Nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ

20/08/2024 8:37
Từ nhân duyên ban đầu là giữ Giới, trải qua một quá trình dài cho đến đắc Định, tiếp tục tháo gỡ các kiết sử cho đến lúc thành tựu Tuệ, trở thành bậc Thánh giải thoát.

“Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ vào lúc xế chiều, Tôn giả A-nan từ chỗ độc cư tĩnh tọa đứng dậy, đến trước Đức Phật, đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên, thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, giữ giới có ý nghĩa gì?

Đức Thế Tôn đáp:

- Này A-Nan, giữ giới có ý nghĩa khiến cho không hối hận. Này A-Nan, nếu ai giữ giới, người ấy được sự không hối hận.

- Bạch Thế Tôn, định có ý nghĩa gì?

 - Này A-nan, định có ý nghĩa là khiến cho thấy như thật, biết như chơn. A-nan, nếu ai có định người ấy thấy như thật, biết như chơn.

- Bạch Thế Tôn, thấy như thật, biết như chơn có ý nghĩa gì?”

- Này A-nan, thấy như thật, biết như chơn có ý nghĩa là khiến cho yếm ly. Này A-nan, thấy như thật, biết như chơn người ấy có sự yếm ly.

- Bạch Thế Tôn, yếm ly có ý nghĩa gì?

- Này A-nan, yếm ly có ý nghĩa là khiến cho vô dục. A-nan, nếu ai yếm ly người ấy được vô dục.

- Bạch Thế Tôn, vô dục có ý nghĩa gì?

- Này A-nan, vô dục có ý nghĩa là khiến cho giải thoát. Này A-nan, nếu ai vô dục thì người ấy được giải thoát hết thảy dâm, nộ, si.

Cho nên, này A-nan, nhân trì giới mà được không hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà được hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được định. Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa’.

- Này A-nan, đó chính là các pháp hỗ trợ lẫn nhau, làm nhân cho nhau. Như vậy, giới này đưa đến chỗ cao tột, tức là đưa từ bờ này đến tận bờ kia.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Tập tương ưng, kinh Hà nghĩa, số 42 [trích])

Ở trích đoạn trước, chúng ta đã biết về cơ chế “nhân giới sinh định”, trích đoạn này Đức Phật chỉ rõ về “nhân Định phát Tuệ”.

Nhờ có định, hành giả mới có thể thấy như thật, biết như chơn tức thấy ra bản chất khổ-vô thường-vô ngã của các pháp. Nhận thức của chúng ta phần lớn đều được định hình qua lăng kính của nghiệp. Tùy thuộc vào nghiệp chung và nghiệp riêng mà ta nhìn ra sự vật, hiện tượng sai khác nhau. Cùng một người hay một việc mà kẻ khen người chê, kẻ yêu người ghét. Chỉ khi nào tâm yên lặng, định tĩnh thì chúng ta mới có thể thấy đúng như thật bản chất của vạn pháp.

Dựa trên nền tảng thấy biết như thật mà tâm yếm ly phát khởi. Yếm ly là sự chán ghét, nhờm tởm khi thấy được chân tướng của sự vật, hiện tượng. Nhờ yếm ly nên vô dục, không còn khởi tâm chạy theo những gì mình thích và tính toan sở hữu đồng thời cũng không ghét bỏ những gì mình không thích. Không vọng cầu, chẳng tham dục sẽ khiến cho thân được thong dong, tâm luôn tự tại, không còn dính mắc nên thành tựu giải thoát.

Giải thoát chính là tâm sạch không triền phược, vượt thoát tham lam, sân hận và si mê. Sau khi thành tựu giải thoát, Thánh giả biết đúng như thật rằng: ‘Sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa’. Đây là địa vị của bậc Thánh A-la-hán, viên mãn Giới-Định-Tuệ.

Từ nhân duyên ban đầu là giữ Giới, trải qua một quá trình dài cho đến đắc Định, tiếp tục tháo gỡ các kiết sử cho đến lúc thành tựu Tuệ, trở thành bậc Thánh giải thoát. Lộ trình này đã trở thành chuẩn mực cho hàng đệ tử tu học Phật pháp từ thời Thế Tôn cho đến hiện nay. Dù cho tu học theo bất cứ tông phái, hệ phái hoặc dòng truyền thừa nào, Giới-Định-Tuệ vẫn là xương sống, là điểm quy chiếu của Chánh pháp. Nên, thiếu vắng Giới-Định-Tuệ thì không phải Chánh pháp và chắc chắn không thành tựu giác ngộ, giải thoát. 



Quảng Tánh

Các tin tức khác

Back to top