đơn vị thế giới mà kinh Phật nói. Việc này chúng ta chưa hề nghĩ đến. Ngày xưa, tôi cho rằng đơn vị thế giới là thái dương hệ, nhưng trên kinh Phật nói đơn vị thế giới được tính bằng đơn vị “thiên”, đại khái trên dưới 1000. Một tinh hệ như vậy gọi là tiểu thiên thế giới, tập hợp 1000 tiểu thiên thế giới thì gọi là trung thiên thế giới, sau đó lại tập hợp 1000 trung thiên thế giới gọi là một đại thiên thế giới. Cơ bản mà nói, đại thiên thế giới chính là giáo khu của một vị Phật.
Chẳng hạn, Thích Ca Mâu Ni Phật đã giáo hoá một khu vực trong đó có tiểu thiên, trung thiên, đại thiên, hợp lại gọi là tam thiên đại thiên thế giới. Đại thiên thế giới tuyệt nhiên không chỉ có ba ngàn, nhiều người đặc biệt sai lầm ở điểm này. Ba ngàn chỉ nói lên kết cấu của đại thiên thế giới. Thế giới Ta Bà của chúng ta là một đại thiên thế giới. Thế giới Cực lạc rộng lớn hơn rất nhiều lần so với đại thiên thế giới này của chúng ta. Ở thế giới Hoa Tạng tổng cộng có 20 tầng, như một tòa lầu lớn, thế giới Cực lạc cùng thế giới Ta Bà của chúng ta đều ở tầng thứ 13. Một tầng chính là một đại tinh hệ. Cho nên từ kinh Hoa Nghiêm có thể khẳng định, hệ ngân hà của chúng ta trong thái không cũng chỉ là một điểm nhỏ. Nó nhiễu quanh một tinh hệ rất lớn đang chuyển động mà khoa học gia hiện nay vẫn chưa phát hiện. Vậy 20 tầng thế giới Hoa Tạng, kinh gọi là thế giới hải. Ngay trong vũ trụ vô cùng vô tận, số lượng rất nhiều.
Thế giới này từ đâu mà có? Mỗi một thế giới đều có chúng sanh cư ngụ. Hình tướng chúng sanh cũng khác nhau, một số chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thịt, còn lại thì mười pháp giới y chánh trang nghiêm sum la vạn tượng. Rốt cuộc thế nào, tương lai đến đâu? Vấn đề rất phức tạp, không phải lý tưởng hay phán đoán mà chân tướng của nó chính là thật tướng các pháp trên kinh Bát Nhã đã nói. Đối với thực tướng các pháp, bạn thảy đều tường tận, một chút cũng không được sai lầm, chính mắt nhìn thấy, đích thân tiếp xúc, đó mới gọi là thật, không phải vọng. Còn nếu không biết chút gì, trong lòng bạn phán đoán thì ở nơi tưởng tượng đó toàn là vọng tưởng, vọng tưởng vô số vô tận. Kinh Lăng Nghiêm, Phật nói một cụm từ rất hay: “tất cả chúng sanh”.
Quyển thứ nhất của kinh Lăng Nghiêm: “tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay”. “Tất cả chúng sanh” bao gồm khắp pháp giới hư không giới, không ngoại lệ chúng sanh trong các cõi nước, “từ vô thỉ đến nay, sanh tử tiếp nối đều do không biết chân tâm thường trụ, tánh tịnh minh thể, dùng các vọng tưởng. Do tưởng không thật, nên có luân chuyển”. Những câu này nếu chúng ta nói tỉ mỉ hai giờ đồng hồ có thể vẫn không đủ. Tạm thời, “Phàm Thánh thị ý đồ” là phương thức đơn giản hiển thị ra cho các bạn. Vọng tưởng trong kinh đại thừa, nhiều chỗ gọi là vô minh. Vô minh chính là không tường tận. Bạn vốn dĩ tường tận, cho nên nói bạn vốn dĩ là Phật. Không tường tận thì gọi là vô minh, vọng tưởng. Có phải bạn thường hay hoài nghi, thường hay nghĩ ngợi, đó toàn là vọng tưởng. Cho nên có rất nhiều cách nói vô minh.
