Tứ như ý túc

5/12/2012 11:48
Đức Phật có dạy về bốn con đường đưa ta đến thành công và sự viên mãn. Đức Phật gọi chúng là Tứ Như Ý Túc, những con đường lúc nào cũng dẫn ta tiến tới. Chúng là bốn phẩm hạnh đặc thù trong cá tính chúng ta, mà mỗi con đường phản ảnh một sức mạnh đặc biệt. Nếu ta biết được phẩm hạnh nào là ưu điểm của mình, từ đó ta có thể dựa trên sức mạnh sẵn có đó mà phát huy thêm và thực hiện được những gì cần phải làm.

Đôi khi người ta có một quan niệm cho rằng tu hành có nghĩa là sống mà không còn một sự say mê nào nữa, dập tắt hết những ngọn lửa trong tâm có nghĩa là ta phải có một thái độ lạnh lùng, hoàn toàn thụ động, xa lìa thế sự. Nhưng quan niệm nầy hết sức là sai lầm! Vì mỗi trong bốn con đường đi đến giải thoát vừa kể đều đòi hỏi một sự đam mê phi thường, một ngọn lửa rực cháy sáng trong tâm. Đối với chúng ta, những người mà niềm đam mê ấy đang khơi động, đạo pháp trở thành một lý tưởng tối thượng của đời mình.

1.- Con đường thứ nhất để đi đến thành công, nuôi dưỡng chí tu hành của ta, là Dục như ý túc. Dục ở đây tức là một sự ham muốn thực hành, để thành tựu một việc gì. Khi có phẩm hạnh nầy, ta sẽ biết rằng không có bất cứ điều gì có thể ngăn trở mình được. Chúng ta không bao giờ cảm thấy toại nguyện, trừ khi nào ta đạt đến mục tiêu mình muốn. Đôi lúc, khi tôi nghĩ về phẩm hạnh nầy, tôi liên tưởng đến lòng nhiệt thành và cái động lực phi thường của các nhà thể thao thế vận hội, hay những nhạc sĩ đại tài, hoặc là bất cứ những ai đã đem một việc gì đến mức toàn mỹ. Phẩm hạnh của dục và lòng nhiệt thành là động lực chính thúc đẩy họ đi trên con đường đời: "Tôi sẽ làm chuyện ấy! Tôi sẽ thực hiện được được việc ấy!" Và rồi với sức mạnh đó trong tâm, của một nghị lực không thối chuyển, họ sẽ thành công. Vì thế cho nên dục, tức là một hoài bảo và một nhiệt tâm mãnh liệt, là một trong bốn con đường đưa ta đến thành công.

2.- Con đường thứ hai là Tinh Tấn Như Ý Túc, đây là một phẩm hạnh của nghị lực. Một người có đức tính cương quyết này lúc nào cũng cảm thấy bị thách thức bởi ý nghĩ "Công việc này đòi hỏi một nghị lực đáng kể. Và tôi sẽ thực hiện được việc ấy". Những hạng người như vậy thì chẳng những không sờn lòng trước khó khăn mà còn cảm thấy hứng khởi vì sự thách đố. Họ quan niệm rằng: "Những việc gì đòi hỏi sự cố gắng để đạt đến thành công, thì tôi sẽ làm được!"

Thời gian trước đây tôi có đọc một bài báo viết về cái chết của một con ngựa đua nổi danh Secretariat. Bài báo tán tụng về trái tim dũng cảm của con ngựa này, diễn tả lại cái đảm khí của nó được biểu lộ một cách hùng tráng trong những cuộc đua ra sao. Cũng thế, khi hành động của chúng ta được xuất phát từ nơi ấy trong trái tim, gắng hết sức không chút nghi ngại, nó sẽ phát sinh một sức mạnh và một năng lực vô song! Dipa Ma, một vị thầy của tôi ở Ấn Độ, là một thí dụ cho phẩm hạnh anh dũng bất thối chuyển này. Trong thời gian tu tập, có lúc bà bị bệnh và yếu đến nổi bà ta phải bò lên những nấc thang để đi lên thiền đường và tiếp tục ngồi thiền. Không có gì khuất phục bà được. Lần cuối tôi gặp bà trước khi bà mất, Dipa Ma quay sang bảo tôi: "Chú biết không, chú nên thử gắng ngồi thiền trong hai ngày". Bà không nói là một khoá thiền kéo dài hai ngày, mà ý bà là một lần tọa thiền kéo dài hai ngày liên tục! Chỉ ngồi thôi, hai ngày như vậy! Khi nghe bà nói thế, tôi phá lên cười vì biết rằng hoàn toàn ngoài khả năng của mình. Bà nhìn tôi với một ánh mắt từ bi sâu xa và nói: "Chú đừng có lười biếng!" Dipa Ma có một khả năng cố quyết đáng kính phục, và nó đã đem lại cho bà một kết quả mà chỉ có thể phát xuất từ một tâm kiên cố. Những ai với đức tính này, với sức mạnh này, là những người có một khả năng tinh tấn, sẽ không bao giờ chán nản vì con đường quá dài hoặc quá gian nan. Cho dù hành trình kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm, chuyện ấy không đáng kể - vì họ là những người có đảm khí. Đức Phật cũng là biểu tượng cho phẩm hạnh nầy. Trước khi thành đạo, khi ngài vẫn còn đi tìm chân lý như chúng ta đây, ngài đã cương quyết như sau: "Nếu mục tiêu có thể đạt được bằng sự cố gắng của con người, tôi sẽ không bao giờ ngừng nghỉ hoặc thối chuyển cho đến ngày thành đạt. Cho dầu chỉ còn lại da, gân bọc xương. Cho dù thịt máu tôi có khô cạn. Tôi nhất định sẽ không thối lui sự tinh tấn của mình, cho đến ngày nào tôi đạt được những gì có thể đạt được bằng khả năng, bằng sự cố gắng và kiên chí của con người".

