Ở Tây Tạng có câu chuyện:
Geshé Ben, một tăng sĩ trẻ Tây Tạng, giữ giới luật Đại Thừa rất kỹ sống vào thế kỷ XI. Một ngày nọ Ben được một gia đình mời đến thọ thực tại gia đình ấy.
Trong lúc gia đình đang dọn thức ăn, Ben đang đói bụng, và tự đi vào trong bếp. Bỗng Ben phát hiện bàn tay mình đang thò vào một bao bố đựng trà thơm. Ben liền kêu to lên: “Ăn trộm! Ăn trộm!” và tự đánh vào bàn tay tham lam của mình. Cả nhà nghe tiếng chạy vào hỏi: “Ăn trộm đâu?” và người cha cầm sẵn gậy để bảo vệ cho cả gia đình. Nhưng Ben đỏ mặt giơ tay ra bảo: “Đây! Đây! Chính tôi vừa bắt gặp chính mình đang lợi dụng lòng tốt của quý vị!”. Sau đó Ben nguyện lớn rằng: nếu còn tái phạm sẽ tự chặt tay ấy!
Một lần khác Ben và các vị Lạt Ma trưởng lão được mời đến một gia đình sang trọng cúng dường. Mọi người được xếp theo thứ tự bậc trưởng lão ở trên, dần xuống những vị tăng trẻ. Chủ nhà và người hầu cận bắt đầu dọn sữa cho các vị trưởng lão trước. Ben nhìn thấy nóng ruột. Nhìn qua bình sữa hơi nhỏ, Ben nghĩ đến phiên mình chắc đã cạn hết sạch còn gì! Vừa nghĩ tới đó, Ben tự nói to giữa đông người: “Ôi! tham lam!”. Sau đó người nhà đem thêm sữa, và sắp cho vào bát của Ben, thì Ben liền chặn lại bảo: “Thôi cám ơn! Ý nghĩ tham lam của tôi đã ăn hết phần của tôi rồi! (Sư Tử Tuyết Bờm Xanh)
Nếu ai cũng biết nghiêm túc thấy lại mình một cách chân thật như thế, chắc chắn trên đường tu hành rất mau tiến. Và hẳn đâu còn có ăn trộm trên cõi đời này! Mà nếu không có phản quan thì sao thấy được như thế? Cho nên đối với người tu, công phu soi lại mình rất là quan trọng, là then chốt trong mọi pháp tu. Pháp tu nào mà thiếu soi lại mình là khó đạt đến cứu cánh. Tụng kinh, lễ Phật nhiều mà không biết soi lại mình để thắng những phiền não sinh khởi cũng chưa là hay!
Như ông Tăng tên Pháp Đạt, tụng thuộc lòng kinh Pháp Hoa đến gặp Lục Tổ Huệ Năng, làm lễ mà đầu không sát đất, bị Tổ quở:
- Lễ mà đầu không sát đất, chi bằng chẳng lễ? Trong tâm của ông hẳn có một vật, ông đã chứa đựng việc gì?
Pháp Đạt đáp:
- Đã tụng kinh Pháp Hoa đến ba nghìn bộ.
Tổ bảo:
- Nếu ông tụng đến mười nghìn bộ, nhận được ý kinh mà chẳng lấy đó cho là hơn, thì cùng ta đồng đi.
Nay ông cậy có sự nghiệp này đều chẳng biết lỗi. Hãy nghe ta nói kệ:
Lễ vốn bẻ cờ mạn
Đầu sao không sát đất
Có ta tội liền sinh
Quên công phước không sánh
Đó là tụng kinh nhưng chưa đạt ý kinh, thiếu soi lại mình, để tâm ngã mạn nó chen vào nên lễ Tổ mà đầu không sát đất, Tổ quở để nhắc ông thấy lại mình mà tỉnh ngộ, không chấp vào đó thì phước mới không sánh được.
Tu hành có nhiều cách, nhưng nói đơn giản lại, thắng được mình là chính yếu. Tu công phu nhiều, ngồi thiền suốt ngày, ăn lá cây, uống nước suối, ngày ăn một bữa, ngồi trong tuyết lạnh… mà không thắng được mình, gặp sân liền sân, gặp tham liền tham, đụng danh kẹt danh, thấy lợi dính lợi… cũng chưa được bậc giác ngộ khen ngợi!
Phải luôn luôn tinh tiến thắng được chính mình, lấy lại quyền làm chủ đã từ bao đời bị đám giặc lòng đoạt lấy.
Đó là con đường sống an vui.
HT. Thích Thông Phương
Các tin tức khác
- Nếu gặp rắn bạn sẽ làm gì? ( 9/07/2024 8:41)
- Nhận thức mọi thứ đều vô thường giúp ta sống cuộc đời tự tại, nhẹ nhàng hơn ( 9/07/2024 8:37)
- Động cơ chính yếu của sự tu hành là gì? ( 9/07/2024 8:31)
- Phân biệt bạn lành, bạn dữ theo lời Phật dạy ( 8/07/2024 8:45)
- Đức Phật là vị Thầy dẫn đường ( 7/07/2024 5:32)
- Chỉ khi ta bước đi, cuộc sống mới thực sự mở ra ( 7/07/2024 5:28)
- Chăm làm việc thiện, họa có đến cũng chẳng lo ( 7/07/2024 5:25)
- Tâm yên không phải là vô cảm ( 6/07/2024 8:31)
- Tùy lúc lễ lạy ( 6/07/2024 8:24)
- Thế nào là nghiệp ác? ( 6/07/2024 8:20)