Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

24/04/2014 1:56
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn: Tức là phiền não nhiều không cùng tận nhưng chúng ta thệ nguyện đoạn sạch không sót. Đó cũng là phát tâm kiên cố rộng lớn không thoái chuyển, tiến mãi không dừng. Khi còn thấy có phiền não thì còn phải đoạn chứ không nản lòng, không bỏ cuộc, hoặc chỉ đoạn một ít rồi để dành lại.

Trong Ngộ Tánh Luận, Tổ sư nói: "Phiền não và Niết-bàn đồng là tánh không, do đó người Tiểu thừa vọng đoạn phiền não, vọng vào Niết-bàn, bị Niết-bàn làm ngưng trệ; Bồ-tát thì biết phiền não tánh không tức chẳng lìa không nên thường ở Niết-bàn".

Do Bồ-tát biết rõ phiền não tánh không tức chẳng lìa không nên các Ngài thường ở Niết-bàn. Các Ngài không sợ phiền não vì thấu rõ tánh phiền não tức là Niết-bàn. Nghĩa là phiền não vốn không có cái tánh thực là phiền não, hay là không có tánh cố định là phiền não nên dù phiền não có sâu dày thế mấy đi nữa vẫn thấy rõ nó là tánh không. Và đã là tánh không thì đều có thể chuyển được, không sợ là không hết. Đây chính là một niềm tin, một sức mạnh để cho chúng ta tiến lên. Có nhiều người tu thời gian rồi thì thấy phiền não nhiều quá nên ngán, nghĩ sao tu nhiều năm mà vẫn không thấy hết phiền não. Vì nghĩ vậy nên tâm chán nản, khi đó phiền não thành là có thật.

Cũng vậy có nhiều người chưa tu thì rất ham tu, khi tu một thời gian thì thấy vọng tưởng nhiều quá nên ngán không dám ngồi thiền nữa. Sở dĩ như vậy là bởi cho vọng tưởng là thật.

Khi đi chơi thì chúng ta thấy không có vọng tưởng nhưng ngồi thiền thì có vọng tưởng. Vậy ngồi thiền mà có vọng tưởng là dở hay sao? Đúng ra khi chúng ta đi chơi thì đâu có tu, tâm động theo duyên bên ngoài nên không thấy vọng tưởng; còn ngồi thiền tâm yên giống như nước lắng xuống khi đó thấy được rong rêu, cá ở trong nước. Cũng vậy, khi ngồi thiền tâm yên thì mới thấy được vọng tưởng trồi lên, mà đã biết là vọng thì đâu phải sợ. Vì khi tâm chúng ta thấy được vọng tưởng tức là tâm đã có định nên mới thấy được niệm vọng chứ đâu phải ngồi thiền có vọng tưởng là mình tu dở.

Thứ hai, nó là những vọng tưởng, thì tức là những bóng dáng, nó có trồi lên rồi nó cũng qua, cũng mất chứ nó không có thường trụ, không có một cái vọng tưởng nào mà nó thường còn mãi mãi. Vậy nó rõ ràng là tánh không.

Phiền não cũng vậy. Xin hỏi ở đây có ai phiền não nhiều nhất thì đem ra đây xem thử? Nếu hiện giờ chúng ta tìm không có nhưng lát sau ra ngoài gặp duyên thì nó sanh. Như vậy, rõ ràng phiền não không có thật, nếu có thật thì phải đem ra được vì có sẵn, nhưng tất cả chúng ta đều không thể đem vọng tưởng ra được mà phải đợi đủ duyên thì nó mới khởi, nên nó không có thật thể.

Xét kỹ thì phiền não cũng từ chấp ngã mà ra, do chấp ngã mà chấp thân này có ta nên có ai đụng đến thì liền phiền não. Mà cái TA này vốn không thật có, quý vị thử suy tìm quán xét cho kỹ cho sâu thì thấy ta là cái gì? Chỉ không ra. Như vậy cái thật thể của cái ngã mà chúng ta đã chấp là không thật có, thì cái chấp cũng là không thật luôn. Chính do mê lầm mà vọng sanh, đã vọng sanh thì không có thực. Giống như là nằm chiêm bao thấy có ta đi đây đi kia, ta làm chuyện này chuyện nọ, buồn vui giận ghét v.v…, nghĩa là ai có đụng đến ta thì cũng phiền não, rồi ai cho vàng cũng mừng nhận, ai rượt cũng sợ rồi chạy v.v… như vậy là thấy có ta rõ ràng ở trong đó. Nhưng khi giật mình tỉnh dậy thì sao?

Thí dụ như lúc đang chiêm bao thấy bị cọp rượt nên ta chạy. Lúc chạy đến bờ sông thấy có chiếc thuyền, liền vội vàng nhảy xuống nhờ người lái thuyền bơi nhanh để tránh cọp. Nhưng khi nhảy xuống thuyền vừa định bơi qua liền giật mình tỉnh dậy, thì lúc ấy có còn ngồi đợi trên thuyền chờ bơi đến bờ bên kia sông không? Rõ ràng tỉnh rồi thì nó không có gì hết. Nhưng mà cũng có người tỉnh rồi vẫn còn sợ, còn đổ mồ hôi. Ngược lại nếu trong chiêm bao thấy ai dẫn mình đi tới một cái kho đầy kim cương hột xoàn, mình định lấy một vài hột bỏ vào túi thì bỗng giật mình tỉnh dậy, thì khi ấy tâm mình thế nào? Tiếc quá! Đó là mê.