Kinh Hoa Nghiêm ghi rõ: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai”
Đức là đức năng, ngôn ngữ hiện tại gọi là năng lực, tài nghệ. Tướng hảo ý nói đến phước báu của mỗi chúng sanh. Xem qua Tịnh Độ ba kinh, phước báu của Phật A Di Đà thế giới Tây Phương Cực Lạc, thân Ngài có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp, không chỉ 32 tướng 80 vẻ đẹp, như vậy vẫn còn quá ít. Báo thân Như Lai có 32 tướng 80 vẻ đẹp là do Thế Tôn vì chúng ta giới thiệu, để chúng ta liền biết đó là chính mình. Thiền sư Trung Phong nói rất hay “Tâm ta tức Phật A Di Đà, Phật A Di Đà tức là tâm ta”, vì sao? Phật A Di Đà do tâm ta biến hiện, “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Kinh thường nói “Ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm”. Bạn phải hiểu hai câu nói này, thế giới nhỏ, thế giới lớn, biến pháp giới, hư không giới cũng giống như cảnh giới trong mộng. Mỗi một đồng tu chúng ta đều có kinh nghiệm nằm mộng. Sau khi nằm mộng tỉnh lại, bạn cố gắng nghĩ về cảnh giới trong mộng vừa rồi, nó từ đâu mà có. Thực ra, nó do chính tâm bạn biến hiện ra. Khi tâm bạn nằm mộng, tâm của bạn chính là mộng, hiện ra cảnh mộng. Như vậy, cả thảy cảnh trong mộng chính là tâm của bạn.
Đại sư Vĩnh Gia nói “Trong mộng rõ ràng có sáu cõi, tỉnh mộng rồi trống không cả đại thiên”. Thiền sư Trung Phong nói “Tâm ta tức là Phật A Di Đà, tâm ta chính là thế giới Cực lạc”, tác mộng, Phật A Di Đà chính là tâm ta, thế giới Cực lạc cũng chính là tâm ta. Tâm ta biến hiện ra, vậy hiện tại địa cầu này của chúng ta, thái dương hệ này của chúng ta, hệ ngân hà này của chúng ta, xem thấy xum la vạn tượng. Nếu sau khi giác ngộ, bạn sẽ biết đó là chính ta, do tâm ta biến hiện. Chân tâm hiện, vọng tâm biến, bao gồm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Tâm hiện thức biến, bạn bỗng chốc ngộ ra không. Khi vừa tỉnh ngộ thì cả thảy vũ trụ là chính mình, vô số chúng sanh là chính mình, cả thảy trên địa cầu bao gồm tất cả người, sự vật, tất cả sinh vật cùng đồng một thể sinh mạng với ta. Sau khi ngộ, bạn sẽ có cách nhìn khác đối với tất cả chúng sanh, sẽ rất thân thiết. Tâm từ bi tự nhiên liền sẽ phát sanh, “Từ bi biến pháp giới, thiện ý khắp nhân gian”. Chân thật sau khi ngộ ra, cảnh giới của bạn so với khi còn mê hoặc hoàn toàn không như nhau, vậy có phải đã phá được vô minh chưa? Chưa. Làm gì đơn giản như vậy. Vô minh, phân biệt, chấp trước mới chỉ giảm nhẹ đi một chút.
Các vị phải biết, phân biệt cùng vọng tưởng thuộc về pháp chấp. Chấp trước thuộc về ngã chấp. Ngã chấp là phiền não chướng, pháp chấp là sở tri chướng. Hai loại chướng ngại làm cho trí tuệ, đức năng, tướng hảo của chúng ta thảy đều bị chướng ngại theo. Cho nên Phật dạy chúng ta tu hành là tu cái gì, là phá hai loại chấp trước này. Có rất nhiều kinh điển, bạn phải tỉ mỉ lãnh hội, làm gì không có chỗ ngộ. Mỗi bộ kinh bạn vừa lật ra, nếu chân thật khế nhập thì thảy đều có chỗ ngộ. Hiện tại vì sao không có chỗ ngộ? Vì khi bạn đọc kinh, hàm hồ lướt qua, sơ sài qua loa, không tỉ mỉ quan sát, thể hội. Trong Tàng Kinh Lầu thấy được “đại bổn Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, mười đại thiên thế giới vi trần kệ, một bốn thiên hạ vi trần phẩm”. Lời nói này của Bồ tát Long Thọ là thật, bạn phải nghe hiểu. “Mười đại thiên thế giới vi trần kệ” không phải là chữ số. Hoa Nghiêm dùng mười để biểu thị, đại biểu đại viên mãn, có nghĩa, biến pháp giới hư không giới, tánh, tướng, lý, sự, nhân quả, có thứ nào không phải là kinh Hoa Nghiêm? Kinh Hoa Nghiêm sống ngay trước mặt chúng ta. Thiện Tài Đồng tử may mắn gặp được 53 vị thiện tri thức, còn chúng ta thì sao? Từ sớm đến tối không hề kém thiện tài, nhưng vì sao không khai ngộ? Vì tâm bạn không phải tâm của Thiện Tài, nếu là tâm của Thiện tài thì bạn đã sớm khai ngộ. Cho nên phiền não của chúng ta là thật, chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước quá nặng.
