Giữ tâm chánh niệm

29/05/2024 8:25
Phòng hộ các căn là pháp tu căn bản khi người tu đối duyên xúc cảnh. Nhất là đối với những duyên trần đẹp đẽ, khả ái, dễ khởi tâm ưa thích thì sự phòng hộ càng cẩn mật hơn.

Nên trước khi nàng Am-la, một giai nhân tuyệt sắc của thành Tỳ-xá-ly đến cúng dường, Thế Tôn phải nhắc các Tỳ-kheo tân học tinh cần nhiếp tâm an trụ, chánh trí, chánh niệm. 

Thế Tôn đã chỉ dạy thật rõ ràng, tu tập không nhất thiết phải cố trốn chạy cuộc đời với cảnh trần hấp dẫn mà cần đối diện, tiếp xúc với ba sự phòng hộ “tinh cần nhiếp tâm an trụ, chánh trí, chánh niệm”. Bởi “ý dẫn đầu các pháp” nên phòng hộ đích thực không phải là nhắm mắt, bịt tai mà là làm chủ tâm ý.

“Một thời, Phật trú tại Bạt-kỳ, du hành trong nhân gian, đến nghỉ trong vườn Am-la, nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ có nàng kỹ nữ Am-la nghe tin Đức Thế Tôn du hành từ Bạt-kỳ đến ở trong vườn Am-la, liền sửa soạn đánh xe ra khỏi thành Tỳ-xá-ly, đến chỗ Thế Tôn cung kính cúng dường. Khi đến cửa vườn Am-la, xuống xe đi bộ, từ xa trông thấy Thế Tôn thuyết pháp cho đại chúng đang vây quanh. Thế Tôn thấy nàng Am-la sắp đến, bảo các Tỳ-kheo:

Này các Tỳ-kheo, các ông nên tinh cần nhiếp tâm an trụ, chánh trí, chánh niệm. Nay có cô gái Am-la đến, nên phải giáo giới các ông.

Thế  nào  là  Tỳ-kheo  tinh  cần  nhiếp tâm an trụ? Nếu Tỳ-kheo nào đối với pháp ác bất thiện đã sinh thì nên đoạn trừ, phát khởi ý chí, phương tiện, tinh tấn,  nhiếp  tâm;  đối  với  pháp  ác  bất thiện nếu chưa sinh, thì đừng để sinh. Đối với pháp thiện chưa sinh thì nên làm cho phát sinh; nếu pháp thiện đã sinh, thì khiến an trụ không để mất. Tu tập đầy đủ, phát khởi ý chí, phương tiện, tinh tấn, nhiếp tâm. Đó gọi là Tỳ-kheo tinh cần an trụ nhiếp tâm.

Thế  nào  gọi  là  Tỳ-kheo  an trụ chánh  trí? Nếu Tỳ-kheo nào trong những oai nghi tới, lui, thường theo chánh trí; quay nhìn, trông, ngắm, co, duỗi, cúi, ngước, cầm y bát, đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ, thức, nói, im lặng, đều an trụ với chánh trí. Đó là chánh trí.

Thế nào là chánh niệm? Nếu Tỳ-kheo nào an trụ chánh niệm quán thân trên nội thân, tinh cần, phương tiện, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian; an trụ chánh niệm quán thọ, tâm, pháp trên pháp, tinh cần, phương tiện, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian. Đó gọi là Tỳ-kheo chánh niệm. Cho nên, các ông hãy tinh cần nhiếp tâm an trụ, chánh trí, chánh niệm. Nay có cô gái Am-la đến, nên phải giáo giới các ông…”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 622 [trích])

Khởi đầu của phòng hộ là an trụ tinh cần. Cụ thể là ác pháp đã sinh thì đoạn trừ, ác pháp chưa sinh thì không cho phát sinh, thiện pháp chưa sinh thì làm cho phát sinh, thiện pháp đã sinh thì khiến cho tăng trưởng. Tinh cần như người làm vườn chuyên tâm nhổ cỏ dại, cắt cành sâu thì vườn tâm chỉ còn hoa thơm trái ngọt.

An trụ chánh trí ở đây chính là rõ biết, thấy trọn, giác tỉnh trong mọi oai nghi, hành động. Tỉnh thức trong mọi oai nghi sẽ kiểm soát chặt chẽ và làm chủ được hành vi trong đời sống hàng ngày. Nhờ sự rõ biết, thức tỉnh trọn vẹn về thân hành nên tâm được an trụ, không buông lung, phóng dật.

An trụ chánh niệm tức quán niệm sâu sắc về Tứ niệm xứ thân, thọ, tâm, pháp. Nếu một Tỳ-kheo tân học nỗ lực phòng hộ đúng theo chỉ dạy của Thế Tôn thì khi đối duyên xúc cảnh tâm luôn an trụ, định tĩnh, tự tại, không bị cuốn theo trần. 


Quảng Tánh

Các tin tức khác

Back to top