Công đức

18/03/2014 5:43
Một hôm Vi Thứ sử vì Tổ thiết đại hội trai, trai xong, Thứ sử thỉnh Tổ đăng tòa, quan liêu sĩ thứ đều thành kính lễ bái, hỏi rằng: “Đệ tử nghe Hòa thượng thuyết pháp, thật không thể nghĩ bàn, nay có một ít nghi, cúi mong Ngài đại từ đại bi đặc biệt vì giải nói.”

Tổ bảo: “Có nghi liền hỏi, tôi sẽ vì các ông mà nói.”

Thứ sử thưa: “Hòa thượng nói pháp, đâu không phải là tông chỉ của Tổ Đạt-ma ư ?”

Tổ bảo: “Đúng vậy !”

Thứ sử thưa: “Đệ tử nghe Tổ Đạt-ma khi mới đến vua Lương Võ Đế, Võ Đế hỏi: Trẫm một đời cất chùa độ Tăng, bố thí thiết trai có những công đức gì ? Tổ Đạt-ma bảo: Thật không có công đức. Đệ tử chưa thấu được lẽ này, cúi mong Hòa thượng vì nói.”

Tổ bảo: “Thật không có công đức, chớ nghi lời của bậc tiên Thánh. Võ Đế tâm tà, không biết chánh pháp, cất chùa độ Tăng, bố thí, thiết trai đó gọi là cầu phước, chớ không thể đem phước đổi làm công đức. Công đức là ở trong pháp thân, không phải do tu phước mà được.”

Tổ lại nói:

- Thấy tánh là công, bình đẳng là đức, mỗi niệm không ngưng trệ, thường thấy bản tánh, diệu dụng chân thật gọi là công đức.

- Trong tâm khiêm hạ là công, bên ngoài hành lễ phép là đức;

- Tự tánh dựng lập muôn pháp là công, tâm thể lìa niệm là đức;

- Không lìa tự tánh là công, ứng dụng không nhiễm là đức.

- Nếu tìm công đức pháp thân, chỉ y nơi đây mà tạo là chân công đức.

- Nếu người tu công đức, tâm tức không có khinh, thường hành khắp kỉnh. Tâm thường khinh người, ngô ngã không dứt tức là không công, tự tánh hư vọng không thật tức tự không đức, vì ngô ngã tự đại thường khinh tất cả.

- Này Thiện tri thức, mỗi niệm không có gián đoạn là công, tâm hành ngay thẳng là đức,

- Tự tu tánh là công, tự tu thân là đức.

- Này Thiện tri thức, công đức phải là nơi tự tánh mà thấy, không phải do bố thí cúng dường mà cầu được.

Ấy là phước đức cùng với công đức khác nhau. Võ Đế không biết chân lý, không phải Tổ Sư ta có lỗi.”


Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng - HT. Thích Thanh Từ dịch và diễn giải

Các tin tức khác

Back to top