Nên ở đây phải mở sáng con mắt trí tuệ để thấy rõ cái ta này nó cũng giống như vậy, đều là vọng sanh, y hệt như chiêm bao chứ không có thật. Rõ ràng, phiền não y nơi cái ngã vọng chấp mà có đều là không thật, nên nói gọn là tuy đoạn mà không có gì để đoạn, chỉ là nhắc để chúng ta nhớ rồi sống trở lại và chuyển hóa khiến nó tan, cuối cùng sạch hết dấu vết, lúc ấy gọi là đoạn dứt phiền não.

Nhắc lại, lúc mê chúng ta thấy phải đoạn phiền não để chứng Niết-bàn nhưng khi giác rồi thì biết rõ không còn dấu vết để đoạn. Bởi vì nếu mà còn thấy có dấu vết phiền não để đoạn tức là vẫn chưa thật đoạn sạch phiền não. Ý rõ ràng như vậy.

Nếu người đã rõ sáng lý Bát-nhã rồi thì không còn sợ phiền não nhiều vô tận. Cho nên, việc quan trọng hiện tại của chúng ta là khéo mở sáng con mắt Bát-nhã, thấy đúng lẽ thật rồi phát tâm kiên cố bền vững, hễ còn phiền não là còn đoạn, chứ không đoạn nửa chừng cũng không có đoạn một lúc rồi thôi.

Ngài Lâm Tế có nói bài kệ:

    "Phiền não do tâm nên có,
    Không tâm phiền não buộc gì?
    Chẳng nhọc phân biệt chấp tướng,
    Tự nhiên được đạo liền đây."

Phiền não do tâm sanh. Thí dụ tham là do tâm tham, nếu ta không khởi lòng tham tức không có cái tâm tham thì rõ ràng tâm không sanh phiền não. Chính vì còn tâm tham nên thấy vàng thì thích, rồi muốn lấy muốn giữ, thì đó là phiền não rồi.

Cũng vậy, do chúng ta còn có tâm sân nên người đụng vào thì liền khởi sân. Nếu tâm không có niệm sân thì có ai làm thương tổn đến mình thì mình cũng không sân. Vì do tâm nên mới khởi phiền não, nếu tâm không sân thì tâm không bị buộc chỗ nào hết nên phiền não buộc ai? Đây gọi là không nhọc phân biệt chấp tướng. Khi tâm không phân biệt chấp tướng thì không phiền não vì còn phân biệt đây là vàng, hoặc ta đây là quý v.v… nên khởi tham. Nếu không có khởi tâm phân biệt thì khi thấy vàng cũng biết chỉ là một thứ kim loại thôi thì đâu có gì để trói buộc.

Thật ra không phải vàng nó trói buộc mình mà chính mình trói buộc vào vàng. Nhưng thường thì người ta đổ thừa vàng nó trói tôi, hoặc là cảnh này cảnh kia trói tôi v.v… Sự thật thì không có cảnh nào trói hết mà chính mình tự trói vào cảnh đó.

Như có một viên kim cương mà cho đứa bé thì sao? Hoặc lấy một viên kim cương với viên kẹo sôcôla đem cho đứa bé thì nó lấy cái nào? Lấy viên kẹo sôcôla, vậy thì viên kim cương đâu có trói đứa bé, nhưng tại sao với chúng ta khi thấy viên kim cương thì mắt liền sáng, đó là do tâm phân biệt.

Ở đây, ngài Lâm Tế nói nếu chẳng nhọc phân biệt chấp tướng thì ngay đây liền được đạo. Có nhiều người đổ thừa cảnh này nó trói buộc nên tôi bỏ sang chỗ khác, nhưng nếu còn tâm phân biệt thì qua cảnh khác cũng bị cảnh khác trói nữa.

Thí dụ như có người cho cảnh này động quá khó tu nên lánh vào rừng núi để yên tu. Nhưng vào rừng núi lại gặp khỉ vượn nó cứ chí chóe hoài nên cũng không yên. Rõ ràng, nếu tâm chúng ta không yên thì ở chỗ nào cũng không yên, còn tâm yên rồi thì ở chỗ nào cũng yên, nên phiền não do tâm mà có. Tuy nhiên, dù phiền não có nhiều vô tận cũng không phải sợ, vì biết rõ phiền não vốn là tánh không, nên phát thệ nguyện đoạn sạch hết. Người không hiểu thì thấy phiền não là thật cho nên sợ do đó cố trừ dẹp một thời gian thì cảm thấy mệt mỏi chán nản rồi buông xuôi, đó là không thấy được lẽ thật.

Còn ở đây khéo mở sáng trí tuệ thấy đúng lẽ thật nên phát tâm tâm kiên cố không thoái chuyển, đoạn sạch phiền não chứ không chỉ dừng ở giai đoạn nào. Đây là ý nghĩa thứ hai, mở tâm rộng lớn không có giới hạn.


TT. Thích Thông Phương

Các tin tức khác

Back to top