Vọng tưởng, thông thường trong đại thừa giáo đã nói, “vô minh phiền não”, “trần sa phiền não”, “kiến tư phiền não”. Thiên Thai tông cũng nói, vô minh phiền não chính là vọng tưởng trong kinh Hoa Nghiêm. Trần sa phiền não chính là phân biệt. Kiến tư phiền não chính là chấp trước. Ở đây, có phiền não, có sở tri chướng, chỉ là nặng nhẹ không như nhau. Trong vô minh, sở tri chướng nhiều, phiền não chướng ít. Trong phân biệt, sở tri chướng cùng phiền não chướng có thể bằng nhau. Trong chấp trước, sở tri chướng nhẹ, phiền não chướng nặng. Cho nên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều có sở tri chướng, đều có phiền não chướng, vô minh. Trên kinh Hoa Nghiêm, vọng tưởng thuộc về căn bản vô minh. Đại kinh nói, “một niệm bất giác mà có vô minh”, đó là nói ban đầu, vì sao bạn bị mê? Vấn đề này trong Đại thừa giáo gọi là “căn bản Đại vấn”. Ta vốn dĩ là Phật, nhưng vì sao ta khởi một niệm vô minh, lúc nào khởi lên một niệm vô minh, và nguyên nhân gì khởi lên nó?.
Khi chúng tôi mới học Phật có gặp vấn đề này, tôi liền hỏi lão sư Lý. Lão sư Lý nghe rồi mỉm cười không trả lời cho chúng tôi, vì sao? Trả lời cũng không hiểu, vẫn không bằng không trả lời. Ông bảo chúng tôi xem kinh Lăng Nghiêm. Ồ! Trong quyển thứ tư của kinh Lăng Nghiêm, thì ra Phú Lâu Na tôn giả cũng có vấn đề tương tự, ngài hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni vì sao hay khởi lên niệm này, và bao lâu mới khởi lên một niệm. Kinh Lăng Nghiêm có một đoạn kinh văn rất dài, rất nhiều người đọc kinh Lăng Nghiêm nhưng có mấy người hiểu được. Nếu thật hiểu thì bạn liền thành Phật, còn chưa thật hiểu thì vẫn là phàm phu.
Trước tiên bạn phải nhận biết đó là vọng, vọng là giả, “một niệm bất giác” là hư vọng. Cái niệm này sau khi bất giác, bạn vẫn cho là thật, đó là mê. Nếu bạn hỏi mê từ lúc nào, kinh Hoa Nghiêm nói thời gian: “Niệm kiếp viên dung”, niệm là một niệm, thời gian của một niệm rất ngắn; kiếp là đơn vị thời gian rất dài. Một niệm cùng vô lượng kiếp không khác biệt, vì một niệm là vọng, vô lượng kiếp cũng là vọng. Một niệm bằng như không, vô lượng kiếp cũng bằng như không. Không cùng không phải chăng đều vọng? Sau khi hiểu rõ, chúng ta hơi có chút thể hội. Thì ra sự việc này không có trước sau, không có xa gần, ngay nơi đó một niệm bất giác cũng giống như trong mộng tỉnh lại. Khi tỉnh lại thì gọi là thành Phật. Vốn dĩ là Phật, vừa vào mộng, trong mộng liền rơi vào mười pháp giới. Bạn ở trong mộng làm Bồ tát, làm Phật là pháp giới bốn thánh; bạn ở trong mộng làm trời làm người là pháp giới trời người; bạn ở trong mộng gặp được ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục thì là pháp giới ba đường, không rơi ngay trong một niệm. Đó là chân tướng sự thật, thế nhưng ngày trước thầy giáo không nói ra, vì sao?
Vì sau khi nói, làm cho cửa ngộ của bạn bị bít mất. Đó là cách dạy học rất tàn khốc, cho nên thiền tông nhất định không nói, mà khuyên bảo bạn chính mình chứng. Chính bạn sau khi ngộ đem cảnh giới này nói lại với lão sư. Lúc đó lão sư gật đầu ấn chứng cho bạn. Bạn chưa vào được cảnh giới này thì tuyệt đối không nêu ra. Điểm này đặc biệt không giống giáo hạ. Giáo hạ luôn nói ra, sau khi nói, bạn chính mình phải chứng thật. Nếu không chứng thật, như vậy bạn vẫn đang ở trong mộng, chưa tỉnh ra được. Cho nên, bạn cần phải thân chứng, vậy thân chứng bằng cách nào.
HT. Tịnh Không
Các tin tức khác
- Mang theo chánh niệm bên mình (27/02/2024 8:27)
- Trên đời này có người hiểu mình là một ân huệ rất lớn (26/02/2024 8:33)
- Năm mới bố thí như thế nào không tốn tiền lại có phước đức (26/02/2024 8:28)
- Minh và vô minh (26/02/2024 8:26)
- Làm chủ được mình (25/02/2024 8:25)
- Năm sự cố gắng đúng Pháp để mau chứng đạo (24/02/2024 8:35)
- Thương yêu chính mình là nền tảng của từ bi (24/02/2024 8:30)
- Những điều các thiếu nữ Phật tử cần phải học (24/02/2024 8:28)
- Mỗi hơi thở là một cơ hội để đánh thức lòng biết ơn (23/02/2024 8:28)
- Câu chuyện con rùa và sáu căn (23/02/2024 8:23)