Đừng cho rằng những gì hay, những gì phải thì mọi người sẽ hưởng ứng.
Chỉ khéo được nhiều người mến, được nhiều người ủng hộ hoặc đưa ra những gì đúng với sở nguyện của họ thì họ hưởng ứng, họ theo mình.
Ngược lại dù có đưa ý kiến đúng mà họ không muốn thì cũng không theo như thường.
Như vậy không hẳn nhiều người khen là lẽ phải.
Lâu nay chúng ta cứ ngỡ rằng được nhiều người chấp nhận, đó là lẽ phải.
Không phải như vậy. Chỉ chúng ta tùy thuận, nhường nhịn nhau để mà sống.
Đừng nói việc này phải, ai làm khác thì sát phạt họ, nghĩ như vậy là không được.
Người chồng thấy mình phải, người vợ cũng thấy mình phải rồi đòi sát phạt nhau, như vậy là có hai quan tài rồi.
Trong cuộc sống, chúng ta phải một phần, người kia phải một phần, thôi thì nhường nhịn nhau cho tốt đẹp, đó là hạnh nhẫn nhục của đạo Phật.
Nhưng nếu nhịn nhau mà không tha thứ, cứ nhớ lỗi người ta hoài thì điều hòa được chưa?
Bữa nay nhịn chớ mai mốt gặp việc cũng bùng nổ nữa. Đó là căn bệnh người ta hay chứa trong lòng.
Ai làm phật lòng lần đầu ráng nhịn, mai mốt gặp nữa thì nói tôi nhịn lần thứ hai rồi nghen. Như vậy không phải điều hòa thật.
Chúng ta nhịn thì phải bỏ qua luôn, đừng nhắc tới nhắc lui. Nhịn mà không chịu quên cứ nhắc hoài. Nhắc hoài người kia cũng sân lên, rốt cuộc không ai nhịn ai cả.
Vì vậy mong quí Phật tử khéo nhẫn nhịn với nhau.
Qua sự nhẫn nhịn đó chúng ta còn phải hỉ xả, nghĩa là vui mà bỏ chớ đừng gượng bỏ.
Bởi vì chẳng qua tất cả chúng ta đều do khờ dại mới cãi vã với nhau. Biết rồi thì bỏ hết đừng thèm giận hờn gì nữa.
Chớ còn nghĩ mình phải, kia quấy rồi ôm ấp, mai mốt gặp việc cãi lại nữa, rốt cuộc không hết khổ đau. Phương pháp nhẫn nhịn sẽ đưa chúng ta tới chỗ an ổn.
Nhẫn nhịn là khéo léo điều hòa ngọn lửa, đừng để nước dập tắt lửa, cũng đừng để lửa đốt cạn nước.
Ở gia đình, vì con cái nên vợ chồng nhường nhịn nhau.
Ngoài xã hội, vì một lý tưởng nào đó mà người ta phải nhịn nhau.
Trong đạo thì vì đạo đức cao thượng nên nhường nhịn nhau, tha thứ nhau.
Nhờ thế mà gia đình, tập thể mới thật có an ổn, thật có vui tươi.
Nếu không như vậy chẳng bao giờ chúng ta có niềm vui.
Chồng với vợ gặp nhau gượng nói chuyện chớ trong bụng không ai ưa ai, thì đó là nỗi khổ lớn nhất trong gia đình. Ngoài xã hội cũng thế.
Do biết cuộc đời là mâu thuẫn nên chúng ta phải điều hòa bằng hai hạnh: hạnh nhẫn nhục và hạnh hỉ xả.
Muốn được nhẫn nhục, hỉ xả, trước phải có tâm từ bi, thấy tất cả là bạn, không có ai thù. Ba điều đó từ bi là trước, rồi nhịn sau, tha thứ nhau. Không có từ bi thì không thể nhẫn nhịn và tha thứ được.
Cứ cho người làm trái ý mình là kẻ thù thì không bao giờ chúng ta nhường nhịn.
Cho nên đừng thấy ai là kẻ thù cả, chỉ có bạn đã thông cảm và chưa thông cảm. Đó là tâm từ bi.
Chính do tâm từ bi nên chúng ta mới nhường nhịn, tha thứ nhau được.
Chúng ta ứng dụng giáo lý của Phật trong cuộc sống thì cuộc sống vừa có đạo đức, vừa được an vui.
HT. Thích Thanh Từ
Các tin tức khác
- “Kẻ cướp trong nhà khó đề phòng” (12/12/2024 8:53)
- Không nên sống quá lâu ở một nơi (11/12/2024 8:44)
- Sống có “đức” mới có hạnh phúc chân thực (11/12/2024 8:41)
- Phải chăng do con thiếu đức? (11/12/2024 8:39)
- Họa từ miệng mà ra (10/12/2024 8:41)
- Đủ phước duyên thì nụ cười sẽ nở (10/12/2024 8:40)
- Lễ Phật sám hối kéo dài tuổi thọ (10/12/2024 8:37)
- Hãy cười cho đời bớt khổ (10/12/2024 8:34)
- Phật đến, bình yên đến ( 9/12/2024 8:42)
- Mình đã thương mình đủ chưa? ( 9/12/2024 8:38)