Làm sao để giữ cho tâm ý trong sạch?

23/08/2024 8:47
Cái gì làm nó nhơ uế? Đây là vấn đề tôi phải giải thích hơi nhiều. Trước khi nói tâm ý trong sạch, tôi xin nói tâm ý nhơ nhớp. Sao gọi là tâm nhơ nhớp?

Thí dụ thấy người để món đồ tốt, ta sanh lòng tham muốn lén lấy. Muốn lén lấy, đó là tâm ý nhơ nhớp.

Hoặc người ta thấy điều sai trái nên chỉ cho mình, mình nổi nóng cự lộn người ta, đó là tâm ý nhơ nhớp.

Thấy người làm ăn phát đạt, mình thua kém rồi ganh tỵ, thù oán người, đó là tâm ý nhơ nhớp.

Khi chúng ta biết tu rồi phải gạn lọc tâm ý cho được trong sạch.

Nếu cứ nuôi dưỡng tâm ý nhơ nhớp thì chúng ta sẽ tạo nên những lỗi lầm, những tội rất lớn ở mai sau.

Thân chúng ta làm lành, miệng chúng ta nói lành đó là tốt, nhưng nếu tâm ý chúng ta chưa được lành, chưa tốt thì cũng có ngày nó xúi thân, miệng mình làm quấy, làm lỗi.

Cho nên thứ ba là phải gạn lọc tâm ý, vì nó là gốc.

Giữ cho tâm ý trong sạch bằng cách nào?

Ví dụ thường ngày trong sự tiếp xúc qua lại, mình hay có tật xấu là nóng nảy.

Khi nổi nóng lên thì nói bậy, làm bậy đủ thứ hết.

Như vậy chúng ta biết mình có tật xấu là nóng giận.

Sự nóng giận đó ở trong tâm ý mình.

Cái xấu cái nhơ ở trong tâm mình, mình phải làm sao lọc bỏ nó ra thì hết nhơ, hết xấu.

Phật dạy rất rõ, nếu người nào bị bệnh nóng giận thì phải uống tới hai toa thuốc.

Toa thứ nhất là toa thuốc nhẫn nhục, toa thứ hai là toa thuốc từ bi.

Khi nổi nóng lên, lúc đó quí vị làm gì trước? La trước phải không?

La không được thì đánh.

Như vậy từ ý nổi nóng rồi miệng la, la chưa xong thì tay đánh.

Thế là thân tạo nghiệp ác, miệng tạo nghiệp ác từ ý nghĩ ác.

Nên khi nổi nóng lên, quí vị phải làm sao trị cơn nóng đó?

Chạy đi lấy nước lạnh uống cho nó mát lại phải không, nhưng nước qua khỏi cổ một chút thì nhớ lại rồi nổi nóng nữa, chẳng lẽ uống nước nữa?

Cứ mỗi lần nóng là uống nước, uống tới chiều cho bể bụng luôn. Đó chưa phải là phương pháp cứu mình.

Do đó phải dùng hai phương thuốc từ bi và nhẫn nhục mới trị được bệnh này.

Đó là biết thuốc của Phật cho để trị bệnh, chớ còn không thì chúng ta tu Phật bao nhiêu năm mà khi bệnh không biết làm sao để trị.

Học Phật mà cứ đọc kinh này, sách kia nhưng không biết trị bằng cách nào.

Như vậy là chúng ta chưa phải thực tế.

Khi có bệnh phải dùng thuốc liền, dùng thuốc rồi thì có hiệu quả.

Bởi có thuốc mà không chịu uống rồi cứ kêu bệnh hoài.

Nếu không uống thuốc để bệnh tái phát liên miên, đó là tự mình phá hoại, tự mình làm khổ mình.

Nên người biết tu là đem pháp của Phật dạy ứng dụng cho bản thân mình được an lành, nội tâm mình được trong sạch.

Đó là khéo tu, tu như vậy mới là tu thật, còn nếu tu như lâu nay là tu chưa thật.


HT. Thích Thanh Từ

Các tin tức khác

Back to top