Tu có hai hạng: dừng nghiệp và chuyển nghiệp

17/03/2024 8:47

1. Tu dừng nghiệp

Từ xa xưa không biết đạo lý, chúng ta buông lung thân chạy theo sự giết hại, trộm cướp, dâm dật (tà dâm) làm đau khổ chúng sanh, tức là nghiệp ác nơi thân. Giờ đây biết đạo lý, dừng lại không làm nữa, là tu dừng nghiệp của thân. Trước kia nơi miệng ưa nói dối trá, nói ly gián, nói hoa mỹ, nói thô bạo để lường gạt, chia lìa, say mê, bực tức khiến người đau khổ, là nghiệp ác của miệng. Hiện nay biết chận đứng ngăn đón không cho nói những lời ấy nữa, là tu dừng nghiệp nơi miệng. Khi xưa ý phóng túng chạy theo si mê, tham lam, nóng giận lôi cuốn bản thân mình vào đường lầm lạc khổ đau và làm thương tổn đến kẻ khác, là nghiệp ác của ý. Giờ này chúng ta biết hối lỗi, bắt buộc nó dừng lại, là tu dừng nghiệp của ý.

Biết dừng ba nghiệp làm ác, tức là ba nghiệp lành, vì không còn làm đau khổ chúng sanh. Ta không tạo nghiệp khổ với chúng sanh, làm gì bị nghiệp ác lôi cuốn chúng ta đến nơi đền trả. Song biết dừng nghiệp ác mới là cái thiện tiêu cực, cần tiến lên tu cái thiện tích cực chuyển nghiệp.

2. Tu chuyển nghiệp

Chuyển nghiệp tức là thay nghiệp xấu đổi thành nghiệp tốt. Thay vì ngày xưa thân ưa giết hại, trộm cướp, dâm dật (tà dâm) nay thích làm việc cứu mạng, giúp đỡ, trinh bạch, là chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện của thân. Ngày xưa miệng thường nói dối trá, nói ly gián, nói hoa mỹ, nói thô bạo, nay đổi thành nói chân thật, nói hòa hợp, nói đúng lý, nói nhã nhặn, là chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện của miệng. Ngày xưa ý hay si mê, tham lam, nóng giận nay sửa lại thành trí tuệ, buông xả, từ bi, là chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện của ý. Tu mười nghiệp lành này có tánh cách xây dựng kiến tạo sự an vui tốt đẹp cho mọi người. Ở nhân gian nếu được đa số người biết tu chuyển nghiệp thì, nhân gian không cầu hạnh phúc mà hạnh phúc cũng tự đến. Biết tu chuyển nghiệp thì hiện tại được an lành, tương lai cũng vui vẻ.

Tuy còn luân hồi, song người biết tu dừng nghiệp và chuyển nghiệp hằng đến những nơi vui vẻ cao sang. Ngược lại, kẻ buông lung ba nghiệp làm ác thì thường tới lui những nơi đau khổ cơ cực. Như nhân loại hiện sống trên quả địa cầu này, có những nơi vui tươi sung sướng, cũng có những nơi đau khổ nghèo nàn, đến trong một nước một xứ cũng vẫn có kẻ khổ người vui. Quan sát qua những cảnh tượng ấy, chúng ta thấy tùy nghiệp duyên gây tạo, chịu khổ vui sai biệt của chúng sanh thật quá rõ ràng.Mặc dù thế, muốn giúp sức mạnh cho việc tu dừng nghiệp và chuyển nghiệp được kết quả viên mãn, điều kiện tiên quyết phải Qui y Tam Bảo và giữ gìn năm giới.

Qui y là đặt định hướng cho cả cuộc đời của mình. Chúng ta tập tu dừng nghiệp và chuyển nghiệp để nhằm mục đích gì? Phải chăng vì muốn tiến theo gót chân của đức Phật, sống theo chánh pháp của Ngài, nương sự hướng dẫn của chư Tăng, để cuộc sống của chúng ta càng ngày càng vươn cao. Suốt đời chúng ta nhằm thẳng mục tiêu ấy mà tiến, không còn thái độ ngại ngùng chần chờ, dũng cảm cương quyết vượt mọi trở ngại, đến được mục tiêu mới thôi. Ðược vậy mới đúng tinh thần Qui y Tam Bảo, tức là xứng đáng sự trở về nương tựa Phật, Pháp và Tăng.

Giới luật là hàng rào ngăn chận ba nghiệp khỏi rơi vào hố tội lỗi. Gìn giữ năm giới là trạm nghỉ chân đầu trên con đường tu dừng nghiệp. Thiếu trạm nghỉ chân này, chúng ta không đủ sức khỏe leo lên ngọn núi thiện nghiệp an toàn. Năm giới cũng là nấc thang đầu trên cây thang giải thoát. Mọi sự an lành siêu thoát đều bắt nguồn từ năm giới. Cho nên là Phật tử phải xem trọng và tuân giữ năm giới, như người gìn giữ hòn ngọc quí, trong khi đi xuyên qua bọn người bất lương.

Bởi qui y giữ giới có tánh cách quan yếu như thế, nên mọi người muốn trở thành Phật tử trước phải phát nguyện qui y Tam Bảo và gìn giữ năm giới. Ðầy đủ qui giới rồi, chúng ta mới có thể tiến tu lên các pháp môn khác.



HT. Thích Thanh Từ

Các tin tức khác

Back to top