Câu chuyện thứ hai là ông Phạm Chí Hắc Thị, cũng tu chứng được năm thần thông, thuyết pháp rất hay, đến trời Đế Thích còn xuống nghe pháp.
Nhưng một hôm nghe vị ấy giảng xong, trời Đế Thích bỗng tỏ vẻ buồn bã rơi lệ.
Phạm Chí thấy lạ bèn hỏi:
- Ngài vì sao buồn khóc như thế?
Trời Đế Thích nói:
- Tôi nghe ngài giảng pháp rất hay, song tôi biết rõ tuổi thọ của ngài chỉ còn bảy ngày nữa thôi.
Phạm Chí nghe xong hoảng hồn, xin trời Đế Thích cứu cho.
Trời Đế Thích từ chối, chỉ ông đến với Phật.
Phạm Chí vội dùng thần thông bay đến chỗ Phật, trên đường thấy hai cây ngô đồng đang trổ hoa bèn nhổ cả hai bưng trên tay đến cúng Phật.
Phật gọi Phạm Chí bảo:
Hãy buông đi!
Ông buông cây bên trái.
Phật lại bảo:
Buông đi!
Ông buông tiếp cây bên phải.
Phật bảo tiếp:
Buông đi!
Ông thưa:
- Bạch Thế Tôn! Hai tay con đều trống cả rồi. Ngài còn bảo con buông cái gì?
Phật bảo:
Ta chẳng phải bảo ông buông gốc hoa đó, mà chính là bảo ông buông sáu trần bên ngoài, sáu căn bên trong và sáu thức ở giữa kia kìa. Tất cả một lúc buông sạch hết, không còn chỗ nào để buông nữa, ngay đó chính là chỗ ông thoát khỏi sinh tử.
Phạm Chí ngay đó liền tỏ ngộ phép vô sinh, lễ tạ Phật.
Ông Phạm Chí Hắc Thị này cũng được thần thông, cũng biết thuyết pháp, nhưng vẫn chưa được an ổn đối với sinh tử, vẫn chưa có lỗi thoát, phải tìm đền Phật pháp.
Chỉ “ba cái buông” của Phật dạy đó, mới là con đường an ổn thật sự trong thế gian này.
Đối với bên ngoài, buông hết các trần, không để tâm duyên theo, phóng ra, là cắt đứt duyên ngoài.
Đối với bên trong buông các căn, không bám vào chỗ thấy biết nơi căn khiến các trần đi vào, làm chỗ tiếp xúc với duyên ngoài, là cắt đứt duyên trong.
Buông thức, là không sinh tâm phân biệt yêu ghét trên căn trần, thì sinh tử sẽ đến ở chỗ nào? Pháp vô sinh là đó!
Chúng ta vì bám chặt nơi căn, đuổi theo trần, sinh tâm phân biệt lăng xăng nên dẫn mình chạy mãi trong luân hổi sinh tử.
Mắt thấy sắc liền đuổi theo sắc, khởi phân biệt đẹp xấu, sinh yêu ghét, thành có phiền não, quên mất thật.
Trong bài sám hối sáu căn của vua Trần Thái Tông lời sám hối về căn mắt, vua nói:
“Nhân ác xem kỹ, nghiệp thiện coi khinh.
Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật”.
Tức là, với những cái nhân ác, nhân đưa mình vào đau khổ lại xem kỹ, lại đuổi theo tạo tác; còn nghiệp thiện, nghiệp an vui lại coi thường bỏ qua. Sống lầm lẫn thật nơi chính mình. Cần phải sám hối để tỉnh trở lại.
Tai thì nghe tiếng, rồi chạy theo tiếng, phân biệt dở hay, cũng sinh yêu ghét, dẫn đi vào sinh tử.
“Ghét nghe chính pháp, thích nghe lời tà.
Mê mất gốc chân, đuổi theo ngoại vọng”.
Chánh pháp giúp mình mở sáng tâm tính lại không thích nghe, thành chạy theo cái hư vọng giả dối bên ngoài, quên mất gốc chân thật sáng ngời nơi mình. Sống như thế gọi là sống mất mình, sống bị vật chuyển, mất tự chủ, Phật gọi là mê.
Mũi đuổi theo mùi, phân biệt thơm thối, cũng lại đi vào sinh tử vô thường:
"Thường tham mùi lạ, trăm thứ ngạt ngào.
Chẳng thích chân hương, năm phần thanh tịnh”.
Tức theo mùi hương của duyên trần bên ngoài, còn hương chân thật là năm phần pháp thân hương: hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát, hương giải thoát trí kiến giúp mình mở sáng trí tuệ, giải thoát khổ đau thì không quan tâm...Lưỡi, thân, ý cũng như vậy, cứ đuổi theo vị trần, xúc trần, pháp trần mà quay lăn trong vòng sinh tử vô thường, quên mất cội nguồn tâm tính chân thật xưa nay.
Vua Trần Thái Tông nhắc mình hằng sám hối nơi sáu căn, là khiến mình buông xả, không đắm mê theo sáu trần, tức trở về ông Phật của chính mình.
Đây là một pháp sám hối rất có nhiều ý nghĩa sâu xa và thực tế. Chúng ta sám hối thực sự và hành theo đúng đắn thì bảo đảm tâm thanh tịnh, tội không sinh, là chuyển mình từ trong thế gian mê lầm trở về tính giác, liền gặp Phật.
Trong các kinh A Hàm, Phật thường gọi sắc là thức ăn của mắt, tiếng là thức ăn của tai, mùi là thức ăn của mũi...
Mắt thiếu sắc là nó đói, tai thiếu tiếng là nó đói, phải chạy đi tìm để ăn, suốt ngày luôn chạy tìm không dừng, chẳng mấy lúc được yên.
Ngồi một mình thiếu sắc, thiếu tiếng thì cảm thấy buồn, phải mở nhạc, xem ti-vi cho vui.
Đó là sống theo chiều của cái tôi hư dối, cái tôi sinh diệt vô thường, không phải cái độc tôn mà Phật muốn nhắc.
Ý Phật muốn nhắc mỗi người, phải vượt ra cái tôi sinh diệt này, phát minh ra cái chân thật nơi chính mình, làm chủ trở lại sinh tử, đó mới chính là Phật, là độc tôn, không có gì ở thế gian có thể sánh kịp.
Đức Phật xuất hiện ở thế gian chính vì điểm trọng yếu này.
HT. Thích Thông Phương
Các tin tức khác
- Một chút từ bi cứu cả nhà thoát chết (15/05/2024 8:37)
- Khẩu nghiệp có nghĩa là gì? (14/05/2024 8:23)
- Bảy bước mầu nhiệm (14/05/2024 8:20)
- Thiên thần hay ác quỷ là tùy thuộc vào hành động và quyết định của chính mình (14/05/2024 8:16)
- “Tùy thời nghe pháp có năm công đức” (13/05/2024 8:28)
- Phẫn và hận - gốc rễ của đấu tranh (13/05/2024 8:22)
- Lạy Phật là một pháp tu (12/05/2024 8:16)
- Làm thế nào có thể không già? (12/05/2024 8:14)
- Đời người ngắn, ta sống được mấy khi (11/05/2024 8:43)
- “Khó thay, Phật ra đời” (11/05/2024 8:39)