3.- Con đường thứ ba để đi đến thành công là tâm nguyện tu tập theo đạo Pháp, hay là Niệm Như Ý Túc. Lòng yêu chân lý này sẽ giữ cho tâm ta lúc nào cũng miệt mài với sự tu tập. Tình yêu đó bao gồm một tâm thức thanh tịnh rất lớn và một nhiệt tâm vô bờ bến. Như lần đầu tiên biết yêu - theo thế gian thường tình - tâm bạn lúc nào cũng chỉ biết tưởng nhớ đến người mình yêu. Tình yêu đạo pháp cũng có một cường độ tương tợ như thế. Tình yêu ấy sẽ trở thành con đường dẫn đến tuệ giác khi nó tràn ngập tâm ta. Chúng ta lúc nào cũng tưởng nhớ đến đạo pháp và thực hành theo, trên đời này không còn một chuyện nào quan trọng hơn nữa. Tình yêu ấy giữ cho ta vững tiến. Nó chính là tình yêu cao thượng nhất, quí giá nhất trong ta!

4.- Con đường sau chót dẫn đến thành công là phẩm hạnh của tư duy, tức sự tham cứu đạo lý. Nó cũng còn được gọi là Tư Duy Như Ý Túc. Có những người có một sự ham thích mạnh mẽ, muốn hiểu thấu được những khía cạnh sâu xa nhất, uyên thâm nhất của Phật pháp. Họ không bao giờ bằng lòng với sự hiểu biết tầm thường nông cạn bề ngoài. Cái tâm tư duy quán chiếu sự vô tận của vòng sinh tử luân hồi (samsara), sự vô bờ bến của các cõi sinh linh, và qua cái nhìn bao la ấy, nó thấy được những vướng mắc của ta trong cuộc sống. Một người với nhiệt tâm học hỏi, sẽ quán chiếu và hiểu được các nguyên nhân tiềm ẩn của khổ đau và thấy được khả năng giải thoát của mình. Họ sẽ cảm thấy rất vui thú khi thám hiểm, bước vào vùng bí mật thâm sâu nhất của tâm thức.

Bất cứ ai được ban phú cho một trong bốn đức tính căn bản này, không chóng thì chầy, rồi cũng sẽ đi đến giải thoát. Chúng ta có thể giải thoát được nhờ sức mạnh của lòng dục, tức cái tâm tham muốn và động năng thúc đẩy ta trên con đường tu tập; chúng ta cũng có thể đi đến giải thoát qua đức tinh tấn, cương quyết, một nghị lực mà không có gì ngăn trở nổi; chúng ta có thể được giác ngộ nhờ ở sụ say mê và lòng yêu quý đạo pháp; và chúng ta cũng có thể kinh nghiệm được giải thoát bằng năng lực của quán chiếu, một nhu cầu tham cứu và hiểu biết. Một trong bốn đức tính ấy đều có thể là con đường đưa ta đến nơi giải thoát.

Bổn phận của chúng ta là làm sao nhận diện được đức tính nào là ưu điểm của mình, và dựa trên đó để làm nền tảng tu tập. Ta hãy nuôi dưỡng ưu tánh đó, phát triển nó và làm sao cho mỗi ngày được vững mạnh thêm lên. Sự thách thức lớn nhất của đời ta là thực hiện được sứ mạng giải thoát, và làm sao để mang những đức tính giải thoát ấy hội nhập vào giây phút hiện tại. Con đường tỉnh thức hiện hữu trong mỗi giây, mỗi phút. Nó đang có mặt ngay bây giờ và ở đây. Ta có thể nào giữ được viễn thức ấy và cùng một lúc hoàn toàn có mặt trong giây phút hiện tại này không? Nhìn thấy những gì là chân thật, ta có cảm thấy khích lệ không? Ta nên nhớ rằng sự tu tập này không phải chỉ cho riêng mình mà thôi, nó còn vì hạnh phúc và lợi ích của mọi chúng sinh.

Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng bốn con đường để đi đến thành công viên mãn rồi đó. Phần còn lại là tùy ở ta.


Nguyễn Duy Nhiên dịch - Nguồn: Joseph Goldstein (Tu viện Quảng Đức)

Các tin tức khác

Back to top