Vô minh khởi sinh từ đâu?

8/08/2024 8:19
Tánh biết của mỗi người vốn đã sáng suốt-định tĩnh-trong lành, vậy thì vô minh phát sinh ra từ đâu? Có ai trong chúng ta đã từng tự đặt cho mình câu hỏi này chưa?

Không quan trọng mình đang ở trong hoàn cảnh nào, ở nhà, ở chùa hay ở nơi làm việc, dù có ở đâu thì điều quan trọng vẫn là tại đây, ngay giây phút này tâm đang Minh hay đang Vô Minh. Đối với thân-thọ-tâm-pháp đang xảy ra ngay đây thì tâm mình đang hoàn toàn sáng suốt, hay đang mê mờ?

Vô minh khởi sinh từ tâm, vậy tâm trong điều kiện như thế nào sẽ khiến Vô minh khởi sinh. Vô minh là một nhân đầu tiên, khi nó khởi sinh thì tâm mới động, mới dẫn đến tham-sân-si. Thầy phát hiện ra trong quá trình tu học vô minh xuất phát từ 3 tình huống:

1. Khi hành động như một thói quen 

Thí dụ khi mình leo cầu thang nhà người khác thì mình luôn thận trọng-chú tâm-quan sát để leo từng bậc thang như thế nào cho khỏi ngã, còn khi leo cầu thang nhà mình thì hành động đã hoàn toàn theo thói quen, nhắm mắt mình cũng leo được. Khi mình làm theo thói quen thì sẽ hành động một cách vô thức, làm như cái máy mà không ý thức được việc đang làm, lúc đó tâm không còn sáng suốt và tỉnh táo nữa. Thói quen là một trong những đường dẫn đến Vô Minh.

Chính vì vậy theo Thầy không nên hành thiền theo thói quen. Mỗi lần thiền nên là mỗi mới, chứ không phải đem những cái ngày hôm qua ra áp dụng cho ngày hôm nay. Tâm càng tiếp xúc với những điều mới mẻ thì sẽ càng tinh tế và bén nhạy, còn khi tiếp xúc với những gì cứ lặp đi lặp lại thì tâm sẽ trở nên máy móc và chai lỳ. Đó là cơ hội để Vô Minh khởi sinh.

Vì vậy có nhiều người càng hành thiền tâm càng trở nên tối tăm. Tâm tự nhiên đã mất đi hứng thú với những gì đang xảy ra, không còn nhạy bén nữa.

2. Khi muốn lưu giữ một kinh nghiệm 

Thí dụ hôm qua mình thiền đạt được "hỷ lạc", nên mình muốn nắm giữ, và muốn hôm nay cũng phải đạt được như vậy. Thế là tâm không còn sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm mới mẻ. Kinh nghiệm thì luôn cục bộ chứ chưa bao giờ là cái toàn thể, mà Pháp là cái toàn thể luôn biến đổi vô cùng, pháp luôn luôn mới. Khi nắm giữ kinh nghiệm thì luôn là chuyện cũ rồi, làm sao theo kịp cái mới mẻ nơi pháp, làm sao thấy được vô thường, vô ngã. Lưu giữ kinh nghiệm cũng là đường dẫn tới Vô Minh.

3. Khi lường trước kết quả sẽ đến 

Lẽ ra cái gì đến sẽ đến, cái gì đi sẽ đi, nhưng mình lại tự đặt ra trong tâm những điều sẽ đến, dự đoán trước kết quả nên khiến tâm không thể trọn vẹn thực sự với cái đang là. Những điều mình dự đoán là do ảnh hưởng từ kinh sách, từ chia sẻ của người khác mà định ra trước một kết quả để đi tới. Thật ra mình chưa thực thấy những điều ấy mà chỉ tưởng tượng ra thôi, nhưng mình lại muốn có được chúng, đây cũng là đường dẫn tới Vô Minh.

Giống như mình muốn đi gặp Đức Phật, mình chưa gặp Ngài bao giờ nhưng trong nhà có tượng của Ngài, thế là mình cho rằng ông Phật ngoài đời giống như bức tượng. Rồi mình đi gặp Đức Phật và thấy người ấy không hề giống với tưởng tượng của mình, và cho rằng mình chưa gề gặp Đức Phật nào cả. Đó chính là Vô Minh. 

Để tránh không rơi vào 3 tình huống trên:

Vì thế khi tu học tránh để rơi vào 3 tình huống nói trên. Tu học chỉ là tại đây, ngay giây phút này phát hiện ra được tâm đang Minh, hay đang Vô Minh. Toàn bộ việc tu học chỉ gói gọn chừng đó thôi: 

Vô minh thì Thập Nhị Nhân Duyên sinh.

Minh thì hành chấm dứt, Thức chấm dứt, Danh Sắc, Lục Nhập, Ái Thủ Hữu, Sinh Lão Tử và Sầu Bi Khổ Ưu Não chấm dứt, toàn bộ tiến trình đó chấm dứt ngay tại đây và bây giờ không qua thời gian. Minh tức là đang chánh niệm tỉnh giác. 


Thầy Viên Minh

Các tin tức khác

Back to top