Trái lại, người dưới mình, nhỏ hơn mình, nói hoặc là làm những điều cho mình bực tức, mà mình không bực tức. Đó mới là nhẫn nại.
Đức Phật dạy rằng lòng nhẫn nại là nguồn gốc các pháp lành. Nếu ai làm khổ ta, ta hãy nhẫn nại mà suy xét rằng đó là cái nghiệp của ta vì kiếp trước ta đã làm khổ họ, nên kiếp này ta phải trả.
Sự nhẫn nại ví giống như lửa để thiêu đốt các oán thù, sân hận, tật đố và oan trái. Phật nói: Ai thương Như Lai phải có lòng nhẫn nại.
Phương ngôn có câu: Gặp Phật thì tu, gặp quỷ thì trừ. Chư thiện tín thử nghĩ xem, ta trừ quỷ bằng cách nào đây? Vậy thì câu nói ấy không đúng với giáo lý nhà Phật. Phải sửa lại như vầy: Gặp Phật thì tu, gặp quỷ phải tu nhiều hơn nữa. Vì Phật chỉ dạy ta các giáo lý chân chánh mà thôi, duy có quỷ nó mới là cái mầm làm cho ta sanh ra các chứng tham lam, sân hận, si mê và oán thù. Gặp quỷ ta phải ráng nhẫn nại tu nhiều hơn nữa là vậy. Ta tu tâm, tu tánh mới mong đắc được quả lành.
Xin thiện nam, tín nữ suy xét cho kỹ, tập tánh nhẫn nại, vì theo lời Phật dạy : Nhẫn nại là nguồn gốc các pháp lành, nó sẽ đem lại cho thiện tín các sự an vui vĩnh viễn.
Trong Kinh Phật dạy : Người thiện tín nên có pháp tánh nhẫn nại, vì tánh ấy tránh cho ta ba điều khổ là khổ vì lòng tham lam, khổ vì lòng sân hận và khổ vì lòng si mê.
Nhẫn nại với sự khổ vì lòng tham lam
Con người hay có tánh ham muốn. Tham tiền của, tham sắc đẹp, tham ăn ngon, tham danh vọng. Khi có một muốn mười, có người muốn một trăm. Túi tham không đáy là vậy. Muốn thỏa lòng ham muốn, con người sanh ra trộm cướp hoặc lường gạt, hoặc bày mưu sâu kế độc. Không lúc nào tâm được an vui, mãi lo toan tính hoài. Phải khổ thân, khổ tâm, khổ trí.
Vậy ta phải dùng phép nhẫn nại diệt lòng tham muốn thì ta mới khỏi khổ được.
Nhẫn nại với sự khổ vì lòng sân hận
Sân hận nghĩa là nóng giận, nhiều người có tánh hay nóng giận. Vì một cử chỉ hoặc một lời nói mà cơn giận phát sanh. Khi ấy ta quên suy xét phải quấy, ta mắng nhiếc, chửi rủa, đập đồ đạc, có khi quá cơn giận đi đến việc phải chém giết người là khác. “No hết ngon, giận hết khôn” là vậy đó. Khi hết cơn nóng giận, ta ăn năn, ta thấy đau khổ.
Vậy ta phải dùng phép nhẫn nại diệt lòng sân hận thì ta mới khỏi khổ được.
Nhẫn nại với sự khổ vì lòng si mê
Si mê là mờ ám, không phân biệt sự thật, sự giả của vạn vật. Có người học nhiều hiểu rộng, mà không sao tránh khỏi tánh si mê. Khi ta có bệnh, ta uất ức, than thở, khi gần chết ta mến tiếc nhà cửa, tiền của, danh vọng và mến tiếc xác thân của ta. Đức Thế Tôn có dạy : Muốn khỏi si mê, ta phải nghĩ rằng người sanh ra có thân, thì phải có già, có bệnh và có chết. Khi chết ta không thể đem theo cái gì khác hơn là “nghiệp của ta”, nó theo ta mãi mãi. Nếu trong đời, ta tạo nghiệp lành, thì ta được sanh về cõi an vui; nếu trong đời ta tạo nghiệp dữ, ta sẽ sanh về cõi khốn khổ đau thương.
Vậy thiện tín phải đàn áp lòng si mê, nhất là lúc gần lâm chung, phải nhẫn nại, đừng si mê, cố quên những điều dữ, ráng nhớ những điều lành. Mà muốn nhớ những điều lành, trong đời ta, ta cần phải tạo nhiều nhân lành như bố thí, giúp đỡ kẻ cùng khổ và rải lòng từ bi chung quanh ta.
