Mất hết pháp lành thì vô phương cứu chữa

27/08/2024 8:09
Dẫu chúng ta chưa thực sự thuần thiện, còn lỗi lầm nhưng đừng bao giờ làm những điều khiến cho mất hết thiện căn công đức. Sống cần có hậu là vậy, phải chừa lại phước đức cho mình và con cháu. Đừng để tham lam, sân hận, si mê nhuộm bẩn cuộc đời.

"Một thời Đức Phật du hóa tại Bạt-kì-sấu, ở đô ấp A-nô-ba của người Bạt-kì. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói:

- A-nan, ví như cách thôn nọ không xa, có một hầm phẩn sâu rộng, có người bị lọt vào đấy, chìm xuống tận đáy. Có người đi đến trông thấy, phát khởi lòng đại từ đại bi, mong muốn cho được sự lợi ích và phước lành, được an ổn, khoái lạc. Người ấy nhìn quanh rồi nói, ‘Người này có chỗ nào như lông, tóc không bị dính phẩn để ta có thể nắm kéo lên chăng? Người ấy nhìn khắp châu thân nhưng không thấy có chỗ nào bằng một sợi lông, một cọng tóc mà không bị dính phẩn để có thể dùng tay nắm kéo lên được’.

Cũng vậy, này A-nan, nếu Ta thấy Đề-bà-đạt-đa có một chút pháp bạch tịnh nào bằng một sợi lông, Ta đã không xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt. A-nan, vì Ta không thấy Đề-bà-đạt-đa có được chút pháp bạch tịnh nào bằng một sợi lông, nên Ta xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt.

 Khi ấy, Tôn giả A-nan khóc lóc, lấy tay gạt lệ rồi thưa rằng:

- Kính bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Thế Tôn đã xác định rằng ‘Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp không thể cứu vớt”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Lâm, kinh A-nô-ba, số 112 [trích])

Lời bàn: 

Đoạn kinh có nói đến pháp bạch tịnh. Bạch tịnh có nghĩa là trắng sạch, pháp bạch tịnh là pháp trắng, pháp lành; đối nghĩa với nó là pháp đen, pháp ác.

Mỗi người, ai cũng tác tạo nghiệp thiện và ác lẫn lộn, đan xen. Người tích phước thì tạo nghiệp thiện, vun bồi pháp trắng nhiều. Người tổn phước thì tạo nghiệp thiện, vun bồi pháp trắng ít. Người hết phước thì không còn chút nghiệp thiện, pháp trắng nào cả. Họ chỉ còn lại pháp đen, nghiệp ác mà thôi. Ai ở trong tình trạng này thì dù có gặp Thế Tôn, bậc Y vương cũng hết cách cứu giúp.

Đức Phật, Đề Bà Đạt Đa và A-nan ngoài thầy trò, còn là anh em dòng tộc, tình thân. Tôn giả A-nan sau khi nghe Đức Phật xác quyết Đề-bà-đạt-đa chắc chắn sinh vào địa ngục, không thể cứu vớt liền xót xa, rơi lệ (bấy giờ A-nan chưa chứng A-la-hán). Dĩ nhiên Thế Tôn và A-nan đều thương xót và tìm cách cứu Đề-bà-đạt-đa nhưng tình trạng của Đề-bà-đạt-đa bấy giờ đã vô phương cứu chữa, chỉ toàn pháp đen, không có chút pháp trắng nào.

Giống như bệnh nhân được bác sĩ khuyên nên về nhà để lo hậu sự. Đề-bà-đạt-đa đã phạm tội cực ác, mất hết thiện căn công đức nên không cứu được. Nếu pháp trắng thiện lành còn chút ít, dầu nhỏ như sợi lông cọng tóc cũng còn chút hy vọng phục hồi. Đức Phật dùng hình ảnh minh họa thật thảm thương, gây chấn động mạnh. Như người bị lọt vào hố phân, chìm xuống tận đáy, muốn giúp người ấy nhưng không còn chỗ sạch để nắm mà kéo lên.

Thế nên, dẫu chúng ta chưa thực sự thuần thiện, còn lỗi lầm nhưng đừng bao giờ làm những điều khiến cho mất hết thiện căn công đức. Sống cần có hậu là vậy, phải chừa lại phước đức cho mình và con cháu. Đừng để tham lam, sân hận, si mê nhuộm bẩn cuộc đời.

Hãy tạo thêm nghiệp lành mỗi khi có thể để bù vào những lúc si mê tăm tối. Ít nhất là khi cân bằng nghiệp thiện ác của tự thân thì vẫn còn điểm cộng, đừng bị rơi vào điểm trừ. Điểm cộng càng cao thì phước đức càng tăng.

Vâng lời Phật dạy, mỗi người hãy làm chủ đời mình bằng pháp trắng, vun bồi thiện nghiệp vì không ai có thể giúp mình khi đã tiêu tán hết sạch phước lành. 


Quảng Tánh


Các tin tức khác

Back to top