Vì lòng si mê mà phải khổ. Tôi xin kể một câu chuyện cho thiện tín dễ hiểu. Thưở Đức Phật còn tại thế, có ông bá hộ nọ, chôn một hũ vàng trong nhà không cho vợ con biết. Lúc lâm chung, ông vẫn còn mến tiếc tiền của, nhất là hủ vàng của ông chôn. Khi chết rồi, ông đầu thai làm con chó giữ nhà cho con trai ông. Một bữa nọ, Đức Phật đi khất thực ngang qua nhà con trai ông bá hộ, con chó chạy ra sủa Phật, Phật biết trước kiếp trước của nó, nên dừng lại nói:
- Mi còn tiếc của lắm, nên phải lên mà giữ của.
Từ đó con chó buồn bực, biếng ăn. Người con trai ông bá hộ thấy con chó buồn bực bỏ ăn, mới kêu người nhà hỏi nguyên cớ, chúng trả lời rằng:
- Bữa nọ ông Gotama đi ngang qua đây, không biết ông nói gì với con chó mà nó bỏ ăn mấy hôm nay.
Người con trai ông bá hộ chờ Phật đi ngang qua nhà liền đón hỏi:
- Này ông Gotama, ông nói gì mà con chó của tôi bỏ ăn mấy bữa rày?
Đức Phật day qua phía con chó mà hỏi rằng:
- Vàng nhà ngươi chôn ở đâu, hãy chỉ cho người ta moi lên.
Con chó tức thì chạy vô nhà, đến cào tại chỗ chôn vàng, người nhà đào lên quả gặp một hủ vàng.
Đó, chư thiện tín thấy chưa? Bởi si mê mà ông bá hộ phải đầu thai lại giữ của. Vì si mê mà ta phải khổ với sự già, sự bệnh hoạn và sự chết. Vậy ta phải dùng phép nhẫn nại để diệt khổ bởi lòng si mê.
Cái nhân sanh lòng nhẫn nại:
Nếu chư thiện tín muốn cho lòng nhẫn nại được tăng thêm mãi mãi, nên suy xét như vầy: Người nào nói xấu ta, mắng nhiếc ta, chửi rủa, nói lời đâm thọc để làm cho ta bực tức, ấy là người đem phước đến cho ta. Người làm cho ta khổ, là người dạy cho ta học các bài học về sự nhẫn nại.
Người muốn sanh lòng nhẫn nại, phải có bốn điều:
Suy nghĩ về nghiệp
Thấy cái hại của sự thiếu nhẫn nại
Thấy quả báo của sự nhẫn nại
Thấy nhẫn nại là pháp Ba-la-mật của chư Phật khi còn làm vị Bồ-tát.
Quả lành của sự nhẫn nại:
Nếu chư thiện tín biết các kết quả tốt đẹp , quý báu của pháp nhẫn nại, thiện tín sẽ vui lòng tập rèn tánh nhẫn nại từ đây.
Sự nhẫn nại là mầm sanh các pháp làngh, nhất là giới, định, tuệ.
Sự nhẫn nại giúp nhổ tận gốc các pháp bất thiện. Người nhẫn nại gọi là người bứng hết gốc rễ của các tội lỗi và tai hại.
Sự nhẫn nại là vật trang điểm của các bậc trí thức. Người nhẫn nại là người có lợi lộc, quyền tước, hằng được hạnh phúc, là người mà chư thiên và nhân loại hằng thương yêu, quý mến.
Sự nhẫn nại là vật thiêu đốt các điều tội lỗi của các bậc hành phạm hạnh, sự nhẫn nại là một sức mạnh vô biên của người hành phạm hạnh.
Sự nhẫn nại đem lại lợi ích cho mình và những người chung quanh. Người nhẫn nại là người đi trên con đường đi đến thiên đàng và Níp-bàn.
Người nhẫn nại là người hành theo lời giáo huấn của Đức Từ Phụ. Người nhẫn nại là người cúng dường Đức Thế Tôn bằng sự cúng dường cao quý.
Theo: Pháp môn Đức Phật Tổ Gotama
Các tin tức khác
- Ta là thì chẳng phải là ta (21/03/2014 12:14)
- Thực chứng hơn nịnh hót (21/03/2014 12:00)
- Sinh và tử (20/03/2014 10:46)
- Những điều thú vị về nước (19/03/2014 3:48)
- Giàu và nghèo (19/03/2014 3:47)
- Bàn tay của Mokusen Hiki (18/03/2014 7:10)
- Công đức (18/03/2014 5:43)
- Cấy mạ (18/03/2014 1:48)
- Ba điều nên biết khi làm phước (17/03/2014 7:46)
- Người không sợ hãi (17/03/2014 7:26)